Hiệu ứng domino và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng công nghiệp
Dịch COVID-19 lây lan rộng, cùng với những biện pháp chống dịch quyết liệt đã làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng... Bắt đầu từ Trung Quốc, sự gián đoạn đã lan sang Việt Nam, Hàn Quốc và chưa biết bao giờ mới nối lại được.
Với một tập đoàn Hàn Quốc có nhà máy tại Hải Phòng chuyên sản xuất linh kiện cho sản phẩm điện thoại thông minh của Apple, Samsung và LG Electronics, tác động của dịch cúm Vũ Hán không thể lường được. Trước tiên, dịch bùng phát ở Trung Quốc, các nhà máy của tập đoàn tại nước này phải đóng cửa ba tuần lễ, nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc cho nhà máy ở Việt Nam cạn kiệt. Rồi dịch lan tới Hàn Quốc, biện pháp hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh làm sụp đổ kế hoạch mở rộng nhà máy ở Hải Phòng.
Tập đoàn Hàn Quốc này, không muốn nêu tên để bảo vệ quan hệ kinh doanh, nói rằng hiện giờ họ đang chuẩn bị tạm ngừng sản xuất tại nhà máy chính trong khu công nghiệp Gumi ở Hàn Quốc - chỉ cách thành phố “ổ dịch” Daegu khoảng một giờ ô tô.
“Con virus gây ra một hiệu ứng domino lên các nhà cung cấp. Tôi chỉ còn biết nhìn lên trời và thở dài”, một quản lý cao cấp của tập đoàn nói với hãng tin Reuters.
Được dẫn dắt bởi các tập đoàn lớn như Samsung và LG, hàng trăm nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc đã đến Việt Nam và thiết lập cơ sở làm ăn nhiều năm qua khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng lên cùng với rủi ro chiến tranh thương mại hay ăn cắp tài sản trí tuệ. Trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn cung tốt nhất cho nhiều loại nguyên vật liệu và linh kiện phụ tùng thì Việt Nam với vị trí địa lý kề cận, rõ ràng là một địa chỉ thay thế hợp lý.
Với hơn 4.000 dự án, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Chỉ riêng tập đoàn Samsung đã đóng góp khoảng một phần tư giá trị xuất khẩu của Việt Nam, còn Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, nguồn cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ năm của Hàn Quốc.
Mối bận tâm lớn nhất của các công ty công nghệ Hàn Quốc là làm sao giữ cho các nhà máy ở Việt Nam hoạt động bình thường. Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát chặt các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, làm gián đoạn việc cung cấp các linh kiện điện tử.
Trước tình hình đó, Samsung đã chuyển linh kiện sang Việt Nam bằng đường hàng không, dưới dạng bưu kiện chuyển phát nhanh, thay vì sử dụng đường bộ như trước. Vấn đề cung ứng tạm thời giảm sức ép, nhưng rồi dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, một số vùng rộng lớn quanh thành phố Daegu bị phong tỏa, nhiều người lao động bị cách ly ở nhà và nhiều nhà máy đóng cửa tạm ngừng hoạt động.
Trong vài tuần qua, công ty Samsung Electronics Co Ltd. đã phải ngừng nhà máy sản xuất điện thoại ở Gumi, trong khi LG Display và LG Innotek cũng phải ngừng hoạt động một số ngày. Sự kiện đó gây ảnh hưởng dây chuyền tới Apple. Apple mua màn hình điện thoại iPhone từ LG Display, mua cụm máy ảnh điện thoại của LG Innotek, mua chip bộ nhớ và màn hình Oled của Samsung.
Cho dù tập đoàn Foxconn, nhà lắp ráp điện thoại iPhone, có nối lại được hoạt động sản xuất của các nhà máy khổng lồ ở Trịnh Châu và Thâm Quyến sau khi Trung Quốc khống chế được nạn dịch thì cũng không có đủ linh kiện để sản xuất.
Do sự gián đoạn chuỗi cung cấp toàn cầu trong các ngành phụ tùng xe hơi và điện thoại di động, Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) nhận định các quốc gia xuất khẩu sẽ bị giảm doanh số khoảng 50 tỉ đô la Mỹ chỉ riêng trong tháng 2-2020.
Sự sụt giảm xuất khẩu lần lượt là EU (giảm 15,6 tỉ đô la Mỹ), Mỹ (5,8 tỉ đô la), Nhật Bản (5,2 tỉ đô la), Hàn Quốc (3,8 tỉ đô la), Đài Loan (2,7 tỉ đô la) và Việt Nam (2,3 tỉ đô la).
Thiết bị chính xác, máy công cụ, phụ tùng xe hơi, thiết bị viễn thông là những ngành hàng bị tác động nhiều nhất. UNCTAD không đề cập tới lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.
Alessandro Nicita, nhà kinh tế chính của UNCTAD, nhận định trong ngắn hạn, sự gián đoạn này không dẫn tới việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nhưng trong dài hạn nhiều công ty sẽ phải tìm các nhà cung cấp mới ở bên ngoài Trung Quốc.
Thái Bình
Nguồn The Saigon Times