Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Thị trường nhượng quyền trong F&B đang chững lại, xu hướng nhượng quyền kinh doanh trong ngành "hot" - logistics lại đang được nhiều start up hướng đến.

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện có khoảng 30.000 công ty logistics, trong đó có 4.000 công ty giao nhận - logistics quốc tế. Tốc độ phát triển của ngành logistics là khoảng từ 12 - 14%, quy mô thị trường khoảng 40 - 42 tỷ USD và điểm nhấn của ngành logistics là các doanh nghiệp hầu hết đều chuyển từ cách làm truyền thống sang logistics thương mại điện tử.

Những năm gần đây, việc mở rộng thị trường và mạng lưới của các công ty chuyển phát chuyển quốc tế và trong nước đang nở rộ. Tuy nhiên, đây cũng là ngành cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn vì muốn phát triển tốt ngoài công nghệ cần có mạng lưới phủ sóng rộng khắp. Do đó, mô hình nhượng quyền thương hiệu chuyển phát đang được xem là một nước cờ thông minh, giúp tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư ban đầu vì tận dụng được công nghệ, thương hiệu và mạng lưới có sẵn của đơn vị nhượng quyền.

Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Mô hình này bắt đầu từ bài tính đơn giản: Từ một đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống hoặc cung cấp dịch vụ địa phương, thay vì tự mình xây dựng một thương hiệu rất nhiều rủi ro, các doanh nghiệp nhượng quyền không còn đi theo chiến lược kinh doanh tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ tại từng địa phương.

Thay vào đó, họ tập trung phát triển thương hiệu thật tốt tại một địa phương, một quốc gia, và đầu tư vào nền tảng công nghệ (website, app..) sau đó bán lại nền tảng công nghệ này cho các đơn vị nhượng quyền tại nhiều địa phương và quốc gia khác.

Như vậy, doanh thu của họ sẽ chuyển từ nguồn khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển toàn thế giới thành số phần trăm doanh thu (hoa hồng) họ nhận được từ các đại lý nhượng quyền thương hiệu.

Với những lợi thế nổi bật cùng tiềm năng phát triển của thị trường logistic, xu hướng nhượng quyền trong lĩnh vực chuyển phát nhanh đã nở rộ trên thế giới như: YTO Express, STO Express, SF Express, InExpress ...

Ở Trung Quốc, các hãng chuyển phát lớn như ZJS Express, SF Express, STO Express đều khởi sắc khi áp dụng phương thức đại lý nhượng quyền để mở rộng mạng lưới giao hàng.

Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Trong năm 2009 - 2010, STO Express đã phát triển từ 30 lên 50 trung tâm chuyển phát, từ 1800 điểm mạng lưới lên đến 6000. Năm 2013, ZJS Express chuyển đổi mô hình toàn diện, ngoài việc tham gia liên kết với sàn thương mại điện tử Taobao hãng này cũng đã quyết định áp dụng mô hình nhượng quyền. Năm 2006, SF Express cũng bằng phương thức nhượng quyền, đã mở được hơn 1100 điểm mạng lưới trải dài 20 tỉnh thành và hơn 100 thành phố.

Tại Việt Nam, từ năm 2019, thị trường bắt đầu sôi động khi có thêm các tên tuổi nước ngoài như ZTO Express, BEST Express tham gia.

Sau hơn một năm triển khai tại thị trường Việt Nam, hiện BEST Express có 7 trung tâm khai thác, hơn 100 bưu cục, một tỉnh có thể có đến 3 đến 20 điểm bưu cục, riêng Hà Nội có đến 20 bưu cục và TP.HCM có đến 26 bưu cục.

Ngoài nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu được BEST tính toán vào khoảng 500 triệu đồng, mỗi bưu cục, người nhận quyền phải thanh toán thêm các khoản: tiền ký quỹ 200 triệu đồng, phí nhượng quyền 175 triệu đồng.

Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Theo sau BEST Express, giữa năm 2019 ZTO Express vào Việt Nam và triển khai mô hình nhượng quyền, so với BEST Express thì thành tựu bưu cục của ZTO có vẻ thấp hơn, đến nay cả 3 miền Bắc - Trung - Nam có 12 bưu cục. Mỗi bưu cục, doanh nghiệp nhượng quyền phải thanh toán cho ZTO 50.000 nhân dân tệ (khoảng 165 triệu đồng) tiền ký quỹ và 10.000 nhân dân (khoảng 33 triệu đồng) tiền bảo trì hệ thống cho hợp đồng không thời gian hạn, tuy nhiên mỗi bưu cục chỉ được khai thác 1 quận/huyện.

So với hai đối thủ vào sau, SuperShip có lợi thế của một thương hiệu Việt, nên thấu hiểu rõ hơn thị trường nội địa và những thứ đối tác địa phương cần, thiếu. Bên cạnh đó là chi phí cạnh tranh. So với mặt bằng chi phí nhượng quyền mô hình chuyển phát chung, chi phí để trở thành điểm bưu cục của SuperShip được đánh giá là khá thấp.

Nếu doanh nghiệp nhượng quyền biết tận dụng mặt bằng và nhân lực sẵn có tại chính nơi mình sinh sống, biết áp dụng hệ thống phần mềm quản lý để tiết kiệm chi phí, biết khai thác triệt để tiềm năng thị trường, trở thành điểm bưu cục của SuperShip được xem là phương án đầu tư khá an toàn nhưng tiềm năng.

Sức nóng mới từ nhượng quyền logistics

Ông Lê Thanh Hoài - CEO&Founder SuperShip cho biết, điểm cộng hưởng ở mô hình này, chính là chi phí mà khách hàng phải trả để sử dụng dịch vụ vận chuyển đơn hàng liên tỉnh (là doanh thu tổng) sẽ được chia đều ra cho nhiều đơn vị liên quan đến quá trình giao hàng (đơn vị lấy hàng về kho, đơn vị giao hàng cho khách, đơn vị trung chuyển), chứ không thuộc 100% của một đơn vị.

Điều này có nghĩa là một đơn vị phát triển được khách hàng, thì sẽ mang lại doanh thu cho toàn hệ thống, như vậy nếu có 128 bưu cục, mỗi bưu cục phát triển doanh số, khách hàng tốt hơn đồng nghĩa việc phát triển mô hình này rất khả quan.

Hiện tại ngoài 128 điểm bưu cục đã mở, còn có hơn 30 bưu cục chờ mở và đội ngũ phát triển thị trường hàng ngày đàm phán hợp đồng để tiếp tục triển khai bưu cục mới. Theo ông Hoài, SuperShip đang nỗ lực để đưa con số 128 điểm bưu cục hiện tại lên hơn 500 điểm bưu cục vào tháng 6/2020.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn