Netflix và YouTube tại châu Âu sẽ bị chậm lại do dịch bệnh
Nguyên nhân việc này đến từ việc dịch bệnh khiến nhu cầu xem video trực tuyến của người dùng tại đây tăng lên.
Dịch bệnh lây lan mạnh, kết hợp với việc chính phủ nhiều nước châu Âu khuyến cáo người dân nên ở nhà đã khiến tăng nhu cầu xem video trực tuyến. Nếu tiếp tục duy trì chất lượng video cao nhất của các dịch vụ trực tuyến, nhiều hãng đã đưa ra dự đoán Internet của châu Âu sẽ không đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu.
Theo CNN, biện pháp mà YouTube và Netflix áp dụng tạm thời trong 30 ngày tới là giảm chất lượng các nội dung được phát tại khu vực châu Âu. Theo đại diện Netflix, việc giảm chất lượng video phát tại khu vực này sẽ giúp châu Âu tiết kiệm được 25% tổng băng thông Internet.
Còn đại diện Google (công ty sở hữu YouTube) cho biết đang làm việc với chính phủ các nước ở châu Âu và từng nhà cung cấp dịch vụ Internet để đảm bảo họ không chiếm quá nhiều băng thông mà vẫn giữ được trải nghiệm dịch vụ tốt cho người dùng.
Không chỉ các doanh nghiệp dịch vụ nội dung, công ty Internet lo sợ không đủ băng thông, chính phủ các nước EU cũng từng đưa ra khuyến cáo cho người dùng: đó là không xem video ở độ phân giải cao nhất để giữ cho mạng Internet không bị quá tải.
Đặc biệt là ở những nước đã ra lệnh phong tỏa thành phố, khu dân cư. Có hàng trăm triệu người phải làm việc ở nhà, nhiều trẻ em phải học online đã tạo ra áp lực lớn cho mạng Internet.
Theo báo cáo năm 2019 của Sandvine, video đã chiếm tới 60% băng thông mà các nhà cung cấp bán cho người dùng. Trong đó riêng Netflix đã chiếm 12% tổng băng thông, YouTube cũng chiếm khoảng 12%.
Việc giảm chất lượng video sẽ gây ra những ảnh hưởng khác nhau tới người dùng. Có người sẽ cảm thấy rõ việc video của họ không còn nét như trước, nhưng một số khác sẽ không thấy bất kỳ thay đổi nào.
Nhưng trái với quan ngại của các quan chức EU, Internet tại châu Âu đến lúc này vẫn đang hoạt động ổn định. Trước đó EU đã thảo luận với cơ quan quản lý viễn thông của các nước, thành lập đơn vị giám sát để theo dõi lưu lượng truy cập, sẵn sàng thực hiện các biện pháp điều chỉnh băng thông để đảm bảo kết nối.
Bản thân các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng cho biết họ có đường dây nóng để hỗ trợ khách hàng trong việc điều chỉnh chất lượng video xem trực tuyến.
Ông Howard Watson, Giám đốc công nghệ của BT Group cho rằng kể cả người dùng có xem video 4K cả ngày thì đường truyền mà họ đang sử dụng vẫn có thể hoạt động tốt các ứng dụng phục vụ cho công việc.
Đại diện nhà mạng Verizon của Mỹ cho biết họ không thấy có vấn đề nghẽn mạng xảy ra. Dù có xảy ra nhà mạng này cũng có thể phản ứng kịp thời. Tuy nhiên tổng lưu lượng băng thông sử dụng của người dùng đã tăng bao gồm 75% tăng về nhu cầu cho trò chơi trực tuyến và 30% sử dụng cho việc truy cập các mạng riêng.
Với nhu cầu sử dụng mạng xã hội, Facebook cho biết họ đang gặp vấn đề tăng đột biến nhu cầu sử dụng của người dùng vì dịch bệnh đã khiến hàng triệu người phải ở nhà.
Các nền tảng gọi video trực tuyến như WhatsApp, Facebook Messenger còn phải chịu áp lực gấp đôi thời điểm bùng nổ cuộc gọi mỗi năm là đêm giao thừa.
Theo ông Kin K.Leung, Giáo sư công nghệ Internet tại Đại học Hoàng gia London, áp lực tới hạ tầng mạng không hẳn đến từ việc người dùng xem video độ phân giải cao mà đến từ nhu cầu live stream, truyền hình hội nghị.
Thực tế thì băng thông sử dụng cho việc live stream tốn hơn nhiều việc xem video trực tuyến. Và khi mọi doanh nghiệp, trường học chuyển sang làm việc online thì nhu cầu này sẽ tăng theo cấp số nhân.
Nhưng ông cũng đưa ra đánh giá về năng lực của các nhà cung cấp Internet hiện nay đều có thể đáp ứng tốt mọi nhu cầu được thực hiện đồng thời.
Còn trong trường hợp việc live stream không được thuận lợi, các trường học có thể lựa chọn việc ghi hình toàn bộ bài giảng, đưa lên các dịch vụ video thay vì phát trực tiếp.
Và việc giảm nhu cầu khi sử dụng Internet cũng có thể coi là hành động tích cực trong cuộc chiến chống lại đại dịch như hạn chế ra ngoài và thực hiện rửa tay, đeo khẩu trang.
Tùng Linh
Nguồn BizLive