Thị trường ô tô khó bứt tốc
Mặc cho các chương trình kích cầu ồ ạt từ các hãng, thị trường ô tô thời điểm cuối năm vẫn chưa bứt tốc.
Trái với dự báo của các chuyên gia, thị trường ô tô cuối năm vẫn ì ạch, mặc cho các chương trình kích cầu, khuyến mãi được các hãng liên tục tung ra để thu hút khách hàng. Hiện tại, các dòng xe bình dân và cả xe sang vẫn liên tục giảm giá bán và áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng.
Điển hình là thương hiệu BMW đến từ Đức. Hiện hãng xe này đã giảm giá từ 100-300 triệu đồng cho nhiều dòng xe khác nhau. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng, BMW được nhà phân phối Trường Hải (Thaco) mạnh tay giảm giá ở nhiều dòng xe. Động thái này được cho là để đón các bản mới như series 3, series 7 nâng cấp. Trong đó, series 3 giảm đến 300 triệu, về mức 1,319 tỷ đồng.
Các hãng xe đến từ Nhật Bản là Honda, Toyota, Nissan... cũng giảm giá mạnh. Trong đó, Toyota Fortuner - mẫu SUV 7 chỗ bán chạy nhất thị trường, giảm đến 150 triệu đồng trong tháng 11/2019. Nissan Terra - “tân binh” trong phân khúc này cũng giảm đến 100 triệu đồng hay mẫu xe Mitsubishi Pajero Sport giảm gần 95 triệu đồng...
Dù áp dụng nhiều chính sách kích cầu nhưng các chương trình của nhà sản xuất cũng chỉ giúp lượng ô tô tiêu thụ trong tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ ô tô đã giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 11/2019, các thành viên của VAMA chỉ bán được 29.846 xe, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng về xe lắp ráp trong nước, đến hết tháng 11/2019 đã giảm đến 13%.
Xét riêng về từng thương hiệu, Ford Việt Nam trong tháng 11 bán được 2.646 xe, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn tháng 10/2019 gần 500 xe. Mazda cũng chỉ bán được 2.414 chiếc, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 100 xe so với tháng trước...
Ngay cả với Toyota, thương hiệu có số lượng xe tiêu thụ lớn nhất nhì thị trường và có nhiều mẫu xe bán chạy nhất cả nước thời gian qua cũng sụt giảm doanh số. Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Trưởng ban Truyền thông và Trách nhiệm Xã hội Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, trong tháng 11/2019, công ty chỉ bán ra thị trường 6.612 xe, giảm đến 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê từ các doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 15-17% trong khi kỳ vọng hồi đầu năm của các hãng là 30%.
Toyota Vios - mẫu xe luôn đứng đầu lượng ô tô bán ra trên thị trường chỉ đạt 2.561 xe trong tháng 11. Những mẫu xe tiêu thụ mạnh khác của hãng như Fortuner, Innova... đều giảm mạnh so với năm trước. Trong đó, Fortuner giảm 21% so với cùng kỳ, Innova giảm 16%, Corolla giảm 24%. Tính chung, lượng xe sản xuất trong nước của Toyota Việt Nam giảm đến 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số ô tô những tháng cuối năm sụt giảm mạnh đến nỗi một đại lý phân phối ô tô lớn tại TP.HCM thốt lên: “Thị trường Tết năm nay quá chậm. Giá xe đã giảm mạnh nhưng có vẻ như càng giảm, khách hàng càng chần chừ chứ không mua ngay”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường không tăng trưởng như kỳ vọng. Trong đó, các hãng xe vì kỳ vọng lớn vào doanh số ô tô năm 2019 nên ngay từ đầu năm đã tăng cường sản xuất lắp ráp, đẩy mạnh nhập khẩu.
Cụ thể, TC Motor và Toyota Việt Nam liên tục tăng sản lượng gần 20% so với năm 2018. Mới đây, Thaco đã hoàn thành việc nâng cấp công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 xe/năm lên 50.000 xe/năm. Giữa tháng 6/2019, nhà máy ô tô VinFast công suất 38 xe/giờ của Tập đoàn Vingroup đi vào hoạt động.
Cùng với đó, lượng xe nhập khẩu, đặc biệt là xe nhập từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia đã tăng mạnh kể từ đầu năm và không ngừng tăng lên trong những tháng kế tiếp. Số liệu của VAMA cho thấy, xe nhập khẩu về Việt Nam 9 tháng đã tăng đến 150% so với cùng kỳ, đạt bình quân 12.000 xe/tháng.
Không chỉ thế, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm và tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe khiến nhiều người chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Những điều này đã góp phần khiến doanh số bán xe trong “mùa mua sắm cuối năm” không tăng trưởng như kỳ vọng. Số liệu thống kê từ các doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 15-17% trong khi kỳ vọng hồi đầu năm của các hãng là 30%.
Theo dự báo của các chuyên gia, nguồn cung xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Vào đầu năm 2020, nhà máy sản xuất ô tô mới công suất 100.000 xe/năm của TC Motor sẽ đi vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, Ford Việt Nam mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay.
Trong khi đó, VinFast đang tăng công suất và sẽ cho ra thị trường một số sản phẩm mới trong đầu năm 2020. Đó là chưa kể các quy định như kiểm tra xe theo lô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sẽ được dỡ bỏ trong năm 2020. Như vậy, lượng xe nhập khẩu sẽ còn tiếp tục tăng và còn gây áp lực lên xe lắp ráp.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn