Khốc liệt cuộc chiến trên thị trường nước đóng chai
Thị trường nước đóng chai Việt Nam hiện tựa như thời Chiến Quốc với hàng trăm nhãn hiệu đang tranh hùng. Có những thương hiệu nhỏ chỉ hiện diện ở một khu vực nhất định trong khi các thương hiệu lớn thì ra sức củng cố vị trí của mình.
Lâu nay, La Vie và Aquafina vốn thống trị thị trường, các doanh nghiệp nội với quy mô còn nhỏ, lợi nhuận khiêm tốn nên các doanh nghiệp này ít được nhắc đến. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần phân ra làm 2 loại: nước khoáng và nước tinh khiết.
Nước tinh khiết sản xuất đơn giản, không cần phải có mỏ nước. Những nhãn hiệu lớn của loại này có Aquafina, Dasani, ICY, Sapuwa...
Trong khi đó, sản xuất nước khoáng đòi hỏi phải sở hữu mỏ nước khoáng. Nước khoáng được đánh giá là tốt cho sức khỏe và giá bán cũng cao hơn một chút so với nước tinh khiết. Lĩnh vực này có có thương hiệu lớn như La Vie, Vĩnh Hảo, Vital...
Gần đây, thị trường nước khoáng bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm khi đại gia hàng tiêu dùng Masan Consumer đã bất ngờ đổ bộ vào lĩnh vực này với việc trả một mức giá khủng thâu tóm Vĩnh Hảo.
Masan đang muốn thâm nhập sâu vào thị trường đồ uống còn Vĩnh Hảo là một thương hiệu lớn trong ngành nhưng chưa phát triển đúng tầm.
Về với Masan, sản phẩm của Vĩnh Hảo sẽ đi khắp cả nước qua hệ thống phân phối của Masan thay vì chỉ ở khu vực miền Trung và miền Nam như trước đây. Tại thời điểm viết bài này, người viết đã thấy Vĩnh Hảo hiện diện tại nhiều siêu thị ở Hà Nội.
Sau cuộc thâu tóm của Masan thì liên tiếp nhiều thương vụ khác cũng được công bố, thậm chí là các doanh nghiệp không liên quan gì đến ngành hàng tiêu dùng cũng đầu tư vào nước khoáng.
Ngô Han, doanh nghiệp sản xuất dây đồng ở Đồng Nai bất ngờ mua Nước khoáng Cúc Phương ở Ninh Bình hay công ty bất động sản Năm Bảy Bảy thông qua một công ty con của mình mới được cấp phép dự án khai thác nước khoáng ở Quảng Ngãi với công suất 32,5 triệu lít/năm.
Tiềm năng tăng trưởng lớn
Hàng trăm thương hiệu nhưng không nhiều thương hiệu lớn, thị trường nước đóng chai đang khá phân mảnh. Là thương hiệu hàng đầu thị trường nhưng doanh thu năm 2011 của La Vie cũng chỉ gần 730 tỷ và lãi sau thuế hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đó cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn rất lớn.
Sản lượng tiêu thụ năm 2012 của Vĩnh Hảo đạt hơn 123 triệu lít (tăng trưởng 17% so với năm 2011) với doanh thu đạt 481 tỷ đồng (tăng 25%). Thương hiệu Thạch Bích của đường Quảng Ngãi cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 25% về cả sản lượng và doanh thu.
Bên cạnh sản phẩm nước khoáng truyền thống, một số doanh nghiệp nước khoáng như Vital hay Vĩnh Hảo cũng đã cải tiến sản phẩm của mình như tung ra các loại nước khoáng hương vị chanh muối, loại sản phẩm đang khá được ưa chuộng.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là khi trực thuộc một tập đoàn thực phẩm-đồ uống, các nước hiệu nước khoáng hay nước uống đóng chai sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Điều này còn đúng với cả các doanh nghiệp nước ngoài. La Vie thuộc Nestle, Aquafina thuộc Pepsi...
Chính vì vậy mà Vĩnh Hảo lâu nay khi đứng độc lập vẫn loay hoay với việc tìm kiếm lợi nhuận cao. Những năm gần đây, Vĩnh Hảo chỉ lãi 10-17 tỷ/năm, còn kém rất xa so với mức định giá gần 700 tỷ mà Masan đưa ra. Mua Vĩnh Hảo về, Masan vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cho Vĩnh Hảo tương xứng với số tiền đã bỏ ra.