Nikkei Asian Review: Doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và Đông Nam Á đối mặt nguy cơ “sụp đổ như domino”
Các doanh nghiệp du lịch tại Đông Nam Á đang trả cái giá quá đắt vì phụ thuộc vào du khách Trung Quốc.
Một khách sạn ở thành phố biển nổi tiếng Hua Hin của Thái Lan đóng cửa toàn bộ hoạt động vĩnh viễn trong ngày thứ Hai (16/03), trở thành nạn nhân mới nhất của dịch COVID-19 – đại dịch kéo giảm nhu cầu du lịch tại châu Á.
Trong lá thư gửi tới các nhân viên, khách sạn Banyan cho biết họ không thể tiếp tục gánh lỗ trong bối cảnh số lượng du khách nước ngoài liên tục giảm mạnh vì dịch COVID-19. Giống như nhiều khách sạn khác tại Thái Lan, phần lớn lượng khách đều đến từ Trung Quốc – nơi dịch bùng phát.
Ngày 16/03 đánh dấu ngày thứ 50 kể từ khi Bắc Kinh cấm các tour du lịch nhóm ở nước ngoài vào ngày 27/01 trong một nỗ lực kìm hãm sự lây lan của virus. Động thái này đã dẫn tới việc hủy bỏ chuyến bay đến các địa điểm du lịch phổ biến với khách Trung Quốc như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia và các khu vực khác của châu Á.
Giờ đây, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu với hơn 180.000 trường hợp nhiễm bệnh trên toàn cầu, và khi có nhiều lệnh hạn chế và cảnh báo đi lại được đưa ra, ngành du lịch Đông Nam Á phải đối mặt với việc ngừng hoạt động kinh doanh hàng loạt và thậm chí phá sản vì dịch COVID-19.
Chuyện đã từng xảy ra sau khi đại dịch SARS bùng nổ từ 17 năm về trước. Một khi đại dịch qua đi, nhu cầu du lịch nhiều khả năng hồi phục trở lại. Các công ty lớn đang cố gắng tồn tại trong vòng xoáy suy giảm hiện tại bằng cách cắt giảm chi phí, nhưng các doanh nghiệp nhỏ hơn lại ít có khả năng triển khai những biện pháp như thế này.
Theo ông Kongsak Khoopongsakorn – Chủ tịch của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan ở phía Nam, các chủ khách sạn nợ nần nhiều nhất hiện đang phải đàm phán với các chủ nợ để khoanh nợ. “Mọi người đang cố gắng tồn tại và tôi nghĩ một số công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động, nhưng một số khác có thể không may mắn như thế và sẽ buộc phải từ bỏ cuộc chơi nếu tình hình trở nên tệ hơn”, ông nói với Nikkei Asian Review.
Ngành du lịch là một ngành quan trọng đối với nhiều quốc gia tại Đông Nam Á. Khu vực này chào đón khoảng 30 triệu khách từ Trung Quốc trong năm 2019, chiếm hơn 20% trong tổng du khách nước ngoài, hơn gấp 7 lần so với con số ghi nhận trong năm 2009 (4,1 triệu khách).
Một số quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào du khách Trung Quốc. Thật vậy, du khách Trung Quốc chiếm 28% lượng du khách đến Thái Lan và 32% khách đến Việt Nam, chủ yếu là do thuận lợi về vị trí địa lý và chi phí du lịch tương đối thấp.
Số liệu thống kê chính thức mới nhất thể hiện phần nào tác động nghiêm trọng nhất của môi trường hiện nay đến các quốc gia châu Á. Trong tháng 2/2020, lượng du khách nội địa của Thái Lan giảm 44% so với cùng kỳ, trong khi của Việt Nam giảm 22%, trong khi cả hai thị trường này đều tăng trưởng ổn định cho đến tháng 1/2020. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn ở Bali – địa điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia và cũng là nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona – hiện chỉ ở mức 20%, theo Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Indonesia.
Kết quả là các doanh nghiệp phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc đang bị COVID-19 tác động vô cùng nghiêm trọng. Số liệu thống kê từ Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy, cho đến giữa tháng 2/2020, đã có 8 khách sạn nộp đơn phá sản, trong khi 21 nhà hàng đã đóng cửa.
Trong khi đó, 74% doanh nghiệp Việt Nam cho biết có thể phá sản nếu dịch COVID-19 và các lệnh giới hạn di chuyển liên quan kéo dài thêm 6 tháng, theo cuộc khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân hồi đầu tháng 3/2020.
Thậm chí ở các quốc gia có nền kinh tế hướng nội hơn, “tác động lan truyền đến lĩnh vực bán lẻ và tác động từ sự sụt giảm trong chi tiêu của du khách Trung Quốc đến lượng tiêu thụ nội địa không nên bị đánh giá thấp, vì các tác động gián tiếp như vậy có thể còn mạnh hơn tác động trực tiếp”, các nhà kinh tế của DBS Group cho biết trong báo cáo công bố vào ngày 10/03.
Tình trạng phá sản vì COVID-19 không chỉ diễn ra ở Đông Nam Á
Fujimiso – một nhà trọ truyền thống của Nhật Bản có “tuổi đời” 60 năm – được cho là một trong những trường hợp phá sản đầu tiên vì COVID-19 tại Nhật Bản. Trong những năm trở lại đây, khu nhà trọ này phụ thuộc vào nhóm du khách Trung Quốc và giờ cũng bị hủy đặt phòng hàng loạt kể từ tháng 1/2020, từ đó dẫn tới phá sản, Tokyo Shoko Research ghi nhận.
Có thêm ít nhất 5 vụ phá sản công ty du lịch vì COVID-19 đã được ghi nhận tại Nhật Bản tính tới ngày thứ Sáu (13/03). Những trường hợp phá sản này bao gồm một nhà trọ truyền thống khác, một nhà điều hành du thuyền, một nhà hàng sushi, dịch vụ cho thuê kimono của Nhật Bản và một công ty du lịch, khi nhu cầu từ du khách trong và ngoài nước giảm mạnh trong thời COVID-19. Hầu hết các doanh nghiệp này đã gặp nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát, với những lý do như cạnh tranh gay gắt về giá và nhu cầu yếu ớt sau các thảm họa tự nhiên.
Ở Đông Nam Á, dịch COVID-19 kéo dài và các hạn chế liên quan gây ra nguy cơ vỡ nợ trên diện rộng, khi nhu cầu bắt đầu suy yếu. Các công ty có trụ sở tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Lào và Campuchia có tổng nợ là 30,8 tỷ USD tính tại thời điểm cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Dealogic.
Thái Lan, đất nước phụ thuộc vào du khách Trung Quốc và có ngành công nghiệp du lịch đã bị tàn phá do dịch bệnh, chiếm 1/3 tổng số nợ tại Đông Nam Á, ở mức 11,2 tỷ USD, kế đó là Malaysia, Singapore và Indonesia.
Mặc dù tổng nợ doanh nghiệp đến hạn tại Đông Nam Á không bằng nợ của các công ty có trụ sở tại Nhật Bản (82,9 tỷ USD) và Hàn Quốc (35,4 tỷ USD), nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gánh nặng nợ này là quá sức.
Ở những nơi khác, các đại lý du lịch Indonesia – vốn chuyên vào các chuyến hành hương đến Ả-Rập Saudi cho du khách Hồi giáo – đang bị ảnh hưởng nặng nề. Quốc gia Trung Đông này đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với tất cả các chuyến hành hương đến thành phố thánh địa Mecca, khiến các đại lý du lịch – thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – quay cuồng.
Ông Syam Resfiadi, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Umrah-Hajj, cho biết: “Lệnh cấm kéo dài hơn một tháng có thể gây gián đoạn hoặc thậm chí cắt đứt hoạt động của các công ty vì họ có ít vốn để phòng chống tác động từ COVID-19”.
Trong bối cảnh này, các Chính phủ ở Đông Nam Á đang gấp rút tung ra các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhất là các doanh nghiệp nhỏ dễ bị thương tổn.
Vũ Hạo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư