[Nhật ký sáng tạo] Lùa vịt
Đôi khi cách tốt nhất để biết mình muốn gì, là biết mình KHÔNG muốn gì.
Phải nhẩm điều trên liên tục trong đầu mỗi khi đối mặt với các Marketer không biết mình muốn cái gì. Để án mạng không xảy ra, để tâm bình yên, nén xuống những tiếng chửi thề.
Vòng 1, theo đề bài từ các Marketer, Agency hăm hở làm đêm làm ngày, mang đến bàn họp một loạt các ý tưởng đi thẳng vào công dụng sản phẩm, thông điệp không tầng lớp vòng vèo, đập vào mặt người tiêu dùng để từ tầng lớp bình dân, trung lưu đều dễ dàng hiểu được. Các bạn Marketer lại nhăn mặt nhíu mày, cho rằng như vậy chưa đủ ấn tượng, “Em ơi, vẫn chưa sướng!” Khi được hỏi cụ thể là bạn muốn gì, vì phản hồi như thế quá chung chung, cũng như không. Các bạn bỗng chuyển sang tiếng Anh “I don’t know, your ideas are just not there yet on the way! Anh muốn cái gì đó ấn tượng hơn, impressive hơn! Hay là bên em thử nghĩ các ý tưởng kiểu gì mà bay bổng chút ấy, tìm hình ảnh gì mà teen bây giờ đang thích, Twilight, Harry Potter chẳng hạn, hay một nhân vật truyện tranh gì mà tụi nó đang xem cũng được… “
Định bật lại ngay với những gợi ý hoàn toàn khác với bản brief ban đầu nhưng chị sếp vội can lại, chị chỉ cười nụ với khách hàng: “OK, nghe hấp dẫn đó, mấy ngày nữa tụi em quay lại với mấy option theo hướng đó!”
Vòng 2, chiếu theo phản hồi ấy, agency đã ấn rất nhiều con voi vào ý tưởng của mình. Vẫn thể hiện rõ ràng lợi ích sản phẩm cũng như thông điệp đồng thời cũng đủ “ảo” để thu hút trí tưởng tượng các bạn teen ngày nay. Sau khi nghe thuyết trình các kịch bản, ánh mắt các Marketer vẫn đượm chút băn khoăn, báo hiệu điềm chẳng lành. “Anh vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó, mình có đang nói quá không nhỉ? Cuối cùng rồi thì nó vẫn là một sản phẩm ABC thôi, nên anh sợ ý tưởng này đi quá xa so với quan niệm của người tiêu dùng, họ sẽ thấy mình không gần gũi với nhãn hàng, sản phẩm này không phải dành cho họ! Anh nghĩ mình nên đưa vào một chuyên gia khoa học nào đó để đại diện cho nhãn hàng, như vậy sẽ giúp tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm của mình!
Phía agency lồm cồm ngồi dậy sau khi té ghế bật ngửa dập đầu vào tường, định thần lại tí xíu, chớm lên tiếng rằng cái phim quảng cáo 30 giây của bên mình sắp thành nồi lẩu thập cẩm rồi thì chị sếp lại can ngăn. Phái đoàn sáng tạo rời toà nhà của các khách hàng yêu quý của mình trên tinh thần quyết tâm bỏ nghề.
Vòng 3, “Mình nên thêm vào một chút yếu tố truyền thống, anh muốn khi xem qua một cái là mẫu quảng cáo của mình phải toát lên tinh thần Việt. Tụi teen bây giờ cứ chạy loạn lên theo các xu hướng của tụi Tây…”
Vòng 4, “Để anh mở cho tụi em xem cái TVC của Thái Lan này, nhảy từ đầu đến cuối, rất khùng nhưng cực kì vui, anh nghĩ phải như thế này mới hấp dẫn và độc đáo, không đụng với nhãn hàng nào hết, chỉ cần mình có một bài hát và điệu nhảy thật hấp dẫn thôi…”
Vòng 5, “How about mình show ra trên kệ ở siêu thị có một loạt sản phẩm, nhưng một bạn trẻ chỉ với tay lấy ngay sản phẩm của mình thôi, như thế thì mới mạnh, mới call to action!”
Vòng 6,
Vòng 7,
Vòng n,…
Sau khi thể nghiệm tất cả các loại ý tưởng trên đời, ý tưởng cuối cùng được khách hàng hài lòng gần như 90% chính là ý tưởng ở vòng 1, pha chút gì đó của vòng 2, 3…
Chị sếp khuyên:
Em xem phim “Khiêu vũ cùng bầy sói” chưa? Không phải lúc nào mình cũng gặp được các Marketer đúng nghĩa, hiểu nhãn hàng và quyết đoán. Những lúc đó phải biết khiêu vũ cùng khách hàng. Với thể loại này, họ không bao giờ biết mình muốn cái gì cả và dùng Agency như Google vậy. Phải trưng ra hết các thể loại idea trên đời thì họ mới cân nhắc và biết mình muốn cái gì, gom hết mỗi ý tưởng mình đã từng đưa ra cho họ một chút, và tự để ra ý tưởng gọi là của riêng họ, Agency giờ chỉ cần làm theo thôi! Đó là chuyện bình thường trong ngành này, biết mình muốn cái gì là điều rất khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự thông minh. Bản thân em, cũng phải yêu vài người rồi mới thật sự biết mình cần kiểu bạn đời nào là phù hợp. Nên mình phải biết rộng lượng với họ, có gân cổ lên giải thích thì họ cũng không thể hiểu được đâu, phải làm cho ra sơ sơ, cho họ thấy thì họ mới biết đó có phải là cái họ muốn hay không. Ráng lên cưng, dù gì cũng xong rồi…
Luyện được sự kiên trì và bài học về thấu hiểu tâm lý khách hàng từ những dự án địa ngục thế này. Chính những bãi lầy này mới là bài kiểm tra lòng yêu nghề thật sự.
Nhiều người nói là thích đàn guitar, thật sự họ chỉ thích cái hình ảnh cầm đàn chơi một cách phong trần, khiến các em gái đổ ầm ầm như trên phim ảnh thôi chứ không thật sự thích quá trình rèn luyện gian khổ, tốn thời gian, công sức để chơi guitar thật hay. Quảng cáo cũng rứa, đôi khi ta lao vào ngành chỉ vì yêu thích cái kết quả cuối cùng của nó chạy trên TV, trên báo, trên website… còn những cái nhớp nhúa khi xây lên các tác phẩm ấy là một chuyện khác.
Rất rất khác.