Thương mại điện tử Việt Nam đối diện thách thức

Thương mại điện tử Việt Nam đối diện thách thức

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam dự báo đạt 15 tỷ USD trong năm 2020 nhưng đi kèm với đó là không ít khó khăn.

Vốn lớn vào Việt Nam

Ngành TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và vẫn liên tục thu hút vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, trong 4 năm qua, đã có khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư đã được rót vào lĩnh vực TMĐT.

Trong lĩnh vực kinh doanh hàng tổng hợp, năm 2019, Leflair đã được hai nhà đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management rót thêm 7 triệu USD, nâng vốn đầu tư của thương hiệu này lên 12 triệu USD. Với nguồn vốn rót thêm này, Leflair đã đầu tư công nghệ và kho bãi để mở rộng hoạt động của mình. Và trong hơn 4 năm có mặt tại Việt Nam, nhà bán lẻ này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng với doanh thu mỗi năm đạt hàng chục triệu USD. Không chỉ vậy, Leflair luôn duy trì giá trị đơn hàng tổng hợp trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2018, các công ty TMĐT Việt Nam cũng nhận được vốn “khủng” từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như Tiki được Tập đoàn JD rót thêm 122 tỷ đồng sau khi đã nhận khoản đầu tư 44 triệu USD của nhà đầu tư này trong năm 2017. Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) đầu tư thêm 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong khi đó, Sendo cũng gọi được 51 triệu USD từ Holding (Nhật Bản) và một số công ty khác.

Thương mại điện tử Việt Nam đối diện thách thức

Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore) đầu tư thêm 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ.

Trong hai năm qua, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu TMĐT đến từ Việt Nam như Tiki, Thế Giới Di Động, Sendo... Và theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak), TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 30%, đạt doanh thu 8 tỷ USD trong năm 2018.

Trong năm 2019, số người tham gia TMĐT tăng đến 56,7% so với năm trước, và dự báo sẽ đạt 64,4% trong 4 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo doanh thu TMĐT Việt Nam sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm nay. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển như hiện nay, ngành TMĐT Việt Nam sẽ đạt doanh thu 33 tỷ USD vào năm 2025, xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Theo các chuyên gia, có nhiều điều kiện để TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Đó là sự phát triển nhanh chóng của Internet, sự phổ biến của điện thoại thông minh và cả sự nhạy bén, bắt nhịp nhanh của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đối với công nghệ thông tin trong tất cả lĩnh vực. Và sự bùng nổ việc mua hàng qua mạng của giới trẻ sẽ duy trì ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Nhiều khó khăn

Dù phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường TMĐT cũng tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt. Đầu tháng 2/2020, Leflair đã thông báo tạm ngưng hoạt động tại Việt Nam. Trước mắt, Leflair dừng bán hàng của các nhà cung cấp trong nước và chỉ duy trì hàng nhập khẩu. Theo lý giải của nhà đầu tư này, xây dựng và mở rộng TMĐT đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong đó, công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp lực nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành buộc doanh nghiệp phải đưa ra quyết định khó khăn này.

Thương mại điện tử Việt Nam đối diện thách thức

Leflair đã thông báo tạm ngưng hoạt động tại Việt Nam.

Không chỉ có Leflair, trước đó, trong năm 2019, thị trường đã chứng kiến sự “ra đi” của nhiều thương hiệu bán hàng trực tuyến như Robins.vn, Adayroi.vn (của Vingroup). Những cái tên khác như vuivui.com (của Thế Giới Di Động), Cdiscount.vn (của Big C Việt Nam) cũng đã đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả.

Sau khi những thương hiệu này từ bỏ cuộc chơi, các trang TMĐT tổng hợp tại Việt Nam chỉ còn đúng 4 cái tên đáng chú ý là Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Shopee.vn. Vậy nhưng, những cái tên này đều có sự chi phối từ các ông lớn nước ngoài. Trong đó, Alibaba sở hữu Lazada.vn, JD.com là cổ đông lớn của Tiki.vn, Tiki có vốn điều phối từ nhà đầu tư Trung Quốc...

Hiện nay, chỉ duy Thế Giới Di Động không có nhiều sự can thiệp của nhà đầu tư ngoại và cũng là DN duy nhất trong nước hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này. Theo báo cáo vào đầu tháng 2/2020 của Thế Giới Di Động, doanh thu online năm 2019 đạt 12.682 tỷ đồng và chiếm 12% tổng doanh thu của công ty.

Với kết quả này, Thế Giới Di Động công bố là doanh nghiệp có doanh số lớn nhất trong tổng giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến hàng hóa tại Việt Nam. Số liệu từ iPrice cũng cho thấy, mặc dù là trang bán hàng thuần về công nghệ nhưng website của Thế Giới Di Động thường xuyên nằm trong top các trang bán hàng được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam trong năm qua, bên cạnh 4 trang TMĐT tổng hợp là Tiki, Lazada, Shopee, Sendo.

Thương mại điện tử Việt Nam đối diện thách thức

Doanh thu online năm 2019 của Thế Giới Di Động đạt 12.682 tỷ đồng và chiếm 12% tổng doanh thu của công ty.

Sở dĩ Thế Giới Di Động thành công vì so với các trang TMĐT khác chủ yếu bán hàng thời trang và mỹ phẩm (có giá trị thấp), thương hiệu này kinh doanh hàng điện thoại, điện máy, điện gia dụng... có giá trị cao, nhờ đó mang về doanh thu cao so với các trang thương mại truyền thống.

Theo các chuyên gia, để có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh này, DN phải thật sự trường vốn, và đây là điểm yếu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh vốn đầu tư, các DN nội vẫn yếu thế hơn các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu về nhiều yếu tố khác.

Và trong khi người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng trẻ - khách hàng chính của bán hàng trực tuyến ưa thích việc mua hàng từ các trang có xuất xứ nước ngoài như Amazon, eBay thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng. Đó là chưa kể, chất lượng và thiết kế của các sản phẩm trong nước vẫn thua kém các sản phẩm tương tự của nước ngoài.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn