Thế Giới Di Động: Đế chế bán lẻ với ước vọng 10 tỷ đô

Thế Giới Di Động: Đế chế bán lẻ với ước vọng 10 tỷ đô

Sau 15 năm thành lập, Thế Giới Di Động (MWG) đang là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, vị trí thứ 2 trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2019. Dù còn tồn tại một số rủi ro, MWG vẫn được xem là một điển hình ở khối bán lẻ tư nhân Việt Nam lẫn khu vực.

Với mục tiêu đạt doanh thu 10 tỷ đô trong năm 2025, MWG đã tập quen với việc luôn phải chạy theo những kế hoạch phát triển như vũ bão với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình mỗi năm trên 50%. Để đạt được điều này, công ty không ngừng mở rộng quy mô chuỗi, mở rộng ngành hàng. Từ một công ty chuyên bán hàng công nghệ, đến nay, MWG đã trở thành một tập đoàn đa ngành từ thiết bị di động (chuỗi Thế Giới Di Động), đến điện máy, đồ gia dụng (chuỗi Điện máy Xanh), thực phẩm tươi sống (chuỗi Bách hoá Xanh), dược phẩm (chuỗi nhà thuốc An Khang)...

Tăng trưởng không ngừng

Sự phát triển vượt bậc của MWG trong 10 năm vừa qua phần lớn là do sự phát triển hệ thống. Cuối tháng 10/2019, MWG có tổng cộng 2.812 cửa hàng, tăng gấp 10 lần năm 2011. Trong đó, chuỗi Thế Giới Di Động có khoảng 1.000 cửa hàng, Điện máy Xanh gần 900, Bách Hóa Xanh 866 và chuỗi “Điện Thoại Siêu Rẻ” có 14 cửa hàng tại TP.HCM. Theo kế hoạch của MWG, hết năm 2019, Điện máy Xanh sẽ nâng tổng số cửa hàng lên 1.000 và Bách Hóa Xanh cũng tăng lên 1.000 cửa hàng.

Thế Giới Di Động: Đế chế bán lẻ với ước vọng 10 tỷ đô

Nồi niêu xoong chảo được đưa vào Điện máy Xanh để mở rộng ngành hàng.

Trong đó, Bách Hóa Xanh là chuỗi được đầu tư phát triển mạnh. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên, Bách Hóa Xanh bắt đầu hòa vốn và có lãi. Chia sẻ với Báo VietNamNet mới đây, ông Trần Kinh Doanh, CEO của MWG cho biết, dự báo đến năm 2020, doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ vượt Thế Giới Di Động, cuối 2021 sẽ vượt Điện Máy Xanh và cuối năm 2022 thì bằng cả hai chuỗi này cộng lại.

Cùng với việc tăng chuỗi cửa hàng, biên độ lợi nhuận của MWG cũng không ngừng tăng trưởng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.723 tỷ đồng (tăng trưởng 17%) và lợi nhuận sau thuế đạt 3.260 tỷ đồng (tăng trưởng 35%) so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Doanh thu online đóng góp 13% tổng doanh thu của MWG và tăng trưởng 11% so với 10 tháng 2018. Các con số này góp phần cho MWG hoàn thành kế hoạch doanh thu 108 ngàn tỷ đồng vào năm 2019.

“Bán cả thế giới”

Mặc dù vẫn tăng trưởng không ngừng trong các năm qua, nhưng hiện tại, doanh thu của hệ thống này vẫn còn cách khá xa kỳ vọng 10 tỷ đô. Trong khi đó, ngành hàng chính là điện thoại di động và các thiết bị di động đang có dấu hiệu bão hòa, mức độ tăng trưởng thấp, thậm chí là đi ngang.

Thế Giới Di Động: Đế chế bán lẻ với ước vọng 10 tỷ đô

Nhân viên Thế Giới Di Động tư vấn bán kính mát cho khách hàng.

Vì vậy, 5 năm gần đây, MWG đã có nhiều bước chuyển đổi, “bành trướng” sang các lĩnh vực khác mà rõ ràng nhất là hai chuỗi siêu thị hoàn toàn mới là Bách Hóa Xanh - chuỗi kinh doanh mặt hàng tươi sống và An Khang - chuỗi dược phẩm. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT tập đoàn MWG chia sẻ, chiến lược của WMG là “làm những điều trước đây chưa làm và bán những thứ trước đây chưa bán”.

Mới đây nhất, Điện máy Xanh nhảy vào bán xe máy điện, một ngành hàng nếu cách đây 3-4 năm có lẽ ít ai nghĩ MWG sẽ bán. Tuy nhiên, cuối cùng chuỗi này cũng nhảy vào nhằm tận dụng lợi thế mặt bằng và kinh nghiệm bán lẻ. Rõ ràng khi đã có thể bán xe máy điện, một ngày nào đó WMG bán cả ô tô có lẽ không khó hiểu.

Trong năm 2019, WMG cũng tận dụng thế mạnh hệ thống có sẵn để mở rộng mặt hàng kinh doanh, tiêu biểu là mặt hàng đồng hồ, mắt kính. Tính đến hết ngày 31/10/2019, MWG có 174 cửa hàng kinh doanh đồng hồ (so với 134 cửa hàng cuối tháng 9). Luỹ kế đến tháng hết 10, đã có hơn 245 ngàn sản phẩm đồng hồ các loại được bán ra tại cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh, đóng góp hơn 480 tỷ đồng doanh thu cho MWG.

Kể từ tháng 9/2019, công ty này cũng quyết định đánh mạnh thị trường laptop khi mở riêng các cửa hàng lớn chú trọng mạnh vào mặt hàng laptop. Kết quả, tổng doanh số từ laptop trong tháng 9 và 10 đạt 715 tỷ đồng, tăng trưởng trên 40% so với hai tháng cùng kỳ năm 2018. Trong 10 tháng qua, đã có hơn 220 ngàn sản phẩm laptop được bán tại các chuỗi của MWG, mang về khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu cho MWG.

Thành công đến không hề dễ dàng

Nếu nhìn vào những con số, nhiều người có thể lầm tưởng thành công đến với MWG khá dễ dàng và nhanh chóng. Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Tài cho biết từng thất bại nhiều.

Thế Giới Di Động: Đế chế bán lẻ với ước vọng 10 tỷ đô

Chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho MWG.

Ông Tài chia sẻ, MWG thường kinh doanh theo kiểu “làm đến đâu, sửa đến đó”. Mỗi khi có ý tưởng mới, công ty không ngại thử nghiệm, cái nào thành công sẽ được nhân rộng ra và phát triển, dự án nào thấy không khả thi thì “âm thầm dọn dẹp”.

Chuỗi này từng “dọn dẹp” các mô hình như cửa hàng chỉ bán điện thoại cũ, cửa hàng quy mô rất nhỏ len lỏi vào các huyện ở tỉnh xa, các cửa hàng hợp tác với Apple chỉ bán sản phẩm hãng này...

Ngay cả hệ thống Bách Hóa Xanh cũng vậy, lúc đầu khi bắt tay vào xây dựng hệ thống, MWG thử nghiệm mở một vài cửa hàng nhỏ tại một số quận vùng ven như Bình Tân, Tân Phú... Sau 2-3 năm chỉnh sửa, đổi mới mô hình kinh doanh liên tục đến đầu năm 2019, Bách Hóa Xanh mới chính thức được xem là tìm ra con đường thành công và nhanh chóng mở rộng hệ thống ra khắp các quận, huyện và khu vực lân cận TP.HCM.

Hay như hệ thống nhà thuốc An Khang hiện vẫn chưa tìm được hướng đi cho mình và liên tiếp lỗ trong 2 năm qua. Theo báo cáo kinh doanh của MWG, An Khang đã lỗ hơn 5,3 tỷ từ khi MWG đầu tư vào hệ thống này. Đây cũng có thể nói là một vụ đầu tư chưa có lãi của MWG cho đến thời điểm này.

Một số rủi ro tiềm ẩn

Năm 2018, MWG cũng buộc phải đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui.com - mặc dù trước đó, công ty đặt rất nhiều kỳ vọng vào mảng này. Vấn đề tồn kho cũng được xem là một thách thức của MWG. Cho đến tháng 9/2019, tồn kho của TGDĐ ở mức khá cao, khoảng 17 ngàn tỷ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi “ông lớn” này đang sở hữu một khoản vay “khổng lồ” lên đến hơn 21 ngàn tỷ, cao gấp đôi so với mức vốn chủ sở hữu của họ. Tại Việt Nam, không ít những tập đoàn bán lẻ đã phải chuyển nhượng, bán cổ phần bởi khoản vay nợ lớn mà không kiểm soát cân đối được dòng tiền. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người vẫn khá lo ngại về tính ổn định, lâu dài của MWG.

Tại các cuộc họp cổ đông, một số cổ đông cho biết cảm thấy lo ngại về các vấn đề tồn đọng trên của TGDĐ.

Tuy nhiên, với lịch sử phát triển chưa đến 15 năm, MWG được xem là điển hình doanh nghiệp tư nhân thành công cho đến thời điểm này. Ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital từng chia sẻ, MWG là dự án đầu tư thành công ngoài mong đợi của Mekong Capital. “So với mong muốn của chúng tôi là tăng lên 50 cửa hàng và giá trị công ty là 50 triệu USD thì MWG đã vượt xa kỳ vọng cao nhất. Đây cũng một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á”, ông Chris Freund cho biết.

Trong nhiều năm nay, Thế Giới Di Động luôn nằm trong top đầu 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam bên cạnh các tên tuổi như Vingroup, Doji, Thaco, Vinamilk… Thế Giới Di Động cũng là 1 trong 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Phương Uyên
Nguồn ICT News