Doanh nghiệp công nghệ bước vào cuộc cạnh tranh nóng về nhân sự năm 2020
Đầu năm 2020, nhiều công ty lớn như IBG, beGroup và CMC Global cho hay đã có kế hoạch tuyển dụng thêm nhiều nhân sự nhưng thị trường nhân lực vẫn chưa đáp ứng đủ. Thậm chí đã có hiện tượng tranh giành nhân tài từ các doanh nghiệp vì sự thiếu hụt này.
Thị trường trong nước chưa có nhiều công ty chuyên về blockchain. Tuy vậy, nhiều công ty đang rục rịch đầu tư vào ngành, dẫn đến nhu cầu về nhân sự lành nghề luôn nóng. Trên thị trường không thiếu những kỹ sư phần mềm trẻ tuổi với số năm kinh nghiệm còn giới hạn nhưng các kỹ sư lành nghề có khả năng đề xuất các kiến trúc blockchain tốt vẫn khá là hiếm.
Ông Cris Duy Trần, Phụ trách vùng, Giám đốc điều hành của Infinity Blockchain Ventures (IBV) cho rằng, nhu cầu về nhân lực lành nghề trong mảng chuỗi khối (blockchain) cấp thiết đến nỗi đã xảy ra tình trạng “giành” nhân lực từ doanh nghiệp khác. Mỗi năm nhu cầu tăng trưởng nhân sự công nghệ blockchain tại Infinity Blockchain Group (IBG) giai đoạn 2018-2019 là khoảng 100% mỗi năm. Trong đó, nguyên nhân tuyển dụng chính là từ nhu cầu phát triển đội ngũ kỹ sư công nghệ. Bên cạnh đó, mỗi tháng công ty mất 5-7 nhân sự về tay công ty đối thủ chỉ riêng năm 2019 nên phải tuyển nhân viên mới thường xuyên.
"Việc mất nhân sự vào tay đối thủ là tình trạng bình thường đối với các công ty phát triển mạnh trong ngành. Kỹ sư có kinh nghiệm phát triển các dự án blockchain được xem là “hàng hiếm” trong nước nên nhiều công ty đối thủ sẵn sàng chi đậm để kéo họ về. Thị trường nhân sự ngành công nghệ hiện nay rất nóng. Tính cạnh tranh của giữa các công ty về nguồn nhân lực là rất cao”, ông Cris Duy Trần nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thiện Minh, Giám đốc công nghệ, Công ty cổ phần beGroup cho rằng, thị trường nhân sự công nghệ đang rất khan hiếm. Hiện nay, lực lượng nhân sự công nghệ tại beGroup khoảng hơn 100 người. Vì nhu cầu phát triển mô hình kinh doanh, công ty luôn cần thêm số lượng lớn nhân sự công nghệ để duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong năm 2019, beGroup đẩy mạnh việc phát triển và cải tiến ứng dụng gọi xe thuần Việt. Công ty cũng cần thêm người xây dựng công nghệ để giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, số lượng người được tuyển về trên thực tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của công ty.
"Dù có chủ trương tuyển dụng nhân sự công nghệ người Việt là chủ đạo, nhưng beGroup cũng đã tuyển những chuyên gia giỏi ở nước ngoài về giúp doanh nghiệp thiết kế tốt hơn cho hệ sinh thái công nghệ của công ty. Đồng thời nhóm này cũng được sử dụng để đào tạo cho nhân sự công nghệ trẻ người Việt", ông Minh cho hay.
Theo khảo sát của công ty dịch vụ nhân sự Navigos Group, so với 2019, tình hình thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực công nghệ năm 2020 đã giảm nhưng vẫn còn rất khó. Nửa đầu 2019, 80% doanh nghiệp trong ngành công nghệ - thông tin (CNTT) than phiền là thiếu nhân lực và 88% doanh nghiệp trong ngành công nghệ - kỹ thuật cũng trong tình trạng tương tự khi tìm người dự tuyển.
Đầu năm 2020, 71,11% doanh nghiệp sẽ thiếu kỹ sư công nghệ trong vòng 6 tháng tới, trong đó có 46,67% doanh nghiệp sẽ cần tăng 10-20% lực lượng nhân sự.
Đầu năm 2020, 71,11% doanh nghiệp sẽ thiếu kỹ sư công nghệ trong vòng 6 tháng tới, trong đó có 46,67% doanh nghiệp sẽ cần tăng 10-20% lực lượng nhân sự.
Nhiều nhà tuyển dụng cho hay nhân sự công nghệ trên thị trường không thiếu, chỉ là họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều chuyên gia nhận định kỹ sư công nghệ Việt Nam rất giỏi theo từng mảng độc lập. Điều họ thiếu là góc độ kiến trúc hoặc các hệ thống có khả năng mở rộng lớn. Đội ngũ này cần được cải thiện ở những mảng công nghệ cao như máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)…
Theo nghiên cứu của Navigos Group, sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong năm 2019 đã đẩy nhân viên của các doanh nghiệp đến tình trạng làm việc quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có đến 31,11% doanh nghiệp kêu ca rằng họ phải mất nhiều đơn hàng sang doanh nghiệp khác, còn 26,67% phải giảm quy mô hoạt động...
Năm 2020, các lĩnh vực sẽ chuyển mình mạnh mẽ được dự đoán là trí tuệ nhân tạo, blockchain, dịch vụ phần mềm (software as a service) và công nghệ tài chính (fintech), chuyển đổi sang tự động hóa, robot hóa và thương mại điện tử (e-commerce).Với sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng và kéo dài, nhiều công ty đã chủ động đào tạo người để tự đáp ứng nhu cầu của mình.
Cụ thể, trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Công nghệ CMC, tới năm 2023, CMC Global hướng đến con số 5.000 nhân sự CNTT chất lượng cao, tăng khoảng 10 lần so với hiện tại. Sau hơn 2 năm thành lập (từ 2017), CMC Global đã có 500 nhân viên tại Việt Nam và 70 nhân viên tại Nhật Bản. Với việc mở rộng quy mô hoạt động trong 2 năm, 3 chi nhánh tại Nhật Bản, TPHCM, Đà Nẵng công ty sẽ phải tối ưu hóa việc đào tạo, sử dụng nguồn lực công nghệ thông tin trên khắp Việt Nam để đáp ứng kế hoạch.
Trong khi đó, IBG và beGroup cho biết ngoài việc đào tạo nhân lực CNTT, các công ty này cũng sẽ chọn lọc người kỹ hơn về chất lượng cũng như dự định lâu dài của kỹ sư công nghệ vào làm việc trong năm nay cà các năm tới.
Mỹ Huyền
Nguồn The Saigon Times