Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công

Cho rằng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công, ông Nguyễn Trung Chính - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC nhận định, nếu ai nhận thức sớm, triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số thì thành công càng đến sớm.

* Chuyển đổi số được cho là tận dụng sức mạnh của công nghệ, nhưng đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, để bắt kịp xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì?

Tôi nghĩ rằng, quá trình chuyển đổi số phải trả lời ba câu hỏi, cũng có thể xem là ba thách thức. Câu hỏi thứ nhất, tại sao lại phải làm việc này? Câu hỏi thứ hai, làm như vậy sẽ giúp quyết định được những vấn đề gì của doanh nghiệp? Câu hỏi thứ ba, để làm được việc đấy thì doanh nghiệp phải thay đổi những gì?

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, tôi nghĩ nhận thức về chuyển đổi số là rất quan trọng. Chẳng hạn, phải nhìn thấy chuyển đổi số là cơ hội tiếp cận thị trường rất nhanh chóng. Doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn thấy việc họ không phải đầu tư hệ thống công nghệ thông tin phức tạp mà lại có những công cụ để sẵn sàng chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi sử dụng công nghệ mới, công cụ mới thì khả năng an toàn sẽ thế nào. Về vấn đề này, tôi khẳng định, việc sử dụng hệ thống của những nhà cung cấp chuyên nghiệp thì an ninh, an toàn tốt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tự vận hành hệ thống của mình.

Việc này cũng giống như gửi tiền ở ngân hàng thay vì giữ ở nhà, chắc chắn là ngân hàng sẽ giữ tiền an toàn hơn là cất vào két riêng. Bởi lý do, ngân hàng có hệ thống an ninh, có hệ thống quản trị hiện đại. Khi gửi tiền cho ngân hàng cất giữ, nếu làm mất thì có trách nhiệm bồi hoàn. Trong khi tự cất tiền trong két ở nhà mà kẻ gian vào lấy trộm thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm.

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính

* Vì sao ông cho rằng kinh tế số là con đường duy nhất để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình?

Theo tôi, nhu cầu chuyển đổi số các nền kinh tế đang mở ra cơ hội rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà ở toàn cầu, trong khi đó Việt Nam lại có năng lực để cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp.

Việt Nam đang có lợi thế rất lớn là dân số trẻ và đam mê công nghệ số. Người Việt Nam lại có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên. Đây là lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được để xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (Information Communication Technology - ITC) chất lượng cao.

Một điều khá may mắn trong thập kỷ vừa qua là nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có CMC, đã có những bước chuẩn bị tốt về năng lực để cung cấp các dịch vụ hạ tầng về công nghệ thông tin. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia có năng lực về cung cấp dịch vụ số cho các nước.

Việt Nam có biển dài rộng và là nơi đi qua của nhiều tuyến cáp quang, đó là một lợi thế hạ tầng rất quan trọng để trở thành một Digital Hub của khu vực. Việt Nam là thị trường khá lớn trong khu vực khi quy mô tới gần 100 triệu dân, đây cũng là lợi thế cạnh tranh.

* Để kinh tế số đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế, theo ông, chính sách của Chính phủ cũng như bản thân doanh nghiệp cần phải thay đổi thế nào?

Trong lộ trình xây dựng quốc gia số, phải có hạ tầng số thì mới xây dựng được chính phủ số và kinh tế số, trong đó hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu, ứng dụng và pháp lý, nhân lực. Chính phủ nên khuyến khích phát triển nhanh và bền vững hạ tầng số, xây dựng trung tâm dữ liệu, hạ tầng viễn thông, thành phố thông minh.

Rất nhiều tập đoàn công nghệ của Việt Nam đang đặt ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam thành Digital Hub - nơi trung chuyển, kết nối dữ liệu và hạ tầng viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo tôi, Chính phủ nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp xây dựng quốc gia số. Cụ thể cần:

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công

Trong lộ trình xây dựng quốc gia số, phải có hạ tầng số thì mới xây dựng được chính phủ số và kinh tế số, trong đó hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu, ứng dụng và pháp lý, nhân lực.

  • Thúc đẩy phát triển công nghệ và giải pháp số, tham gia sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu bằng việc đẩy mạnh các dịch vụ số ra nước ngoài.
  • Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng số.
  • Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường ra châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
  • Chính phủ cần tạo điều kiện để xây dựng Việt Nam thành Digital Hub của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

* Ông từng mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Vậy việc đó đã được thực hiện thế nào trong việc giúp họ nắm bắt cơ hội chuyển đổi số, kinh tế số?

CMC xác định sứ mệnh là tạo dựng hạ tầng nền tảng để giúp doanh nghiệp khác khai thác sức mạnh của nền kinh tế số, từ đó tạo ra sự thành công của chính họ. Với cơ chế làm việc như là một hệ sinh thái hạ tầng nền tảng, chúng tôi tin rằng, việc doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số càng ngày càng lớn lên, càng ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho chính họ và cho đối tác.

Đối với doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ, trong nền kinh tế số và trong quá trình chuyển đổi số sẽ có cơ hội ngang nhau. Doanh nghiệp startup phần lớn là doanh nghiệp công nghệ, quá trình chuyển dịch số cần khối lượng công việc khổng lồ, cần lực lượng nhân sự lớn. Đơn cử như các dịch vụ chuyển dịch hệ thống từ môi trường chuyển động lên môi trường điện toán đám mây đã phát sinh ra nhu cầu về công việc. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp startup và doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội như vậy thì có thể tiếp cận được với nền kinh tế số.

* Ông có thể chia sẻ những việc cần làm của CMC trong năm 2020 để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam?

Năm 2020 là năm CMC xác định mục tiêu phải xây dựng và chuyển đổi số tại Tập đoàn. Muốn chuyển đổi số thành công, phải bắt đầu từ chính mỗi nhân viên của CMC và chuyển đổi đầu tiên cần làm là nhận thức, tìm ra cách làm mới, mô hình kinh doanh mới, thị trường mới, sản phẩm, dịch vụ mới. Tất cả đều sử dụng thành tựu của công nghiệp 4.0.

Muốn vậy, không chỉ cá nhân tôi mà mỗi người trong Tập đoàn phải suy nghĩ bản thân và doanh nghiệp của mình cần chuyển đổi những gì để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế số.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Vân Ly
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn