Công cụ thanh toán "tiến hóa" dưới áp lực cạnh tranh
Ví điện tử không còn đơn thuần thanh toán các hóa đơn dịch vụ công cơ bản như những ngày đầu mới ra đời. Hiện nay, với việc có mặt ở khắp các hoạt động tiêu dùng của người dân, ví điện tử đã “tiến hóa” đến một tầng nấc mới với nhiều giá trị gia tăng hơn cho người sử dụng.
Chưa hoàn toàn là một cuộc cách mạng nhưng việc bùng nổ ví điện tử đã khiến cho việc sử dụng tiền mặt đang ngày một “lạc hậu” với giới trẻ hiện nay. Chỉ trong vài giây, qua vài cú nhấp, chạm, các hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ, thanh toán dịch vụ công đã được hoàn tất. Người dùng có thể biết được tháng này mình đã sử dụng bao nhiêu và cho những việc gì. Việc quản lý tài chính cá nhân chưa bao giờ đơn giản như vậy.
Tiền mặt bị “đẩy lùi”
Hiện nay việc người nào đó rời khỏi nhà quên mang theo tiền mặt, thẻ ATM… không còn là “thảm họa” như vài năm trước. Chỉ cần họ không quên điện thoại thông minh thì hầu hết các giao dịch thanh toán đều có thể được giải quyết. Không chỉ các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hỗ trợ thanh toán bằng ví điện tử mà ngay cả những địa điểm không ngờ đến như quán ăn, café lề đường, máy bán hàng tự động, bãi giữ xe… cũng đã “nâng cấp” hệ thống thanh toán.
Mới đây, khi chờ đón con tan học, chị Quỳnh Trang (Bình Thạnh) có ghé một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm uống nước. Thật bất ngờ khi quán nước có vẻn vẹn 2 bàn trong một kiot nhỏ lại xuất hiện đầy đủ các phương thức thanh toán qua ví điện tử như Moca, Momo, Zalopay… Đáng nói hơn khi chưa kịp hỏi thì nhân viên thu ngân đã chủ động gợi ý khách hàng thanh toán bằng phương thức này.
Không chỉ quán cà phê lề đường, ngay cả những hàng ăn bình dân, quán ốc… trong những khu dân cư nội bộ cũng đã bắt đầu “bày biện” các bảng QR code. Một quán bún nằm trong hẻm ở đường Đào Duy Anh (Phú Nhuận) chỉ phục vụ ăn sáng cho cư dân loanh quanh khu vực này cũng đã bổ sung thanh toán thêm ví Moca để phục vụ khách hàng. Theo chủ quán, việc lựa chọn thanh toán bằng Moca là do được một bạn sinh viên làm tài xế GrabBike thuê trọ trong nhà giới thiệu. Bởi lẽ bây giờ việc di chuyển bằng GrabBike nhiều nên sử dụng ví này tương đối tiện lợi.
“Ban đầu thì tôi không thích lắm vì mình lớn tuổi, quán lại buôn bán nhỏ nên thu tiền mặt vẫn dễ dàng hơn. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng tôi thấy việc thanh toán đúng là thuận tiện hơn hẳn, mình không mất nhiều thời gian thu tiền và thối tiền. Từ ngày dùng Moca thì ngoài khách nội khu đến ăn mà nhân viên văn phòng gần đây cũng ghé quán. Họ muốn thanh toán bằng ví điện tử vì được hoàn tiền…”, bà Quyên, chủ quán cho hay.
Người dùng là trung tâm của chuỗi giá trị
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Hiện nay, trên cả nước có hơn 30 đơn vị được cấp giấy phép thành lập ví điện tử, số điểm chấp nhận thanh toán qua ví đạt gần 100.000 điểm và con số này đang không ngừng tăng cao trong thời gian tới. Bởi đây là một loại tài khoản được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ liên kết với các ngân hàng nên người dùng có thể an tâm về độ bảo mật và người bán cũng tin tưởng hơn khi chắc chắn nhận được tiền ngay sau khi giao dịch thành công.
Không chỉ các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hỗ trợ thanh toán bằng ví điện tử mà ngay cả những địa điểm không ngờ đến như quán ăn, café lề đường, máy bán hàng tự động, bãi giữ xe… cũng đã “nâng cấp” hệ thống thanh toán.
Nhận định về sự bùng nổ của ví điện tử, nhiều chuyên gia cho rằng, dù đã có nhiều đơn vị triển khai trước đó nhưng mãi đến nay thị trường mới có sự tổng hòa của 3 yếu tố: công nghệ thay đổi, ngành TMĐT phát triển và thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt trong những năm gần đây, khi thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu mua sắm, du lịch cũng ngày càng phát triển, việc thanh toán sẽ ngày càng đòi hỏi tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Hơn hết đó là giá trị gia tăng của việc sử dụng ví điện tử đang trở thành điểm hấp dẫn khi cơ chế phát triển thanh toán trung gian vẫn lấy khách hàng làm trung tâm của chuỗi giá trị.
Ngoài những tính năng đã biết như trả phí dịch vụ, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến…, người dùng ví điện tử còn được hưởng lợi từ những tiện ích và các chương trình kèm theo, chủ yếu là đánh vào khuyến mãi và giảm giá.
Sự phát triển của ví điện tử ngày càng mạnh, hơn nữa giao diện cũng được tối giản hóa, thân thiện với người dùng, thanh toán nhanh chóng cùng rất nhiều tính năng mà một tài khoản ngân hàng bình thường không hỗ trợ. Chắc chắn điều này sẽ đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Đây là điều mà các nhà phát triển hướng đến để kiện toàn các tiện ích của thanh toán điện tử xoay quanh trục là nhu cầu và sự tiện lợi của người dùng.
Dũng Trần
Nguồn The Saigon Times