Những thương vụ M&A “đình đám” nhất năm 2019
Năm 2019 ghi dấu một năm đầy sôi động với nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có giá trị lên đến hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đối tác Hàn Quốc rót 1 tỷ USD vào Vingroup
Ngày 16/5/2019, Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã VIC) và SK Group (Hàn Quốc) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận, Tập đoàn đến từ Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) để mua cổ phiếu và trở thành đối tác chiến lược của Vingroup.
Đến ngày 28/5, SK Investment Vina II - quỹ thành viên của SK Group đã hoàn tất mua vào tổng cộng 205,7 triệu cổ phiếu VIC với giá trung bình 113.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức thị giá cổ phiếu VIC đang giao dịch trên thị trường thời điểm đó. Giao dịch được SK Group thực hiện thông qua việc mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce.
Sau khi hoàn tất chào bán cổ phần, vốn điều lệ của Vingroup sẽ tăng lên gần 34.299 tỷ đồng trong đó SK Group là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6% vốn điều lệ.
SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ. Tập đoàn này có hoạt động kinh doanh tại hơn 40 nước trên thế giới với doanh thu 132 tỷ USD và tổng tài sản đạt 184 tỷ USD tính đến hết năm 2018.
Năm ngoái, SK Group cũng đã đầu tư 470 triệu USD để trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Masan Group. Trong khi đó, cũng trong năm 2018, Vingroup đã chào bán lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 400 triệu USD cho một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Hanwha.
“Cái bắt tay” tỷ USD giữa Vingroup và Masan
Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã công bố thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.
Theo nội dung thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần của VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sáp nhập và đóng vai trò là cổ đông trong khi Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động.
Giao dịch giúp Vingroup có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp. Mảng công nghệ và công nghiệp của Tập đoàn hiện có VinFast và VinSmart.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2019, Vingroup hiện sở hữu 64,3% cổ phần của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM, doanh nghiệp có vốn điều lệ 6.436 tỷ đồng đang nắm giữ 100% cổ phần VinCommerce.
Trước đó vào tháng 9, Quỹ đầu tư của chính phủ Singapore GIC thông qua công ty con Ardolis Investment cùng chi nhánh Singapore của Credit Suisse đã chi ra 500 triệu USD để sở hữu 16,26% cổ phần của VCM. Ước tính theo giá mua của nhóm GIC, VinCommerce sẽ được định giá hơn 3 tỷ USD.
Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Masan Consumer Holding ước tính theo thị giá cổ phiếu MCH trên thị trường thời điểm diễn ra thỏa thuận vào khoảng hơn 54.000 tỷ đồng (~ 2,3 tỷ USD).
Hai “ông lớn” ngành ngân hàng bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài
Đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát đi thông báo về việc phát hành riêng lẻ thành công 111,1 triệu cổ phiếu mới cho GIC Private Limited ("GIC") – Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd ("Mizuho") – một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản.
Trong khi, GIC mua 94,4 triệu cổ phần mới tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần thì Mizuho cũng mua thêm 16,6 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15,0% cổ phần tại ngân hàng có vốn hóa lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Thương vụ mang về cho Vietcombank khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD).
Khoản đầu tư của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37,1 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) và tạo nền tảng vốn cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo Chuẩn mực Basel II.
Sau đó khoảng 6 tháng, một “ông lớn” khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo về việc bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc.
Thương vụ vừa được hoàn tất trong tháng 11 vừa qua, theo đó KEB Hana đã chi khoảng 20.300 tỷ đồng (tương đương với khoảng 1.000 tỷ won) để sở hữu 603,3 triệu cổ phần và cam kết nắm giữ tối thiểu 5 năm đồng thời hỗ trợ BIDV không giới hạn trong 6 lĩnh vực quan trọng. Giao dịch này giúp BIDV trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam với 40.220 tỷ đồng.
Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư mạnh vào 2 doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm và logistic
Ngày 18/12 vừa qua, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life), đơn vị thành viên của Tập đoàn Sumitomo đến từ Nhật Bản đã chi hơn 4.000 tỷ đồng (~ 173 triệu USD) để mua thêm 41,4 triệu cổ phiếu theo đợt chào bán riêng lẻ của Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 17,48% lên 22,09% vốn điều lệ.
Sau giao dịch này, vốn điều lệ của Bảo Việt được nâng lên mức 7.423 tỷ đồng trong đó Sumitomo Life là cổ đông lớn thứ 2 sau Bộ Tài chính (68% vốn).
Sumitomo Life chính thức trở thành cổ đông của Bảo Việt từ năm 2012 sau khi chi 7.098 tỷ đồng (~ 340 triệu USD) mua 122,5 triệu cổ phiếu BVH từ HSBC Insurance Holdings Limited, cổ đông sáng lập của Bảo Việt. Thương vụ này được xem như tiêu điểm M&A trong ngành bảo hiểm.
Trong một diễn biến tương tự, trong khoảng thời gian từ 5/7 – 2/8/2019, Sumitomo đã thông qua công ty con là SSJ Consulting Việt Nam thực hiện mua vào gần 29,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 10% vốn của CTCP Gemadept (mã GMD) trong thời gian từ 5/7 – 2/8/2019.
Số cổ phần trên được SSJ Consulting từ cổ đông lớn nhất tại Gemadept là quỹ ngoại Vietnam Investment Fund II Limited. Sau giao dịch, SSJ Consulting trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Gemadept.
Đáng chú ý, thời điểm diễn ra giao dịch, SSJ Consulting Việt Nam chỉ mới thành lập khoảng 1 tháng với cơ cấu cổ đông bao gồm Sumitomo (51% vốn), Japan Overseas Infrastructure Investment (46% vốn) và Suzuyo (3% vốn).
Đây là lần đầu tiên Sumitomo đầu tư vào doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam với khoản tiền đầu tư ước tính vào khoảng 800 tỷ đồng theo thị giá cổ phiếu GMD trên thị trường tại thời điểm đó.
Chiến dịch thâu tóm thương hiệu Mộc Châu Milk của “gã khổng lồ” ngành sữa
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) bắt đầu chiến dịch thâu tóm thương hiệu Mộc Châu Milk từ tháng 3/2019 thông qua việc chào mua công khai gần 117 triệu cổ phiếu CTCP GTNfoods (mã GTN) với giá 13.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 49%.
Mặc dù HĐQT GTNFoods không đồng ý với đề nghị chào mua này nhưng với động thái “bật đèn xanh” của một loạt cổ đông lớn gồm Invest Tây Đại Dương, Đầu tư BBZ, Tae Two Partner Ltd, Penm IV Germany và Chứng khoán HSC, Vinamilk vẫn mua thành công hơn 90 triệu cổ phiếu GTN qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 38,54%.
Sau nhiều lần miệt mài mua vào, hiện Vinamilk đã nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods lên 43,17% vốn điều lệ. Không dừng lại ở đó, mới đây “gã khổng lồ” ngành sữa đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc mua thêm cổ phiếu GTN để đạt sở hữu đến 75% nhằm chi phối hoàn toàn doanh nghiệp này.
Trong một diễn biến đáng chú ý, cổ phiếu GTN xuất hiện một loạt giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 78,5 triệu đơn vị trong ngày 18/12 vừa qua. Giá thỏa thuận là 22.800 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Nhiều khả năng, Vinamilk chính là bên mua trong các giao dịch trên qua đó hoàn tất chiến dịch thâu tóm GTNFoods với tỷ lệ sở hữu lên đến 74,57%.
Được biết, ngoài sở hữu 74,5% vốn tại Vilico – đơn vị nắm 51% cổ phần tại Sữa Mộc Châu, GTNFoods còn nắm giữ đến 95% cổ phần tại Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea), hơn 38% CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (VDL) và gần 74% cổ phần Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC)...
Thanh Hà
Nguồn BizLive