Sau tin đồn bị thâu tóm Hanoimilk và nhãn hiệu Izzi đang “chết"?

Đằng sau thông tin bị thâu tóm, Hanoimilk đang bộc lộ những dấu hiệu đi xuống, thương hiệu Izzi từng gắn bó một thời với trẻ em Việt Nam nay đang dần vắng bóng tại các quầy hàng.

IZZI dần biến mất khỏi kệ hàng

Kì đại hội cổ đông của Hanoimilk sắp diễn ra vào ngày 29/6 tới sẽ hứa hẹn những thay đổi bất ngờ khi những cổ đông lớn gắn bó lâu đời chắc chắn sẽ có những chất vấn do không thể yên lòng chỉ với những hoạt động quảng bá bề ngoài rất mạnh mẽ nhưng doanh thu thực sự và kết quả kinh doanh không có dấu hiệu cải thiện. Cũng có thể có cơ hội bỏ ngỏ khi những cổ đông sáng lập cũ của Hanoimilk mà nhiều người hiện cũng khá thành công trong ngành sữa cũng sẽ coi như đây là một cơ hội tốt để có thể quay trở lại gắn bó với thương hiệu IZZI do họ tạo ra trước kia.

Ra đời từ năm 2003, Hanoimilk từng có một vị trí đáng tự hào trong thị trường sữa Việt Nam khi nhãn hiệu IZZI được trẻ em yêu thích nhất trong những năm 2004-2006. Theo đà phát triển, lẽ ra Hanoimilk ngày nay đã phải có một thị phần lớn hơn rất nhiều so với những gì hiện có. Tuy nhiên, trên thị trường sữa việt hôm nay, vị trí của Hanoimilk thậm chí không vượt trội được so cả với thương hiệu ra đời sau mình như Ba Vì.

Izzi

Tại các cửa hàng, những hộp sữa IZZI ngộ nghĩnh hình tam giác của Hanoimilk giờ dần biến mất khỏi quầy kệ.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho Hanoimilk mất thị phần và tụt hạng trên thị trường là do sự cố bị phát hiện sữa nguyên liệu nhập từ Trung Quốc nhiễm Melamine, 10/2008 , gây tác động nặng nề tới doanh nghiệp. Điều này chỉ thực sự đúng ở góc độ tài chính. Biến cố lớn này đã tạo ra một cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư thâu tóm từ đó dẫn đến một cuộc thay đổi ngoạn mục trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp.

Năm 2009, Hanoimilk có một chủ tịch hội đồng quản trị mới, nhiều cổ đông sáng lập cốt cán ra đi và kể từ đó doanh nghiệp luôn luôn có những biến động lớn về mặt nhân sự.

Làn sóng thay đổi về nhân sự đã mang lại cho doanh nghiệp này những khó khăn lớn về quản trị nội bộ. Sau sự cố, một đội ngũ nhân sự có trình độ cao đã được mời về để giúp doanh nghiệp khôi phục lại thị phần sau cú sốc và thị trường đã nhanh chóng chào đón IZZI trở lại.

Nhờ uy tín của thương hiệu IZZI được trẻ em yêu mến, tưởng như Hanoimilk sẽ nhanh chóng trở lại vị trí của mình trên thị trường trong những năm tiếp theo nhưng một lần nữa những thay đổi nhân sự ở cấp cao lại là một yếu tố làm cho doanh nghiệp này chao đảo. Chỉ trong vài năm liên tục, các Tổng giám đốc lần lượt vào rồi lại ra đi. Các nhân sự cấp trung cũng không nằm ngoại lệ. Nhân viên cấp thấp cũng lo tìm bến mới cho mình.

Ba Vì chính là thương hiệu của một cổ đông sáng lập Hanoimilk tạo dựng nên sau khi rời khỏi công ty này.

Còn tại các cửa hàng, những hộp sữa IZZI ngộ nghĩnh hình tam giác của Hanoimilk “vang bóng một thời”, giờ cũng chỉ nằm khiêm tốn trên các quầy kệ nếu không muốn nói, nhiều quầy sữa không có bóng dáng IZZI.

Hanoimilk

Đằng sau những tin đồn thâu tóm Hanoimilk?

Diễn biến mới nhất của Hanoimilk gần đây trên thị trường là đang cố gắng xuất hiện trở lại với sản phẩm mới với bao bì mới, quảng cáo khá nhiều trên các kênh truyền hình. Rất nhiều thông tin được đưa đến cho giới truyền thông thể hiện một nỗ lực quảng bá tên tuổi trở lại một cách mạnh mẽ.

Điều đó khiến người ta liên tưởng giữa hiện tượng tăng giá không bình thường của giá cổ phiếu Hanoimilk trước đó nằm ở mức bèo bọt chừng 4.000-5.000 đồngnay đột nhiên tăng vọt tới 100% chỉ trong thời gian ngắn. Kèm theo đó là các tin đồn về việc Hanoimlik đang có người muốn thâu tóm sẽ làm cho các nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiểu nhỏ lẻ phân vân trong nhận định: Liệu có hay không một chiến dịch làm giá cổ phiếu hay thực sự là một cơ hội tốt khi có thể xuất bán ra để mong vớt vát được chút nào với giá bán gần tới mức mệnh giá.

Lẽ dĩ nhiên nếu bán là chấp nhận lỗ gần hết số tiền đầu tư, còn giữ lại thì tương lai phát triển của doanh nghiệp này quá mong manh.

Đứng ở cương vị một nhà đầu tư khách quan để đánh giá, khả năng Hanoimilk có doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiêp nước ngoài nào đó thâu tóm là không có nhiều vì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này hiện đang yếu kém, triển vọng tương lai không thấy rõ ràng và cổ phiếu thì đang ở diện “cảnh báo". Hoặc nếu có thay đổi, có thể chỉ là một cuộc thay đổi vị trí và chuyển đổi cổ phần nội bộ giữa các nhà đầu tư lớn.

Nguồn Báo Giáo Dục