CEO Boeing ra đi giữa cao trào khủng hoảng

CEO Boeing ra đi giữa cao trào khủng hoảng

Hôm 23-12, Boeing ra quyết định sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Dennis Muilenburg giữa lúc cuộc khủng hoảng máy bay 737 Max lên cao trào.

Boeing cho biết ông David Calhoun, người được bổ nhiệm vào ghế chủ tịch Boeing hồi tháng 10 sẽ tiếp quản ghế CEO bắt đầu từ ngày 13-1 tới. Trong thời gian chuyển tiếp, Greg Smith, Giám đốc tài chính Boeing, sẽ tạm thời đảm nhận vai trò CEO.

Thông báo của Hội đồng quản trị Boeing nhấn mạnh: “Thay đổi ghế lãnh đạo là điều cần thiết để khôi phục niềm tin ở Boeing khi công ty đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ với các cơ quan quản lý, khách hàng và tất cả các bên liên quan khác”.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Boeing tuyên bố bắt đầu từ tháng 1-2020 sẽ tạm dừng sản xuất dòng máy bay 737 Max. Hãng này đặt mục tiêu thuyết phục Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép bay trở lại cho dòng máy bay này vào cuối năm nay nhưng bất thành.

Danh tiếng và tình hình tài chính của Boeing bị ảnh hưởng nặng nề sau hai vụ tai nạn máy bay 737 Max ở Indonesia và Ethiopia lần lượt vào tháng 10 năm ngoái và tháng 3 năm nay, làm 346 người chết khiến dòng máy bay này bị cấm bay trên toàn cầu.

CEO Boeing ra đi giữa cao trào khủng hoảng

Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành (CEO) Boeing, tại phiên điều trần trước Ủy ban Giao thông Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng 10. Ảnh: Getty

Bộ Tư pháp Mỹ đang mở cuộc điều tra hình sự về thiết kế của 737 Max cũng như quy trình cấp giấy chứng nhận cho máy bay 737 Max của FAA.

Ông David Calhoun, 62 tuổi, trước khi gia nhập Boeing, từng trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau ở Công ty quản lý tài sản Blackstone, Tập đoàn General Electric và Công ty GE Infrastructure. Giờ đây, ông phải gánh vác một nhiệm vụ nặng nề: đưa Boeing thoát khỏi một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử 103 năm của hãng.

Trong thông điệp phát đi sau khi được bổ nhiệm vào ghế CEO của Boeing, ông nói: "Tôi tin tưởng mãnh liệt vào tương lai của Boeing và 737 Max. Tôi vinh hạnh khi được dẫn dắt công ty vĩ đại này và 150.000 nhân viên tận tụy đang làm việc cật lực để xây dựng tương lai của hàng không”.

Trong khi đó, sự ra đi của Muilenburg đánh dấu một cú ngã từ đỉnh cao trong nấc thang sự nghiệp của ông tại Boeing. Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Iowa với tấm bằng cử nhân kỹ thuật hàng không, Muilenburg gia nhập Boeing với tư cách là thực tập sinh vào năm 1985. Trong hơn 30 năm qua, kỹ sư hàng không này đã thăng tiến nhanh chóng, leo lên nắm giữ các chức vụ lãnh đạo ở bộ phận kinh doanh các hệ thống quốc phòng của Boeing.

Ông tiếp quản ghế CEO của Boeing vào giữa năm 2015 khi ngành công nghiệp hành không chứng kiến cơn bùng nổ doanh số máy bay lớn nhất trong lịch sử nhờ lãi suất thấp, nguồn tài chính cho vay dồi dào và sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt là ở châu Á.

Vài tháng sau khi Muilenburg lên nắm quyền lãnh đạo, dòng máy bay thân rộng 787 Dreamliner của Boeing bắt đầu gặt hái lợi nhuận sau một thập kỷ thua lỗ. 787 Dreamliner cùng với “con bò sữa” 737 đã tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ, giúp Boeing trả cổ tức hậu hĩnh cho các nhà đầu tư.

CEO Boeing ra đi giữa cao trào khủng hoảng

Máy bay Boeing 787-10 Dreamliner.

Muilenburg đã thổi vào Boeing bầu không khí làm việc quyết liệt và không chấp nhận biện hộ. “Cạnh tranh để chiến thắng” trở thành kim chỉ nam hành động của Boeing. Muilenburg yêu cầu các nhà cung cấp chiết khấu sâu đồng thời mở ra các mảng kinh doanh mới từ linh kiện điện tử trong buồng lái máy bay cho đến động cơ phản lực mini để thâu tóm doanh thu từ các đối tác.

Những nỗ lực này đã đưa Boeing trở thành công ty sản xuất công nghiệp có giá trị nhất nước Mỹ với mức vốn hóa thị trường hơn 200 tỉ đô la Mỹ, vượt qua Tâp đoàn General Electric vốn đang trong thời kỳ sa sút.

Dưới thời kỳ lãnh đạo của Muilenburg, tính đến đầu năm 2019, giá cổ phiếu Boeing đã tăng hơn gấp ba lần. Năm 2018, Boeing cán mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử với 101 tỉ đô la.

Dù phần lớn thiết kế của máy bay 737 Max được hình thành trước khi Muilenburg ngồi vào ghế CEO của hãng, ông vẫn chịu trách nhiệm lớn vì phản ứng chậm trễ sau vụ rơi máy bay 737 Max thứ hai ở Ethiopia hồi tháng 3 năm nay khiến công luận và báo chí phẫn nộ.

Boeing cũng khiến ban lãnh đạo của hãng hàng không Lion Air (Indonesia), chủ sở hữu chiếc máy bay 737 Max rơi ở biển Java hồi tháng 10, giận dữ khi cố nhấn mạnh đến các thiếu sót về bảo dưỡng của chiếc máy bay gặp nạn.

CEO Boeing ra đi giữa cao trào khủng hoảng

Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới bắt đầu cấm bay dòng máy bay 737 Max chỉ vài giờ sau khi chiếc 737 Max thứ hai rơi ở Ethiopia.

Sau đó, Boeing gây sốc cho giới phi công trên khắp thế giới tiết lộ rằng sai sót dữ liệu cảm biến của hệ thống kiểm soát bay phụ có tên gọi MCAS (hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay) góp phần gây ra hai vụ rơi máy bay 737 Max. Tuy nhiên, Boeing không đề cập đến MCAS trong các cẩm nang dành cho phi hành đoàn.

Các phi công của Lion Air không biết gì về hệ thống này dù nó được xem là nguyên nhân khiến máy bay 737 Max trong vụ tai nạn ở Indonesia chúi mũi xuống hơn 20 lần trước khi bị mất kiểm soát hoàn toàn.

Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới bắt đầu cấm bay dòng máy bay 737 Max chỉ vài giờ sau khi chiếc 737 Max thứ hai rơi ở Ethiopia. Song các lãnh đạo của Boeing và FAA vẫn bảo vệ tính an toàn của dòng máy bay này và đề nghị điều tra thêm trước khi ra bất kỳ quyết định nào.

Thậm chí ông Muilenburg còn gửi một thông điệp đến các nhân viên, khẳng định ông tin tưởng về độ an toàn của dòng máy bay 737 Max. Tuy nhiên giọng điệu của ông thay đổi hẳn sau đó vài tháng.

“Chúng tôi phải rút ra bài học từ hai vụ tai nạn này. Chúng tôi khiêm tốn, học hỏi nhưng chúng tôi cũng tự tin. Chúng tôi biết chúng tôi là một công ty vĩ đại với những con người tuyệt vời”, Muilenburg nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, các vấn đề của Boeing lan rộng và các cơ quan quản lý quyết định mở rộng phạm vi điều tra vượt ra khỏi hệ thống MCAS. Có một thông tin tiết lộ rằng, đáng lẽ ra đèn trong buồng lái của máy bay 737 Max có thể cảnh báo phi hành đoàn nếu dữ liệu cảm biến của MCAS gặp sai sót. Nhưng đèn báo này không hoạt động ở hầu hết máy bay 737 Max chỉ vì lỗi lập trình.

Dù nắm rõ vấn đề này hơn một năm, Boeing vẫn không thông báo với FAA và các hãng hàng không cho đến sau khi vụ rơi máy bay 737 Max của hãng hàng không Lion Air xảy ra.

Chánh Tài
Nguồn The Saigon Times