Phát triển bền vững: Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn!
Ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững đã thay đổi hoàn toàn. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của VBCSD và VCCI trong việc lan toả tính ưu việt của bộ chỉ số...
Khi đã là một mảnh ghép trong bức tranh của thế giới, muốn thâm nhập, trụ vững và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải đi theo và đáp ứng được tiêu chuẩn mà thế giới đặt ra cho câu chuyện phát triển bền vững…
Cách đây 20 năm, khi đề cập đến phát triển bền vững (PTBV), có những doanh nghiệp nói rằng họ không quan tâm đến những thứ này. Họ quan tâm đến chuyện làm thế nào để ổn định sản xuất, có đơn hàng, có tiền để trả lương cho công nhân… Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác!
Cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp
Ở vào thời điểm đó có lẽ cũng không trách được họ, là bởi, khi đó khái niệm PTBV vẫn còn xa lạ và người ta chỉ nghĩ PTBV là những vấn đề môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, làm từ thiện… Nhưng từ khoảng chục năm trở lại đây, PTBV được nhìn nhận là vấn đề phát triển bao trùm, trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống từ kinh tế, xã hội, lao động đến môi trường.
Đặc biệt là kể từ năm 2015, khi Chương trình nghị sự 2030, với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững được 193 nguyên thủ thế giới trong đó có Việt Nam thông qua với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thì câu chuyện PTBV đã được nhìn nhận rõ ràng và thiết thực hơn, được đưa vào “trái tim” của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thức thời, muốn đi xa bằng kinh doanh nhân văn và vì xã hội.
Một cách hình tượng thì có thể hiểu phát triển bền vững là “tấm vé” để đi đến cánh cửa thành công lâu dài của các doanh nghiệp. Như đã nói, trước đây “tấm vé” này chưa được thể hiện một cách cụ thể, vì vậy các doanh nghiệp dành nhiều tâm sức cho PTBV chưa được công nhận một cách xứng đáng, công khai do đó phần nào giảm đi động lực phấn đấu của họ. Còn các doanh nghiệp chỉ lo lợi ích trước mắt của mình, không quan tâm đến lợi ích chung, lâu dài thì cũng không bị nêu tên cụ thể, do vậy hành vi này có xu hướng ngày càng tăng lên. Có thể nói, đó là hiện tượng “trắng, đen” không rõ ràng, xét trên tiêu chí tăng trưởng bền vững.
Ngay cả khi thời điểm giới thiệu Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), không nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận rõ ràng về tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện CSI, dù đây là bộ chỉ số mà Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia (VBCSD) và VCCI đã dày công xây dựng để cung cấp cho doanh nghiệp một công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt, khoa học theo định hướng phát triển bền vững.
Nhưng, đến nay câu chuyện này đã khác, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về PTBV đã thay đổi hoàn toàn. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của VBCSD và VCCI trong việc lan toả tính ưu việt của bộ chỉ số. Đến nay có thể ví, CSI đang dần được “hiện hình” trong từng hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
Rõ ràng, CSI sau 5 năm triển khai đã thẩm thấu và thay đổi tư duy đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thay vì coi thực hiện các chỉ tiêu PTBV là gánh nặng, là phong trào hô hào, nhiều doanh nghiệp đã xác định đây là máu, là thịt, là con đường phải đi để mở ra những cơ hội kinh doanh lớn hơn, bền vững hơn…
Theo thống kê của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, việc gắn kết các SDG vào trọng tâm chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể giúp tạo ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỉ USD và tạo ra khoảng 380 triệu việc làm mới đến năm 2030, trong đó 90% cơ hội là ở Châu Á. Hay triển khai mô hình nền kinh tế tuần hoàn cũng có thể mang đến cơ hội 4.500 tỉ USD và cơ hội đó chia đều cho mọi doanh nghiệp. Do vậy phát triển bền vững đâu phải là chi phí.
Hành động để tận dụng các cơ hội mới
Nhưng cũng phải thẳng thắn, để đáp ứng được yêu cầu kinh doanh trong giai đoạn mới và thẩm thấu, tích hợp nội dung của 17 mục tiêu PTBV và Chương trình nghị sự 2030… thì các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải làm rất nhiều việc. Vì không có doanh nghiệp nào có thể thực hiện hết 17 mục tiêu nên họ cần lựa chọn những mục tiêu phù hợp với mình.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt đang thực hiện tốt câu chuyện này như SASCO, Bảo Việt, Vinamilk, TNG, Traphaco, Novaland… Thực tế, còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đang làm rất tốt câu chuyện CSI và những doanh nghiệp được được biểu dương “Doanh nghiệp bền vững” trong Chương trình CSI hàng năm chỉ là những đại diện ưu tú trong số họ. Đây là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tích hợp nội dung 17 mục tiêu PTBV vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn! Doanh nghiệp Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu PTBV tới năm 2030.
Cùng với các Bộ, ngành, VCCI và VBCSD trong vòng 5 năm trở lại đây, đã làm việc với các chuyên gia trong nước và nước ngoài để xây dựng và điều chỉnh CSI hàng năm phù hợp với luật pháp Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. CSI cũng được đơn giản hóa để có thể tiệm cận với nhiều doanh nghiệp hơn, đặc biệt là SMEs. Từ 151 chỉ số năm 2016 xuống còn 98 tiêu chí năm 2019. CSI đã được đông đảo doanh nghiệp biết đến và áp dụng trong quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt gần đây, theo Quyết định 1362/QĐ-TTg về Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Chính phủ cũng yêu cầu VCCI xây dựng Đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI, đảm bảo nguyên tắc không làm tăng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn! Doanh nghiệp Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu PTBV tới năm 2030, hướng tới thập kỷ PTBV hơn cho Việt Nam, trong đó, có vai trò to lớn của doanh nghiệp.
Nguyễn Quang Vinh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp