Ngành nào sẽ "lên ngôi"?
Năm 2020 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế nhờ làn sóng nới lỏng trên toàn cầu cùng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong nước sẽ phát huy hiệu quả.
Không dừng lại ở 2020, các năm tiếp theo tăng trưởng cũng hứa hẹn khả quan do các chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng, giúp củng cố niềm tin của giới doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trên nền tăng trưởng ổn định và tăng dần đều, cơ hội kinh doanh sẽ ngày một sáng sủa. Trong rất nhiều ngành nghề, có 5 ngành nghề có tiềm năng cả trong ngắn hạn (năm 2020) cũng như dài hạn.
Các ngành sản xuất và dịch vụ hướng đến phục vụ cho số đông như hàng tiêu dùng, bán lẻ, giải trí, giáo dục… Việt Nam có dân số đứng thứ 15 trên thế giới và tăng trưởng kinh tế trung bình cao hơn so với các nước đang phát triển. Ước tính của IMF về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là xấp xỉ 7% so với 6% của các nước đang phát triển khu vực Châu Á. Chỉ số bán lẻ lại thường xuyên cao hơn tăng trưởng GDP. Sức mua của thị trường Việt Nam vì vậy là vô cùng tiềm năng cho các sản phẩm hướng đến số đông. Sự phát triển nhanh một số doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống, bán lẻ, giáo dục…. cũng như làn sóng M&A quyết liệt từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng là minh chứng cho điều này.
Dù thị trường và cơ hội kinh doanh là rất lớn, các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu thị trường để có mô hình kinh doanh đúng bởi các rào cản gia nhập ở thị trường này là rất thấp, dẫn đến rủi ro cạnh tranh và đào thải luôn cao.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn đứng ở mức trên 15% và dự báo 2020 sẽ tăng trưởng cao hơn nhờ sự trở lại của khách Trung Quốc.
Du lịch và các ngành liên quan một phần gắn với thị trường tiêu dùng lớn của người dân và một phần quan trọng hơn là thị trường tiêu dùng toàn cầu. Tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 dù đã chậm lại so với năm 2018 nhưng vẫn đứng ở mức trên 15% và dự báo 2020 sẽ tăng trưởng cao hơn nhờ sự trở lại của khách Trung Quốc.
Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Á, nơi có thể tiếp cận với hơn một nửa dân số thế giới chỉ bằng 5 giờ đồng hồ bay. Đây là một lợi thế hiếm có cho phát triển các tuyến bay mới, từ đó thu hút khách quốc tế đến các trung tâm du lịch trọng điểm.
Với chủ trương coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chắc chắn du lịch sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa trong tương lai, từ đó mở ra cơ hội cho không chỉ ngành lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí mà còn nhiều ngành nghề khác như vận tải, thủ công mỹ nghệ và bán lẻ.
Vận tải kho bãi và logistic. Dù thương mại thế giới đang giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm lại, ngành vận tải kho bãi của Việt Nam lại không ngừng phát triển qua các năm. Từ chỗ chỉ tăng trên 5% trong năm 2015, ngành vận tải kho bãi đã tăng gần 8% trong năm 2019.
Với dự báo thương mại thế giới sẽ có cải thiện trọng năm 2020 nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, ngành vận tải và kho bãi sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao. Động lực chính cho ngành vận tải kho bãi nằm ở sự mở rộng sản xuất hàng hóa của hai thành phần kinh tế quan trọng là nhóm FDI và nhóm doanh nghiệp tư nhân. Tổng vốn đầu tư của 2 nhóm này liên tục tăng qua các năm và trong năm 2019 ước tính tăng 15%. Sự mở rộng của thương mại điện tử cũng mang tới các cơ hội kinh doanh cho không chỉ ngành vận tải, logistic mà còn các ngành công nghệ có liên quan.
Xây dựng và vật liệu xây dựng. Là một nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư xây dựng lớn nên ngành xây dựng thường xuyên có tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng kinh tế. Năm 2019, tăng trưởng của ngành xây dựng ước tính đạt 8,3%. Dù thị trường bất động sản sẽ trầm lắng hơn trong năm 2020 nhưng nhìn cả ngắn hạn và dài hạn, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn sẽ tiếp tục khả quan.
Giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ tăng tốc từ năm 2020 nhờ quyết tâm tháo gỡ trở ngại trong thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ. Khoản ngân sách nhà nước lớn đang dồn ứ tại hệ thống ngân hàng sẽ được bơm nhanh vào các dự án cơ sở hạ tầng, kéo theo nhu cầu với hàng loạt vật liệu xây dựng cơ bản như cát, đá, sỏi cho đến các sản phẩm công nghiệp như thép, xi măng. Về dài hạn, giải ngân đầu tư công đi vào quỹ đạo ổn định cùng dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp và thị trường bất động sản quay trở lại sôi động sẽ là các yếu tố giữ đà tăng trưởng cho nhóm ngành này.
Nông nghiệp vốn là một ngành tăng trưởng chậm nhất trong các ngành kinh tế. Tuy vậy, nguyên nhân chính của tăng trưởng chậm là do tỷ trọng lúa gạo trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp quá lớn trong khi việc tăng năng suất và giá lúa gạo là không dễ. Năm 2019 ngành nông nghiệp gặp khó khăn do Elnino gây ra thời tiết khô hạn.
Theo quy luật, sang 2020 thời tiết sẽ thuận lợi hơn và vì vậy sản xuất nông nghiệp sẽ gia tăng mạnh, kéo theo nhu cầu với các sản phẩm liên quan như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nhìn về dài hạn ngành nông nghiệp vẫn luôn có dư địa để phát triển nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng lợi thế tự nhiên và hướng tới thị trường xuất khẩu.
Nòng cốt và động lực của tăng trưởng kinh tế là chính các doanh nghiệp và với Nghị quyết 10/2017 về kinh tế tư nhân, sẽ còn nhiều cánh cửa mở ra cho các doanh nhân Việt Nam.
Nguyễn Đức Hùng Linh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp