Thế Giới Di Động, PNJ trên mảnh đất tiêu dùng màu mỡ

Thế Giới Di Động, PNJ trên mảnh đất tiêu dùng màu mỡ

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo chiến lược đầu tư 2020 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 10%/năm trong các năm tới nhờ vào sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, dân số trẻ và thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Trong khi các tập đoàn bán lẻ ngoại như AEON, Lotte, Central Group và BJC đang chiếm ưu thế trong phân khúc siêu thị, đại siêu thị thì các nhà bán lẻ nội địa vẫn thống trị phân khúc cửa hàng vừa và nhỏ, vốn là phân khúc phổ biến hơn tại Việt Nam. Tại phân khúc này, ngoài ngành hàng điện tử đã gần bão hòa, thị trường cho các mặt hàng khác vẫn cực kỳ phân mảnh và hầu như nằm trong tay kênh bán lẻ truyền thống. Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng rất lớn cho các chuỗi bán lẻ hiện đại qua việc chiếm lĩnh những “vùng đất mới”.

Theo VDSC, thị trường bán lẻ trị giá 160 tỷ USD (ước tính 2019) vẫn đang bị chi phối bởi kênh bán lẻ truyền thống. Từ đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn với năng lực quản lý chuỗi và khả năng tài chính vượt trội đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới để thiết lập sự thống trị của mình. Đơn cử là Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) với thực phẩm & hàng tiêu dùng, Công ty bán lẻ kỹ thuật số (FRT) với dược phẩm và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với trang sức thời trang.

Thế Giới Di Động, PNJ trên mảnh đất tiêu dùng màu mỡ

Doanh thu bán lẻ và tăng trưởng tại Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2020. Ảnh: VDSC

Ngoài các thị trường chính trên, việc bán chéo các sản phẩm phụ như đồng hồ đeo tay, mắt kính thời trang, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp… là cơ hội lớn để gia tăng lợi nhuận đối với các nhà bán lẻ có thể tạo ra hiệp lực giữa hàng hóa bán chéo và hàng hóa chính.

Trong số các nhà bán lẻ đang theo đuổi chiến lược bán chéo, MWG là chuỗi thành công nhất, nhờ vào sức mạnh thương hiệu, tập trung vào phân khúc phổ thông và có chiến lược giá hợp lý. Công ty chứng khoán này cho rằng, năm 2020, tăng trưởng của MWG sẽ đến từ việc tiếp túc mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) và đóng góp tăng lên đáng kể từ Bách Hóa Xanh. Cùng với đó, thị trường điện máy tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng tốt với tốc độ đạt 10% trong năm 2019. Trong khi đó, các mặt hàng mới như đồng hồ đeo tay, mắt kính, hàng gia dụng có biên lợi nhuận gộp từ 40 – 50% và có thể khai thác được lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng hiện hữu. VDSC dự phóng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 của MWG tăng trưởng lần lượt 23% và 33% so với năm 2019.

Thế Giới Di Động, PNJ trên mảnh đất tiêu dùng màu mỡ

ROE, PE và PB của một số công ty hàng tiêu dùng niêm yết. Ảnh: VDSC

Trong khi đó, PNJ sẽ mở nhiều cửa hàng tại các vùng ngoài TP.HCM, đặc biệt là miền Bắc. Hầu hết cửa hàng mới sẽ là cửa hàng đơn lẻ, vốn có doanh thu trung bình và trải nghiệm khách hàng tốt hơn cửa hàng trong trung tâm thương mại. Dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng lần lượt 18% và 28% so với năm 2019, trong đó, trang sức bán lẻ sẽ tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu lên trên 60% và tăng 22% về giá trị, trong khi vàng miếng và bán sỉ tăng trưởng khoảng 10%.

VDSC cho biết, mô hình cửa hàng riêng lẻ vẫn hạn chế các tập đoàn ngoại qua quy định “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT). Do đó các nhà bán lẻ Việt Nam như MWG, PNJ, FRT và Vinmart sẽ chưa vấp phải cạnh tranh đáng kể từ các tập đoàn bán lẻ ngoại cho đến năm 2024, khi ENT được dỡ bỏ (5 năm từ khi CPTPP có hiệu lực).

Hà Linh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư