Ô tô Việt hưởng lợi từ EVFTA

Ô tô Việt hưởng lợi từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành ô tô Việt Nam trong thời gian tới khi thuế xuất nhập khẩu về 0%.

Giá xe sang sẽ không còn quá cao

EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê duyệt ngày 12/2/2020, dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua. Theo hiệp định này, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ ngay lập tức hoặc theo lộ trình 9-10 năm.

Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel) sau 9 năm EVFTA có hiệu lực. Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu về 0% sau 10 năm. Đây là cơ hội để người tiêu dùng trong nước mua được ô tô nhập khẩu từ thị trường châu Âu với giá và chi phí thấp hơn khá nhiều.

Hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết hãng xe lớn của châu Âu như Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche, Volkswagen, Maserati, Peugeot, Ferrari, Jaguar-Land Rover, Volvo đều đã có mặt. Các dòng xe nhập khẩu từ EU hoặc các sản phẩm thương hiệu châu Âu được bán tại Việt Nam đều nằm ở phân khúc hạng sang hoặc siêu sang.

Lâu nay, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước EU vào Việt Nam rất cao, từ 65-75%. Một mẫu xe nhập từ châu Âu về Việt Nam có giá 30.000 USD chẳng hạn (khoảng 690 triệu đồng), nếu tính thuế nhập khẩu 70%, sẽ gánh thêm khoảng 21.000 USD, cộng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 60% (xe có dung tích động cơ dưới 3L), tương đương 31.000 USD và chi phí vận chuyển 1.000 USD, số tiền đã lên đến 83.000 USD. Chưa hết, xe còn chịu thêm lợi nhuận cho nhà nhập khẩu, phí trước bạ... khiến giá xe đến tay người dùng lên đến gần 100.000 USD.

Ô tô Việt hưởng lợi từ EVFTA

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô cũng như linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ EU sẽ giảm dần về 0%. Khi đó, người tiêu dùng sẽ mua được ô tô từ châu Âu với giá không quá cao.

Theo tính toán của các hãng xe, khi thuế nhập khẩu về 0%, ngoài việc cắt giảm được 65-75% thuế nhập khẩu theo giá xe ban đầu, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm theo. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô bằng 35-150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu (tùy loại xe và dung tích), còn thuế giá trị gia tăng là 10% giá xe sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Và do thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo dung tích động cơ nên xe dung tích càng lớn giá xe sẽ càng giảm.

Với việc hưởng thuế suất ưu đãi như quy định tại EVFTA, giá xe nhập từ EU sẽ giảm nhưng “giảm như thế nào, vào thời gian nào, lộ trình giảm thuế áp dụng cụ thể ra sao thì còn phải chờ hướng dẫn chi tiết, từ đó các hãng mới có thể đưa ra số tiền cụ thể”, như lời một nhà kinh doanh xe nhập khẩu từ EU ở TP.HCM cho biết.

Cơ hội xuất khẩu

Không chỉ giúp giá xe nhập khẩu từ EU giảm, EVFTA còn giúp doanh nghiệp trong nước nhập linh kiện sản xuất, đặc biệt là thiết bị, máy móc công nghệ cao với giá thấp hơn nhiều so với trước. Và một khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng giảm sẽ giúp giảm giá thành, từ đó sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Nhưng EVFTA không chỉ tác động đối với xe nhập khẩu mà những dòng xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng được hưởng lợi. Tương tự Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), EVFTA không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam mà còn tạo cho xe lắp ráp xuất khẩu sang châu Âu. Những chiếc ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng sẽ hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo quy định.

Ô tô Việt hưởng lợi từ EVFTA

Với ASEAN, một số doanh nghiệp trong nước tận dụng được lợi thế là thành viên Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á để xuất khẩu xe sang các nước trong khu vực. Và lần này, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ làm được như với ATIGA, dù không dễ.

Hơn 20 năm xây dựng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không tiến được bao nhiêu, nhưng vẫn có những doanh nghiệp đưa sản phẩm ra nước ngoài. Bằng nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu xe chứ không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước. Điển hình là Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), sau khi xây dựng cụm công nghiệp phụ trợ để đáp ứng tiêu chuẩn 40% tỷ lệ nội địa hóa, cuối năm 2019, đã xuất ô tô du lịch sang các nước ASEAN.

Cụ thể, có 120 xe KIA Cerato và Sedona đã có mặt tại Myanmar hay hàng trăm xe buýt đã được doanh nghiệp này xuất sang Thái Lan, Philippines. Cùng với ô tô nguyên chiếc, trong năm 2019, Thaco đã xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang các nước ASEAN, đạt kim ngạch 14,5 triệu USD. Năm nay Thaco đặt mục tiêu xuất khẩu 1.026 ô tô các loại và xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 21 triệu USD.

Cơ hội từ EVFTA bắt đầu mở ra cho các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp phải nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa. Có như vậy mới hưởng được thuế suất ưu đãi và có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn