Airbus soán ngôi của Boeing
Airbus dễ dàng lấy “ngôi vương” từ Boeing trên thị trường máy bay toàn cầu trong năm 2019 do đơn hàng và lượng máy bay bàn giao của Boeing sụt giảm mạnh.
Hôm 14-1, Boeing thông báo trong năm 2019, hãng này nhận được tổng đơn đặt hàng mua 246 máy bay thương mại các loại, giảm mạnh 77% so với năm 2018 và cũng là mức thấp nhất trong 16 năm qua.
Thê thảm hơn, đơn hàng ròng của Boeing (sau khi trừ các đơn hàng bị hủy bỏ) là âm 87 chiếc do hãng này nhận số đơn hàng mới với số lượng máy bay đặt mua thấp hơn số lượng máy bay trong số đơn hàng bị hủy.
Người phát ngôn Boeing cho biết đây là điều chưa từng xảy ra trong 30 năm qua đối với Boeing.
Năm 2019 là khoảng thời gian bi đát đối với Boeing khi dòng máy bay MAX bị cấm bay trên toàn cầu sau hai thảm họa rơi hai máy bay 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia, làm chết tổng cộng 346 người chỉ trong vòng 5 năm tháng.
Khủng hoảng máy bay MAX dẫn đến Boeing ra quyết định sa thải Giám đốc điều hành Dennis Muilenburg hồi cuối năm ngoái vì những thất bại trong việc kiểm soát hậu quả từ hai vụ tai nạn trên, khiến danh tiếng của Boeing bị tổn hại nghiêm trọng.
Boeing cũng thông báo tạm ngưng sản xuất 737 MAX bắt đầu từ tháng 1-2020 vì thất bại trong việc thuyết phục Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép bay trở lại cho dòng máy bay này.
Số máy bay giao cho khách hàng của Boeing trong năm 2019 cũng giảm mạnh về mức 380 chiếc, thấp chưa từng thấy kể từ năm 2008, thời điểm mà hoạt động sản xuất của Boeing bị tê liệt trong hai tháng do đình công.
Sự sa sút đơn hàng của Boeing giúp đối thủ Airbus lấy lại ngôi vị nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Trong một thị trường máy bay mang tính độc quyền lưỡng cực, Airbus và Boeing thay nhau giành ngôi vị nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới qua các năm. Nếu như các năm trước, sự cạnh tranh đơn hàng và số máy bay bàn giao của Boeing và Airbus diễn ra rất gắt gao, thì từ năm ngoái đó không còn là một cuộc đấu cân sức.
Hôm 13-1, Airbus cho biết trong năm 2019, hãng này bàn giao 863 chiếc máy bay và nhận được đơn hàng ròng mua 768 máy bay.
Năm ngoái, tổng trị giá máy bay bàn giao của Airbus là 60 tỉ đô la, trong khi đó con số này của Boeing chỉ 42 tỉ đô la, theo ước tính của Công ty định giá máy bay Avitas. Tổng giá trị đơn hàng của Airbus khoảng 39 tỉ đô la, còn con số này của Boeing là âm 2,5 tỉ đô la.
Lần đầu tiên trong 8 năm qua, Airbus vượt mặt Boeing ở hạng mục máy bay thương mại cỡ lớn, chủ yếu vì hoạt động sản xuất máy bay Boeing 777 suy giảm.
Dù đơn hàng ròng của Airbus chỉ tăng nhẹ một chút so với năm ngoái, tổng đơn hàng tồn đọng của hãng này là 7.482 chiếc máy bay thương mại. Airbus sẽ phải mất gần 10 năm để sản xuất cho số đơn hàng này. Boeing kết thúc năm 2019 với tổng số đơn hàng máy bay thương mại tồn đọng là 5.406 chiếc.
Dòng máy bay thân hẹp MAX từng là đối thủ đáng gờm của dòng máy bay thân hẹp A320 của Airbus. Nhưng sau khi MAX bị cấm bay trên toàn cầu trong năm qua, A320 đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống. Năm ngoái, Airbus nhận được tổng đơn hàng mua 654 máy bay A320.
Lần đầu tiên trong 8 năm qua, Airbus vượt mặt Boeing ở hạng mục máy bay thương mại cỡ lớn, chủ yếu vì hoạt động sản xuất máy bay Boeing 777 suy giảm khi Boeing chuyển sang phát triển dòng máy bay Boeing 777X. Năm ngoái, Airbus bàn giao 173 máy bay thân rộng cho khách hàng nhưng con số này ở Boeing chỉ là 153.
Tổng máy bay bàn giao của Boeing ở mức thấp không phải do hoạt động sản xuất của hãng này bị ngưng trệ. Boeing đã sản xuất 400 chiếc 737 MAX nhưng chưa thể bàn giao chúng giữa lúc máy bay MAX đang bị cấm bay trên toàn cầu.
Boeing nhận được sự khích lệ lớn khi tại Triển lãm hàng Paris hồi tháng 6-2019, hãng hàng không British Airways (Anh) thông báo ý định đặt mua 200 máy bay MAX. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi đơn hàng chưa được thực hiện và có thể sẽ không được ký kết cho đến lúc các cơ quan quản lý hàng không ở Mỹ và các nước trên thế giới cấp phép bay trở lại cho dòng máy bay này.
Chánh Tài – Theo Seattle Times, CNBC
Nguồn The Saigon Times