Du lịch tính kế chờ dịch tan

Du lịch tính kế chờ dịch tan

Doanh nghiệp ngành du lịch vẫn đang đối mặt với sụt giảm khách do dịch bệnh gây ra. Mặc dù vậy, nhiều đơn vị đã chuẩn bị các chương trình hành động để phục hồi sau dịch.

Những con số lạnh lùng

Không còn chỉ là những ước đoán chung chung sẽ thiệt hại nặng, sẽ sụt giảm khách trầm trọng như hồi đầu dịch SARS năm 2003 hay khủng hoảng tài chính năm 2009. Lần này, chỉ gần hai tuần sau khi dịch nCoV tác động mạnh đến du lịch, Tổng cục Du lịch đã đưa ra những con số ước tính về thiệt hại nặng nề về lượng khách cũng như doanh thu của ngành.

Theo đó, thiệt hại trong ba tháng tới là rất lớn, có thể lên đến 5,9-7,7 tỉ đô la Mỹ. Lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm 3,7- 4,7 triệu lượt; khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt.

Cụ thể, thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng khách có thể giảm 90-100%, tương đương 1,7-1,9 triệu lượt khách. Với mức chi tiêu bình quân của du khách từ thị trường này là 1.021 đô la Mỹ/lượt, thiệt hại vào khoảng 1,8-2 tỉ đô la Mỹ.

Cùng với Trung Quốc, du khách từ những thị trường quốc tế còn lại cũng có thể giảm 50-70%, khoảng 2-2,8 triệu lượt người, thiệt hại 2,2-3 tỉ đô la Mỹ vì chi tiêu bình quân của những người này là 1.083 đô la Mỹ/lượt.

Thêm vào đó, khách nội địa cũng được dự đoán là sẽ sụt giảm 50-70%, tương đương 10,9-15,3 triệu lượt, thiệt hại 1,9-2,7 tỉ đô la Mỹ vì chi tiêu bình quân của một người là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm.

Du lịch tính kế chờ dịch tan

Ngành du lịch bị thiệt hại nặng vì dịch nCoV. Ảnh: Đào Loan

Dựa trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019, Tổng cục Du lịch cũng ước tính dịch vụ lưu trú sẽ thiệt hại 1,5-1,8 tỉ đô la Mỹ, dịch vụ ăn uống có thể mất 1,3-1,7 tỉ đô la Mỹ, dịch vụ vận chuyển mất 1-1,4 tỉ đô la, dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí thiệt hại 650-850 triệu đô la, mua sắm hàng hóa mất khoảng 1-1,3 tỉ đô la.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, cho rằng tác động của dịch bệnh này đến ngành du lịch là rất nghiệm trọng và sẽ còn kéo dài, không phải ba tháng hay nửa năm mà có thể mất gần cả năm mới có thể hồi phục. “Thực tế là du lịch mất gần như 100% khách Trung Quốc, khoảng 50-60% khách Nhật Bản, Hàn Quốc, khoảng 40-50% khách trong khu vực và khoảng 40% khách nội địa”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cũng có những thông tin tương tự. Theo đó, nhiều thành viên của hiệp hội đang khốn đốn, quỹ dự phòng chỉ có thể xoay xở trong vòng 2-3 tháng nữa. “Cũng như tình hình chung của cả nước, phần lớn thành viên của chúng tôi có quy mô nhỏ và vừa nên quỹ dự phòng không lớn, nếu dịch kéo dài hơn nữa - chừng sáu tháng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản”, bà nhận định.

Đồng loạt tính chuyện kích cầu

Trả lời câu hỏi của TBKTSG là làm sao để có thể phục hồi sau dịch, gần như câu trả lời của doanh nghiệp đều là cần có chương trình kích cầu lớn để kéo khách trong và ngoài nước đi du lịch trở lại, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sụt giảm khách. Những vấn đề dài hơi khác như tái cơ cấu thị trường, đa dạng nguồn khách nhằm tránh lệ thuộc để không phải chịu biến cố quá lớn khi có sự cố cũng được nhắc đến nhưng được cho là có thể bàn sau; ưu tiên trước hết phải là hành động cho doanh nghiệp và du khách.

Sự thiệt hại quá lớn cùng kinh nghiệm thực hiện một số chương trình kích cầu trong quá khứ đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận hơn trong kế hoạch thực hiện kích cầu.

Du lịch tính kế chờ dịch tan

Cần có chương trình kích cầu lớn để kéo khách trong và ngoài nước đi du lịch trở lại.

Tại Đà Nẵng, chỉ gần 24 giờ sau khi đăng tải status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội Facebook kêu gọi các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tham gia hội thảo để cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp kích cầu trong thời gian tới, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, đã thu hút được khoảng 100 đơn vị đăng ký tham gia.

“Thứ Sáu này chúng tôi sẽ bàn và chốt lại chương trình cụ thể nhưng mục tiêu chung là kêu gọi các đối tác chiến lược xây dựng các gói dịch vụ kích cầu cho nhiều thị trường lớn”, ông nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần phải có chương trình kích cầu lớn, có mức giảm giá đủ sâu để thu hút khách đi du lịch. Chương trình này phải được đưa ra sớm, ngay khi dịch kết thúc.

Với thị trường nội địa, nếu dịch kết thúc sớm thì có thể thực hiện kích cầu ngay để thu hút khách cho mùa du lịch hè. Các thị trường gần trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á có thể phục hồi tiếp sau đó, còn thị trường xa thì cần nhiều thời gian hơn. Kinh nghiệm từ dịch SARS và khủng hoảng tài chính năm 2009 của một số doanh nghiệp cho thấy thị trường Úc và châu Âu cần 6-10 tháng, Mỹ chậm nhất, sau khoảng 12 tháng mới phục hồi, nên phải đưa ra chương trình càng sớm càng tốt.

“Phải giảm giá thật sâu, ít nhất 30-50%, đặc biệt phải quan tâm đến thị trường nội địa vì có khả năng đây là phân khúc phục hồi sớm”, bà Khánh nói. Bà cho biết đang làm việc với các doanh nghiệp thành viên cùng phía hàng không và nhà cung cấp dịch vụ địa phương để cùng giảm giá kích cầu, có thể là ngay khi công bố hết dịch.

Một doanh nhân khác, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD chuyên về thị trường châu Âu, cũng cho biết đang chuẩn bị liên hệ với phía khách sạn xin giảm giá nhằm đưa ra tour trọn gói khuyến mãi khi hết dịch.

Du lịch tính kế chờ dịch tan

“Không gì hấp dẫn bằng giá rẻ. Tour trọn gói phải giảm ít nhất 15-20% mới thu hút khách châu Âu nhưng thị trường này thường phản ứng rất chậm nên cần chuẩn bị ngay từ bây giờ”, bà nói.

Tổng cục Du lịch cho rằng, để chương trình kích cầu thêm sức hút, chính phủ nên xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế tổ chức, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Thêm vào đó, UBND các tỉnh, thành phố nên xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ một đến hai tháng sau khi hết dịch.

Theo ông Trần Trọng Kiên, chương trình kích cầu cho du khách có thể tung ra sau khi dịch tan nhưng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch nCoV, cần phải thực hiện sớm. Cách hỗ trợ minh bạch nhất là thuế, có thể giảm 50% thuế VAT, giảm một phần hoặc cho nộp chậm sau 5 tháng, 12 tháng... Những giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm tốt, minh bạch báo cáo thuế có sự hỗ trợ tương xứng, giúp dòng tiền của doanh nghiệp tốt hơn, có thể dùng để trả lương cho nhân viên, giữ nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội.

“Chúng ta đã có mô hình kích cầu vào năm 2009, trong đó giảm 50% thuế VAT để tham khảo. Theo tôi, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp phải làm ngay bây giờ vì dịch bệnh được dự báo là sẽ còn kéo dài, nếu đợi hết dịch mới hỗ trợ thì có thể nhiều doanh nghiệp đã “chết””, ông Kiên nói. Ông cho biết tuy đang trong thời điểm có nhiều tin xấu nhưng vẫn có nhiều hy vọng. Tại công ty này, du khách từ những thị trường xa vẫn đến, giúp cho những khách sạn chuyên khách Anh, Úc vẫn đạt công suất phòng khoảng 70%.

Một số khách sạn quốc tế khác cũng đón khách từ những thị trường này cho biết số lượng đặt phòng chỉ giảm 15-20%. Tại những công ty như Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Lữ hành Fiditour, Asian Trails... tuy khách hủy tour nhiều nhưng khách đi du lịch thuần túy từ một số thị trường xa vẫn đến và khách nội địa là các doanh nghiệp vẫn hỏi tour cho thời điểm sau tháng 4, thời điểm được dự báo là có thể dịch tan và lúc đó đang trong mùa hè.

Đào Loan
Nguồn The Saigon Times