50-80% thương vụ sau M&A thất bại do không đánh giá đúng thương hiệu
Năm 2010, M&A của Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2009, năm 2011, đạt 4,7 tỷ USD, tăng 276% so với năm 2010. Ông nghĩ sao về các con số này?
- Tỉ lệ mua bán tăng cao như vậy là hoàn toàn nằm trong xu hướng của thế giới. Với tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay, tỉ lệ này trong những năm tới sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven- Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital: Hơn một nửa các vụ M&A không tạo ra giá trị gia tăng. Điều đó cho thấy, để đạt được thành công, việc mua bán và sáp nhập đòi hỏi phải tuân thủ theo quy trình và nguyên tắc giá trị chặt chẽ.
Thực tế, M&A dựa trên 3 yếu tố: Giá trị doanh nghiệp về mặt con số và tài chính; nhận diện, hình ảnh thương hiệu; văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, hình ảnh thương hiệu có giá trị vô hình nhưng rất lớn. Những nghiên cứu gần đây với 500 công ty lớn trên thế giới cũng cho thấy, giá trị thương hiệu chiếm tới hơn 50% tổng giá trị doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao 50-80% doanh nghiệp thất bại sau các thương vụ M&A có nguyên nhân từ việc chưa đánh giá đúng giá trị của thương hiệu.
Theo ông, nguyên nhân của sự thất bại này là do đâu?
- Nguyên nhân thì khá đa dạng, nhưng theo như nghiên cứu, có 10 nguyên nhân chính, các nguyên nhân này đều liên quan đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Trong đó, có những nguyên nhân như: Xác định không đúng giá trị hình ảnh thương hiệu; thiếu cái nhìn dài hạn giữa M&A và quản trị thương hiệu. Đội ngũ cán bộ nhân viên và lãnh đạo yếu kém, không có những hiểu biết căn bản về xây dựng thương hiệu… Đặc biệt, sau khi M&A, một doanh nghiệp mới ra đời, thay vì tập trung vào truyền thông, xây dựng chiến lược để doanh nghiệp có bản sắc mới, nhiều doanh nghiệp lại chỉ tập trung vào yếu tố tài chính mà không biết tận dụng, phát huy những giá trị cốt lõi, những tiềm năng mà thương hiệu có thể mang lại trong tương lai.
Vậy, giá trị thương hiệu được tính toán dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Hiện trên thế giới có 2 tập đoàn của Mỹ chuyên định giá thương hiệu bằng USD. Ở Việt Nam hiện chưa có công ty nào thực hiện công việc này. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh với các bạn rằng, không phải lúc nào thương hiệu cũng được định giá bằng tiền, giá trị vô hình nhưng hết sức quan trọng của thương hiệu nhiều khi lại nằm ở cảm nhận của khách hàng, ở hệ thống phân phối mà họ đã xây dựng được. Nói cách khác, chúng ta cần phân biệt rõ tài chính thực tế và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Một công ty bị khủng hoảng tài chính, giá trị lợi nhuận và ưu thế trên thị trường giảm sút, không có nghĩa là thương hiệu của doanh nghiệp này không còn giá trị.
Thương hiệu Diana là một ví dụ, năm 2011, Diana được định giá 10 triệu USD- con số này được đánh giá không chỉ đơn thuần là giá trị tài chính, mà hơn thế, đó là khả năng của Diana trong phát triển hệ thống phân phối, là niềm tin của chị em phụ nữ dành cho sản phẩm này. Hay như Bibica, mặc dù bị thua lỗ trong 3 năm liền nhưng giá trị của thương hiệu Bibica không hề nhỏ, bởi vì họ sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp.
Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu Việt Nam đã bị mua bởi các thương hiệu đến từ châu Âu, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì sao các thương hiệu Việt Nam lại có sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài đến vậy, trong khi họ sở hữu nhiều thương hiệu có giá trị gấp nhiều lần?
- Thời gian để một thương hiệu có “chỗ đứng trên thị trường” là rất dài, đó là kết quả của cả quá trình xây dựng, phát triển và ứng dụng. Chính vì vậy, chọn một thương hiệu đã có hệ thống phân phối rộng khắp là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nước ngoài có thêm thương hiệu mới nhưng lại quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng giúp họ sớm bắt nhịp được với thị trường.
Xin cảm ơn ông!