Lúng túng với tin đồn, Huda Huế lộ rõ yếu kém

Tin đồn Huda Huế 100% vốn của Carlsberg bị bán cho Trung Quốc, sử dụng men của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của thương hiệu này.

Tin đồn lộ rõ yếu kém về quản trị khủng hoảng của Huda Huế

Sau khi tin đồn Huda Huế đã bị bán cho Trung Quốc và Huda Huế sử dụng men của Trung Quốc thì ngay lập tức phía cơ quan chức năng và Carlsberg đã thanh minh cho Huda Huế. Tuy nhiên, chuyện này ít hay nhiều cũng đã ảnh hưởng khá nhiều tới bộ mặt của Huda Huế và việc tiêu thụ sản phẩm của hãng bia này.

“Ảnh hưởng nặng nề nhất là về bộ mặt công ty bia có thị phần lớn thứ 4 Việt Nam, một số đối tượng đã lợi dụng làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc (vì kém chất lượng và gây hại cho sức khỏe suốt thời gian qua) nhằm hạ uy tín của Huda Huế khiến người tiêu dùng hoang mang và nghi ngờ công ty này. Mặc dù, cơ quan chức năng đã thanh minh về tin đồn thất thiệt nhưng đã lộ ra điều yếu kém về quản trị khủng hoảng thương hiệu của hãng bia Huda Huế đã được Carlsberg mua lại hoàn toàn” – chuyên gia marketing Nguyễn Thế Khoa - CEO Greem Standard Coffee&Tea nhận xét.

Lúng túng với tin đồn, Huda Huế lộ rõ yếu kém

Carlsberg là một trong số 4 công ty bia lớn nhất thế giới nhưng lại tỏ ra yếu kém khi không có những hành động mạnh mẽ để đảm bảo lợi ích và bộ mặt thương hiệu của mình.

Ông Khoa cho biết: Trên thế giới, không ít những thương hiệu đã chịu ảnh hưởng do những tin đồn bịa đặt do ai đó cố tình tung ra hạ uy tín doanh nghiệp. Carlsberg là một trong số 4 công ty bia lớn nhất thế giới nhưng lại tỏ ra yếu kém khi không có những hành động mạnh mẽ để đảm bảo lợi ích và bộ mặt thương hiệu của mình. Để đến khi báo chí Việt Nam “thanh minh” cho Huda Huế thì mọi chuyện đã rồi.

“Họ không quyết đoán trong cách xử lý khủng hoảng, họ có thể yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra về tin đồn và tổ chức họp báo hay thư ngỏ đến cho người tiêu dùng để khẳng định rằng họ là nạn nhân của tin đồn. Đằng này họ chọn cách xử lý rủi ro trên trong im lặng khiến người tiêu dùng càng hoang mang về sản phẩm Huda Huế. Và lời đồn đoán về việc “Huda Huế bị bán cho Trung Quốc” có đúng sự thật hay không, đã diễn ra một thời gian dài” – ông Khoa nhấn mạnh.

Im lặng có phải là vàng?

Ở Việt Nam, chúng ta có văn hóa quản trị scandal trong im lặng. Sự im lặng chỉ có tác dụng nào đó nhất định, còn nếu dính đến một vấn đề nghiêm trọng như trường hợp của Huda Huế thì không thể nào im lặng như thế được – theo đánh giá của không ít các chuyên gia truyền thông tại Việt Nam.

“Nếu là tôi thì tôi càng nghi ngờ về Huda Huế và tin vào tin đồn đó nhiều hơn. Một công ty bia Việt được một thương hiệu bia quốc tế như Carlsberg mua lại mà dính scandal dùng men của Trung Quốc thì quá tệ!” – ông Nguyễn, một chuyên gia trong lĩnh vực marketing đang công tác tại Nhật chia sẻ.

"Một khi nhãn hiệu đã đánh mất niềm tin của khách hàng thì việc họ sẽ đánh mất đi một thị phần đáng kể là điều vô cùng dễ hiểu."

Vị này cho biết: Về mặt tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn một điều rằng, người Việt đang có rất nhiều sự lựa chọn. Không có Huda Huế thì họ có thể chọn sản phẩm của hãng bia khác. Một khi nhãn hiệu đã đánh mất niềm tin của khách hàng thì việc họ sẽ đánh mất đi một thị phần đáng kể là điều vô cùng dễ hiểu.

Tuy tin đồn này không ảnh hưởng quá nặng nề cho Carlsberg cũng như Huda Huế, nhưng hãy nhìn vào sự cố nước tương 3MCPD để thấy được một bài học “đắt giá”. Do không làm tốt khâu quản lý rủi ro thương hiệu mà đã bao năm qua, nước tương Chinsu đã nhờ đó mà vươn lên thành “bá chủ” ngành nước chấm Việt Nam. Ngay cả Nestle, với nhãn hàng Maggi mặc dù không bị Sở y tế công bố có chứa 3MCPD nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Và khi mọi chuyện xung quanh 3MCPD sáng tỏ thì thị trường đã an bài, Chinsu nghiễm nhiên chiếm “ngôi vương” ngành nước chấm.

Hay như sữa Izzi của Hanoimilk khi bị dính sự cố nhập khẩu sữa của Trung Quốc có Melamine thì ngay lập tức đã gần như mất hút khỏi thị trường khi Vinamilk và Friesland Campina đã nhanh chân lợi dụng Scandal này và chia nhau thị phần mà Hanoimilk đã đánh mất từ sự cố ấy.

Vì vậy, “nếu doanh nghiệp Việt không có cách quản trị rủi ro thương hiệu một cách hiệu quả thì chắc chắn họ sẽ đi vào vết xe đổ của Hanoimilk và Nestle là điều không thể tránh khỏi” – ông Nguyễn Thế Khoa, CEO Greem Standard Coffee&Tea kết luận

Nguồn Dùng hàng Việt