Doanh nghiệp TMĐT lo lắng quy định mới về bán rượu, bia trên mạng

Doanh nghiệp TMĐT lo lắng quy định mới về bán rượu, bia trên mạng

Dự thảo Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo và dự thảo Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đang được phản ánh là có thể gây ra những trắc trở cho doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT).

Thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức chiều 10-1 tại thành phố Đà Nẵng. Trong khuôn khổ sự kiện, VECOM cũng thông tin việc chính thức thành lập chi hội VECOM Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, cho biết các doanh nghiệp thành viên VECOM đề nghị xem xét lại điều khoản liên quan đến TMĐT trong dự thảo Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo.

Cụ thể, Điều 6 của dự thảo Nghị định quy định tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia bảo đảm 6 yêu cầu. Trong đó, có hai yêu cầu, gồm: “Có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn website thương mại điện tử của mình không liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng”; và “Không được đặt các đường dẫn trên website thương mại điện tử của mình cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia khác”.

Doanh nghiệp TMĐT lo lắng quy định mới về bán rượu, bia trên mạng

Theo các doanh nghiệp, những yêu cầu nêu trên mâu thuẫn với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (cho phép bán bia bằng TMĐT và quảng cáo bằng kỹ thuật số theo các điều kiện tối thiểu nhất định). Dự thảo quy định nêu trên cũng mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ là tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện phát triển công nghệ 4.0 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, quy định cũng không phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh là: “Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch”.

Thực tế, hầu hết các website TMĐT không chỉ bán bia mà còn bán một loạt hàng hóa khác, hoặc là một thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Vì vậy, nếu quy định này được đưa vào thực tế, nghĩa là bắt buộc các trang TMĐT phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia.

Các doanh nghiệp cho biết hoạt động bán hàng (rượu, bia - PV) trên mạng giúp quá trình kiểm soát của cơ quan quản lý được thuận tiện hơn. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra và thu thuế thông qua thông tin tài khoản của người mua và người bán với những điều khoản bắt buộc phải khai báo rõ ràng khi giao dịch trên website TMĐT.

VECOM và các doanh nghiệp thành viên sẽ tiếp tục theo dõi và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem lại dự thảo Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Cụ thể, Điều 29 quy định điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt phải có vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro nên cần nguồn vốn lớn, nhưng nguồn vốn trong nước lại chưa sẵn sàng hoặc không đủ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài, sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư, dẫn tới việc dịch chuyển vốn ra khỏi Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán, và thậm chí trái với những cam kết trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Được biết tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến trình tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư tối đa là 30%, tuy nhiên, trong quá trình lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện một số tổ chức có liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu và nâng tỷ lệ góp vốn lên tối đa là 49% như tại dự thảo mới nhất.

Diễn đàn thương mại điện tử Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 3-2020

Vào tháng 3-2020 VECOM tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) tổ chức sự kiện thường niên Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) tại cả thành phố Hà Nội và TPHCM. Tại VOBF sẽ công bố các nghiên cứu thị trường mới nhất về kinh doanh trực tuyến, bao gồm Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020.

Nhân Tâm
Nguồn The Saigon Times