Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu
Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.
Tiềm năng và những hạn chế
Theo báo cáo từ Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương), doanh thu của ngành này đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt 30% với tổng doanh thu bán lẻ (B2C) tương đương khoảng 8,06 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Google và Temasek, nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD và nền kinh tế Internet tại Việt Nam cũng sẽ đạt vào con số trên 33 tỷ USD vào năm 2025. Qua đó có thể thấy dư địa từ ngành này còn rất lớn so với thị trường bán lẻ hiện nay.
Thương mại điện tử được coi là một nền kinh tế trên không gian mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vũ bão của hệ thống internet và nền tảng kinh tế số, thương mại điện tử được coi là một nền kinh tế trên không gian mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được giám sát chặt chẽ, để đảm bảo được niềm tin cho người tiêu dùng và tính minh bạch uy tín trong kinh doanh thương mại điện tử.
Trả lời với Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về lo ngại trên, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cho biết, quy phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại điện tử gồm các điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng song song đó có những quy định chặt chẽ, nhằm quản lý, nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh trá hình, không tuân thủ đúng các ngành nghề như đã đăng ký.
Liên quan tới ứng dụng BBI Mail vừa qua có được coi là hình thức kinh doanh thương mại điện tử, Ông Hải cho biết, ứng dụng BBI Mall là ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên nền tảng di động, hoạt động dưới hình thức ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử (theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2015).
Trong đó, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử BBI Mall cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Đặc biệt ứng dụng này cho phép người dùng là các thương nhân, tổ chức, cá nhân, tạo các gian hàng để bán hàng, tích điểm khi mua sắm trên ứng dụng. Tuy nhiên sau những phản ánh về sai phạm trong mô hình hoạt động thì đến nay ứng dụng BBI Mall không còn được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định.
Do vậy thương mại điện tử hay thương mại truyền thống thì các doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Pháp luật liên quan.
"Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trá hình hay những hoạt động không được phép, khi phát hiện vi phạm hoặc nhận được phản ánh về sai phạm của người dùng..., Bộ Công Thương sẽ tiến hành hậu kiểm để kiểm tra xử lý nhằm đảm bảo được tính chất chuẩn mực về ngành nghề, tiêu chí theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Công Thương" - ông Hải nói.
Luồng gió mới
Nhằm đưa ra chiến lược mới phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử Việt Nam được phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào dự thảo, trình Chính phủ nhiều nhóm giải pháp được đề xuất như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh CMCN 4.0; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Phát triển các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử.
Theo đó, nội dung dự thảo có nhiều điểm mới, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng hiệu quả và tích cực, hạn chế loại bỏ những doanh nghiệp kinh doanh trá hình làm ảnh hưởng tới quy mô ngành thương mại điện tử.
Ngoài yếu tố nâng cao công tác phối hợp quản lý thì các điều khoản nới lỏng hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được Bộ Công thương quan tâm đặc biệt, điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là nền tảng giúp ngành thương mại điện tử phát triển với mục tiêu bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại khu vực nông thôn; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Phương Thanh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp