Chợ Facebook tăng sức ép cho các sàn TMĐT

Chợ Facebook tăng sức ép cho các sàn TMĐT

Việc chợ Facebook (Facebook Marketplace) trở nên gần gũi hơn với người sử dụng mạng xã hội sẽ gia tăng sức ép đối với các website bán hàng trực tuyến cũng như sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Kể từ tháng 2-2020, người sử dụng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam sẽ dễ dàng nhìn thấy các mặt hàng khác nhau được đăng bán ngay trên dòng thông tin Facebook (News Feed). Đó chính là Facebook Marketplace, một nơi tập trung các nhu cầu mua và bán của người dùng mạng xã hội này, tương tự như một "ngôi chợ" trên không gian mạng.

Khác với trước đây khi mạnh ai nấy bán trên Facebook thông qua tài khoản cá nhân (trang cá nhân) hoặc tạo Fanpage để bán hàng (bán hàng với quy mô lớn) hoặc tham gia các nhóm bán hàng (Group); ngày nay ai cũng có thể rao bán hàng hoá thông qua tài khoản của mình một cách dễ dàng.

Chợ Facebook tăng sức ép cho các sàn TMĐT

Người bán chỉ cần bấm nút "bán gì đó" trên chợ Facebook (trang Facebook Marketplace), không cần đăng ký trước. Ảnh chụp màn hình

Cụ thể, sau khi chuyển sang chợ Facebook (Facebook Marketplace), chỉ đơn giản là bấm nút bán hàng, người dùng không cần đăng ký trước, nhập thông tin giới thiệu món hàng cần bán, ảnh chụp sản phẩm, khu vực đăng bán (ví dụ Hà Nội hoặc TPHCM); sau đó hệ thống sẽ hỏi người dùng muốn đăng bán trên Facebook Marketplace hoặc trang Facebook cá nhân của mình.

Việc đăng tin bán hàng trên trang Facebook cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn do số lượng người dùng tiếp cận bài đăng bán hàng hóa không nhiều; phần lớn chủ gian hàng phải tag (nhắc tên/gắn thẻ) những người quen, bạn bè của mình vào bài viết để tăng thêm lượt xem bài.

Trong khi đó, chợ Facebook giải quyết được hầu hết các vấn đề nói trên của người bán hàng, giúp việc mua bán sẽ trở nên thuận tiện hơn. Người bán sẽ không phải vào các Group để đăng nhiều bài bán hàng một lúc (spam) hoặc tốn tiền “chạy” quảng cáo cho trang Fanpage của mình.

Chợ Facebook tăng sức ép cho các sàn TMĐT

Trước khi chợ Facebook ra đời, người dùng Facebook vẫn đăng bán sản phẩm thông qua trang cá nhân của mình. Ảnh chụp màn hình

Ông Lê Thiết Bảo, một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT nhận xét về Facebook Marketplace: Facebook là một nền tảng (platform) giúp người dùng tương tác và đánh giá; tại đây có những chức năng cơ bản để tạo dựng niềm tin cho mô hình Marketplace C2C (cá nhân bán hàng cho cá nhân). Đây cũng là cách thức khuyến khích người dùng tương tác một cách tự nhiên.

Như vậy, nếu bạn có một món đồ cần bán, chỉ cần vào chợ Facebook đăng bán, kèm theo thông tin giới thiệu sản phẩm và giá; rồi chờ có người trò chuyện (chat) qua Facebook Messenger để hỏi mua. Tốc độ đăng thông tin bán hàng, kênh tương tác giữa người bán - người mua được đánh giá là khá tiện ích.

Chị Ngọc Mai, chủ một gian hàng trên Facebook cho biết chủ yếu vẫn tập trung bán hàng trên trang Facebook cá nhân cho các bạn bè, người quen. Hiện tại, chị Ngọc Mai bắt đầu đăng thông tin bán hàng trên chợ Facebook để tiếp thị thêm về gian hàng của mình, tìm kiếm thêm khách hàng mới...

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng hoạt động mua bán trên mạng xã hội đang tạo sức ép không nhỏ cho các website bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử C2C (từ người dùng tới người dùng). Mạng xã hội với ưu thế đăng tải thông tin nhanh và phạm vi “phủ sóng” rộng sẽ giúp cho người bán tương tác trực tiếp với người mua một cách nhanh chóng.

Chợ Facebook tăng sức ép cho các sàn TMĐT

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh 2019 của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo, Facebook nằm trong nhóm 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến và có hiệu quả nhất. Ảnh: Sapo

Tuy nhiên, các chuyên gia TMĐT cũng khuyến nghị các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến nên chú ý xây dựng nền tảng kinh doanh vững chắc với website TMĐT, bên cạnh việc khai thác thế mạnh của việc kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội. Nên khai thác tính năng tương tác, quảng cáo-truyền thông sản phẩm trên mạng xã hội...

Có thể nói, Facebook chính là nơi doanh nghiệp đi tìm khách hàng, còn website TMĐT sẽ là nơi khách hàng đến tìm doanh nghiệp. Google cũng luôn khuyến khích việc sử dụng website trong kinh doanh, bởi điều này giúp họ dễ dàng thu thập thông tin và lập các mục nội dung website của doanh nghiệp về sản phẩm để cung cấp cho khách hàng khi lựa chọn.

Hiện tại, việc đăng thông tin bán hàng hóa trên chợ Facebook vẫn chưa tốn phí, ai có tài khoản Facebook (người dùng trên 18 tuổi) đều có thể đăng bán các sản phẩm mới hoặc cũ, đủ chủng loại. Trên chợ Facebook hiện có các mục bán hàng như xe cộ, quần áo và phụ kiện, đồ điện tử, sản phẩm gia đình...

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của VECOM, nếu tốc độ tăng trưởng trong năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường TMĐT sẽ lên tới 13 tỉ đô la Mỹ, quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Còn theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) được Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỉ đô la Mỹ năm 2019, dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng cùng Indonesia; Indonesia và Việt Nam là dẫn đầu trong khu vực có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.

Chí Thịnh
Nguồn The Saigon Times