“Mèo xem tát ao” thị trường quảng cáo

Tít bài viết này có phần ngoa ngôn, nhưng thực tế lại đúng về cả hiện tượng lẫn bản chất, khi nói về sự "lép vế”, sự thua thiệt mọi bề của thị trường quảng cáo "made in Việt Nam”.

“Mèo xem tát ao” thị trường quảng cáoNói thật thì rất … "nghịch nhĩ”, nhưng dù có khó nghe còn hơn không chịu nghe, nhất là chỉ ít lâu nữa thôi, lần đầu tiên Việt Nam chúng ta sẽ chính thức đăng cai Đại hội Quảng cáo Châu Á lần thứ 28 – AdAsia 2013. Cho nên cũng cần nghiêm túc, thẳng thắn (và cả sòng phẳng) mà nhìn lại thị phần cũng như cái cách mà các doanh nghiệp quảng cáo nội đã và đang làm bấy lâu nay để chí ít, nó cũng đúng hơn với tinh thần của chủ đề "Tái cấu trúc truyền thông - quảng cáo” - AdAsia 2013, một hoạt động đặc biệt của ngành quảng cáo nước ta!

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam khẳng định rằng, dù nền kinh tế đang bị suy thoái, đang chịu nhiều tác động bất lợi, nhưng doanh thu quảng cáo vẫn tăng khoảng 10%. Có điều, cái phần tăng lên đáng mừng đó, lại chủ yếu rơi vào túi của các doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài. Cùng quan điểm, ông Phan Lê Khôi, Phó Chủ tịch IB Group phát biểu trong cuộc hội thảo "Quảng cáo – Truyền thông tại Việt Nam” rằng: Doanh nghiệp trong nước thiếu chuyên nghiệp, chủ động, không chịu sáng tạo. Ngược lại, đối thủ tư duy theo kiểu chiến lược và luôn có ý tưởng độc đáo, phục vụ khách hàng tận tụy hơn.

"Doanh nghiệp trong nước thiếu chuyên nghiệp, chủ động, không chịu sáng tạo. Ngược lại, đối thủ tư duy theo kiểu chiến lược và luôn có ý tưởng độc đáo, phục vụ khách hàng tận tụy hơn."

Có lẽ vì thế chăng mà thị phần của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại nước ta là rất lớn, khoảng hơn 80%. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhiều công ty trong nước đã bị đối thủ thâu tóm. Một số công ty bán cổ phần cho đối tác ngoại, thậm chí còn chấp nhận mất luôn tên của mình, chấp nhận "giữa đường gãy cánh”. Đã có nhiều ý kiến phân tích và kiến giải cho lĩnh vực này kể cả những thực tế nêu trên. Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam "tự thua” trên sân nhà vì tư duy kém hơn đối thủ. Hoặc có "leo lét” được, doanh nghiệp trong nước chỉ mãi theo kiểu "làm thuê”, thụ động trong công việc cung cấp dịch vụ cho đối tác. Thậm chí, trong thực tế đã từng xảy ra không ít những hiện tượng cạnh tranh manh mún, thiếu lành mạnh, triệt hạ uy tín lẫn nhau theo kiểu "tự bắn vào chân của mình”.

Hiện tại, cả nước đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp quảng cáo hoặc có chức năng quảng cáo. Trong đó, riêng TP. Hồ Chí Minh – thị trường quảng cáo sôi động nhất đất nước chiếm số lượng khoảng 70%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, Giám đốc Công ty Quảng Cáo Trẻ cho biết: Từ nhiều năm nay, các công ty quảng cáo chỉ phát triển về lượng, không phát triển về chất. Chiếm 70% số doanh nghiệp quảng cáo cả nước nhưng TP. HCM chỉ có khoảng 10 công ty đúng nghĩa chuyên nghiệp là cùng, trong khi đó đã có trên dưới 30 công ty quảng cáo nước ngoài hoạt động tại thành phố này dưới nhiều hình thức. Vì vậy, thực hiện quảng bá cho tốp 10 thương hiệu quảng cáo nhiều nhất hiện nay, xếp hạng tạm thời là Unilever (nhiều sản phẩm, khoảng 30 triệu USD/năm), Tiger, Heineken, Pepsi, Coca-Cola, Toshiba... đều do các công ty quảng cáo nước ngoài đảm trách, đơn giản là vì các thương hiệu trên yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, ý tưởng, nhân sự và khả năng tài chính. Nói chung, mình thua vì thiếu đủ thứ - ông Cáp thừa nhận.

"Mèo xem tát ao” là vì thế!

Nguồn Dùng hàng Việt