EVFTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo cuộc chơi mới

EVFTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo cuộc chơi mới

EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để hàng hóa của Việt Nam xâm nhập được vào thị trường EU còn rất nhiều rào cản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - tại cuộc họp báo ngay sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua 2 hiệp định thương mại ký kết với Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội EVFTA đem lại. Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật của EU, ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, doanh nghiêp cũng cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý.

EVFTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo cuộc chơi mới

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Vì doanh nghiệp Việt Nam với trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt với quy mô và năng lực của doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ có nhiều thách thức, yêu cầu đặt ra. Để khai thác tốt những cơ hội, Bộ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt và tiếp cận đầy đủ toàn diện đối với các nội dung của hiệp định EVFTA và IPA mà 2 bên đã ký kết. Đặc biệt là trong những chương trình hành động của Chính phủ đã có những nội dung cụ thể về công tác tổ chức, công tác tuyên truyền thông tin.

Thứ hai, trong chiến lược tiếp cận thị trường của Châu Âu cả về hoạt động thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chúng ta đã có những thuận lợi trong cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu, quan trọng là thị trường châu Âu có đòi hỏi cao trong các lĩnh vực về chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật, liên quan đến an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện pháp luật cao trong vấn đề đầu tư. Vì vậy các doanh nghiệp của Việt Nam cần nghiên cứu tổ chức các chiến lược thị trường, các hoạt động sản xuất đầu tư kinh doanh để đảm bảo năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường Châu Âu. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện không chỉ tiếp cận thị trường châu Âu mà còn hoà chung với nền kinh tế ở những khu vực khác.

Thứ ba, trong các hoạt động thương mại, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều hoạt động tranh chấp thương mại, đầu tư.

Vì vậy, những cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, đầu tư cũng là nội dung Chính phủ quan tâm, xây dựng trong kế hoạch để hỗ trợ, cũng như cùng doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của mình trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Bộ trưởng cũng thông tin, ngoài các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, nông sản... thì các ngành hoá chất, phương tiện, thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến... sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn khi hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam. "Nhưng dù là ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa vẫn có thể đối mặt thách thức. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình như nông sản, EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản (trái cây, thuỷ sản) vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra nó. Ví dụ không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp; không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép. Ở chiều ngược lại, EVFTA mang lại sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. "Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình" - Vị tư lệnh ngành công thương nhấn mạnh.

EVFTA buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo cuộc chơi mới

"EVFTA có ưu đãi với những quy định linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản (trái cây, thuỷ sản) vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng."

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kính tế Thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, ở vị trí 67 trên 141 nước. Đây là mức điểm "nhỉnh hơn" trung bình của toàn cầu (61 điểm). Trong số 12 nhóm tiêu chí được đánh giá trong báo cáo như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường... Việt Nam có đến 8 nhóm tiêu chí được cải thiện đáng kể.

Nếu sớm được đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA sẽ có nhiều tác động tích cực đối với Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại; cải cách thể chế và phát triển kinh tế. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cải thiện tích cực. Khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn rất thuận lợi về khoảng cách địa lý và cơ cấu thị trường, gặp khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, đã tác động rất lớn đến thương mại và đời sống của người dân.

"Bối cảnh này càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng nếu chúng ta vẫn đi theo quán tính cũ, sản phẩm cũ, thói quen sản xuất cũ thì chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, cho dù chúng ta có các hiệp định thương mại tự do. Nhiệm vụ trọng tâm tới đây vẫn là mở cửa thị trường, sớm triển khai ngay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành ngay chuỗi cung ứng với sự tham gia của các DN Việt Nam và các đối tác của chúng ta trong EU.

Nếu chúng ta vẫn thiếu cơ chế quy định chặt chẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với điều kiện của ATTP cũng như chất lượng sản phẩm gắn với điều kiện kiểm dịch động vật thực vật của các thị trường, nếu chúng ta không đảm bảo được những sản xuất hữu cơ của sản phẩm nông nghiệp mà tiếp tục lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu... thì chừng đó chúng ta sẽ còn rất khó khăn tại thị trường này cho dù ta có Hiệp định thương mại tự do với EU" - Bộ trưởng nói.

Do đó, Vị tư lệnh ngành cho rằng, Việt Nam cần triển khai sớm việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt là hệ thống các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Bộ Nông nghiệp cần phải sớm nghiên cứu ban hành để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, đáp ứng yêu cầu chung của thương mại quốc tế. Phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gắn với kỹ thuật và canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi để đảm bảo các sản phẩm này đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của cả châu Âu cũng như các đối tác thương mại khác. Cuối cùng là phải nghiên cứu quy luật thị trường để hình thành chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp để khai thác các cơ hội thị trường tại EU.

Với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là một kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu. Kết quả đó là nỗ lực của quá trình chia sẻ, hợp tác không ngừng nghỉ suốt 8 năm qua giữa hai bên, từ lúc bắt đầu đàm phán, ký kết, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thông qua.

Nguyễn Việt ghi
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp