Microsoft đốt nóng cuộc chiến điện toán đám mây với Amazon

Microsoft đốt nóng cuộc chiến điện toán đám mây với Amazon

Amazon và Microsoft đang công kích lẫn nhau trong bối cảnh hai bên cạnh tranh quyết liệt để giành giật giới khách hàng doanh nghiệp chọn thuê gói dịch vụ điện toán đám mây của họ.

Từ lâu, Amazon là nhà cung cấp hệ thống lưu trữ dữ liệu hàng đầu cho các công ty đa quốc gia khổng lồ thông qua Công ty dịch vụ điện toán đám mây Amazon, Web Services (AWS). Nhưng sự trỗi dậy nhanh chóng của Microsoft ở lĩnh vực này khiến Amazon bắt đầu cảm thấy “nóng mặt” và đáp trả gay gắt.

Hồi tháng trước, phát biểu tại hội nghị điện toán đám mây hàng năm của AWS ở Las Vegas, Andy Jassy, Giám đốc điều hành AWS, nói: “Họ (Microsoft) không ưu tiên những điều quan trọng cho các bạn với tư cách là khách hàng”. Ông mỉa mai rằng các đối thủ khác chỉ giỏi bắt chước các sản phẩm AWS.

Năm ngoái, Microsoft, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn thứ hai ở Mỹ, giành được hợp đồng cung cấp gói điện toán đám mây cho Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 10 tỉ đô la Mỹ trong 10 năm. Đây là kết quả bất ngờ vì trước đó, AWS được xem là ứng cử viên số một cho gói thầu này. Cho rằng quy trình thẩm định chọn thầu có sai sót và mang tính thành kiến chính trị, Amazon đệ đơn ra tòa.

Trước đó, trong quá trình Lầu Năm Góc mời thầu, Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại về khả năng trúng thầu của Amazon. Ông nói: “Tôi nhận được nhiều lời phàn nàn về gói thầu của Lầu Năm Góc và Amazon”.

Microsoft đốt nóng cuộc chiến điện toán đám mây với Amazon

Microsoft đang gia tăng sức ép với Amazon trên thị trường điện toán đám mây. Ảnh: 1reddrop.com

Để mở rộng thị phần, Microsoft thường nhắc nhở các khách hàng tiềm năng rằng nếu họ đăng ký sử dụng dịch vụ điện toán đám mây Azure của Microsoft, dữ liệu sản phẩm và khách hàng của họ sẽ không bị đặt ở các máy chủ được điều hành bởi một công ty có thể là đối thủ của họ.

Thông điệp của Microsoft ám chỉ đến thực tế Amazon vừa là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây vừa là công ty thương mại điện tử khổng lồ đang cạnh tranh bán hàng với các công ty bán lẻ khác.

“Chúng tôi không sử dụng dữ liệu của khách hàng để cạnh tranh với họ”, Julia White, Phó Chủ tịch Microsoft Azure, công ty phụ trách mảng kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 10.

Amazon là công ty dẫn đầu không thể chối cãi trên thị trường điện toán đám mây ở Mỹ nhưng đang bị Microsoft rượt đuổi quyết liệt. Công ty đang nắm giữ 47,8% thị phần cho thuê hạ tầng đám mây vào năm 2018, giảm so với mức 49,4% vào năm 2017 và 53,7% vào năm 2016, theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner. Trong khi đó Microsoft đứng thứ hai với mức thị phần 15,5% vào năm 2018, tăng rõ rệt so với mức 8,7% trong năm 2016.

Amazon đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống máy chủ để vận hành mảng kinh doanh cốt lõi thương mại điện tử từ cách đây hơn một thập kỷ. Sau đó, Amazon đem cho thuê công suất dư thừa của hệ thống này. Thay vì bỏ ra những khoản đầu tư lớn để trang bị và duy trì hệ thống máy chủ riêng, khách hàng doanh nghiệp chỉ trả một khoản phí hợp lý để sử dụng công suất điện toán đám mây của Amazon.

Điện toán đám mây cất cánh khi ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia thuê dịch vụ bên ngoài để lưu trữ dữ liệu của họ. Năm 2019, doanh thu của AWS đạt khoảng 35 tỉ đô la.

Theo Gartner, thị trường điện toán đám mây trên toàn cầu sẽ đạt doanh thu 266 tỉ đô la trong năm nay và sẽ tăng thêm 33% nữa vào năm 2022.

Thành công đó khiến Amazon trở thành mục tiêu cạnh tranh lớn. Nhiều đối thủ, vốn có mối quan hệ hợp tác với khách hàng doanh nghiệp lâu đời hơn nhiều so với Amazon, “ấm ức” khi để thị phần điện toán đám mây rơi vào tay Amazon. Giờ đây, họ đang đẩy mạnh nỗ lực giành lại doanh số ở mảng kinh doanh này.

Google của Alphabet nắm giữ thị phần điện toán đám mây lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ nhưng đứng sau các đối thủ dẫn đầu với khoảng cách xa. Tuy nhiên, Google đang gia tăng đội ngũ kinh doanh trong lĩnh vực này để rượt đuổi Amazon và Microsoft. Tháng 6 năm ngoái, Google thâu tóm Công ty phân tích dữ liệu Looker để củng cố sức mạnh của mình.

Tương tự, năm ngoái, hãng phần mềm Oracle thông báo sẽ mở rộng đội ngũ nhân sự của mảng điện toán đám mây. Hồi tháng 7-2019, Tập đoàn công nghệ máy tính IBM (Mỹ) hoàn tất thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm của hãng này khi bỏ ra 34 tỉ đô la để mua lại hãng phần mềm mã nguồn mở Red Hat nhằm bắt kịp các đối thủ.

Những công ty này đang đua nhau xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ, hay còn gọi là “trang trại máy chủ” trên khắp thế giới, cho phép khách hàng thuê không gian lưu trữ dữ liệu và tận dụng năng lực điện toán của họ để phân tích dữ liệu đó.

Theo Gartner, thị trường điện toán đám mây trên toàn cầu sẽ đạt doanh thu 266 tỉ đô la trong năm nay và sẽ tăng thêm 33% nữa vào năm 2022.

Ngoài việc để rơi gói thầu 10 tỉ đô la của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tay Microsoft, mảng điện toán đám mây của Amazon gần đây chịu nhiều tổn thất. Năm ngoái, dữ liệu của hơn 100 triệu khách hàng của Ngân hàng Capital One Financial đang lưu trữ ở AWS, bị một cựu nhân viên của AWS đánh cắp. Và ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sang thuê dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp khác, thay vì AWS vì những lo ngại rủi ro.

“Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng khách hàng mới xuất hiện trên thị trường. Những khách hàng này chưa bao giờ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trước đây và họ đang thẩm định các nhà cung cấp”, Raj Bala, Giám đốc nghiên cứu ở Gartner, nói. Ông cho biết khá nhiều khách hàng mới chắc chắn sẽ tìm đến Microsoft Azure.

Các hãng bán lẻ là những công ty đầu tiên né tránh dịch vụ của AWS vì lo ngại dữ liệu của họ có thể bị Amazon khai thác để cạnh tranh. Cách đây 2 năm, tập đoàn bán lẻ Walmart tuyên bố sẽ không sử dụng các gói dịch vụ của AWS. Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever cũng đang sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu của Microsoft Azure.

Trong khi đó, Peter DeSantis, Phó Chủ tịch AWS, khẳng định AWS bảo vệ dữ liệu của khách hàng và không sử dụng chúng cho các mục đích khác.

Khánh Lan
Nguồn The Saigon Times