Nguy cơ phán quyết trọng tài thương mại bị hủy

Nguy cơ phán quyết trọng tài thương mại bị hủy

Trong những năm gần đây, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn.

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong năm 2018, trung tâm này đã giải quyết 180 vụ tranh chấp giữa các bên là các doanh nghiệp có trụ sở tại 53/63 tỉnh thành tại Việt Nam và đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tổng giá trị tranh chấp được giải quyết lên đến 9.400 tỉ đồng.

Sở dĩ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ngày càng được doanh nghiệp lựa chọn là vì những ưu điểm như: tính bảo mật trong giải quyết tranh chấp, thủ tục nhanh gọn, phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, các bên được chọn trọng tài viên, địa điểm phân xử, phán quyết trọng tài là chung thẩm...

Nguy cơ phán quyết trọng tài thương mại bị hủy

Tuy vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một nguy cơ là phán quyết trọng tài bị hủy. Mặc dù số lượng phán quyết trọng tài bị hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số được thi hành, nhưng nguy cơ phán quyết trọng tài bị hủy vẫn là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này.

Mới đây, ngày 14-11-2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 24/14 giữa Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) với nhà thầu Trung Quốc. Mặc dù nguyên đơn đã thắng kiện tại trọng tài với giá trị khoảng 2.163 tỉ đồng nhưng khi phán quyết trọng tài bị hủy thì vụ tranh chấp phải giải quyết lại từ đầu, vụ tranh chấp đương nhiên sẽ bị kéo dài và chưa có hồi kết.

Theo các quyết định của tòa án được công bố trên Cổng thông tin của Tòa án Nhân dân tối cao, trong khoảng 2018-2019, không ít phán quyết trọng tài đã bị hủy.

Các phán quyết trọng tài bị hủy với nhiều lý do khác nhau, như không tồn tại thỏa thuận trọng tài có hiệu lực giữa các bên; “Hội đồng trọng tài đã không công bằng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp”, “vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” (vi phạm nguyên tắc bình đẳng)… Từ những nguyên nhân này cũng cho thấy có thể đã có sai sót, sự chủ quan của hội đồng trọng tài trong giải quyết tranh chấp.

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn có những hạn chế của nó và phán quyết trọng tài vẫn có nguy cơ bị hủy bởi tòa án.

Theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010, một phán quyết trọng tài có nguy cơ bị hủy nếu thuộc trường hợp: không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại; vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; chứng cứ do các bên cung cấp mà hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Mặc dù quyết định hủy phán quyết trọng tài của tòa án chưa hẳn đã hợp tình, hợp lý trong mọi trường hợp nhưng đó vẫn là “quyết định cuối cùng” và là nguy cơ không thể tránh khỏi khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bên cạnh những trường hợp có lý do chính đáng để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì không ít trường hợp bên thua kiện tại trọng tài vẫn thường viện dẫn các lý do khác nhau để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nhằm trì hoãn việc thi hành phán quyết trọng tài.

Để hạn chế tình trạng phán quyết trọng tài bị hủy, ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng hoặc trước khi bắt đầu khởi kiện tại trọng tài, các bên cần xác lập một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, cần lựa chọn trọng tài viên có đủ năng lực để giải quyết tranh chấp, tránh trường hợp do có sai sót từ trọng tài viên mà phán quyết trọng tài bị hủy; cần tìm hiểu quy định của Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp (trọng tài quy chế).

Trong trường hợp cần thiết, các bên tranh chấp cần tham vấn ý kiến của chuyên gia ngay từ đầu khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này, kể từ khi ký kết hợp đồng cho đến khi chính thức tham gia tố tụng trọng tài.

Cũng như bất kỳ một phương thức giải quyết tranh chấp nào khác, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn có những hạn chế của nó và phán quyết trọng tài vẫn có nguy cơ bị hủy bởi tòa án. Dù vậy, với những ưu điểm mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại, đây vẫn là một phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn.

LS. Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers
Nguồn The Saigon Times