Chỉ 1,5% doanh nghiệp nghiên cứu sâu về hiệp định EVFTA
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có sự nghiên cứu sâu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chỉ chiếm 1,55% số lượng doanh nghiệp tham gia một cuộc khảo sát gần đây; đa phần các doanh nghiệp chỉ mới nghe qua nhưng chưa tìm hiểu gì hoặc thậm chí chưa có thời gian lướt qua văn bản (chiếm 65,29%).
Các số liệu nói trên được nêu ra tại diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM năm 2019 với chủ đề về nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) diễn ra ngày 19-12 tại TPHCM.
Nhận định về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA được ký kết, ông Vũ Xuân Phong, Nguyên phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã mở ra một kỷ nguyên mới cho việc hợp tác toàn diện hơn giữa Việt Nam và EU trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa có sự tìm hiểu sâu sát với hiệp định thương mại tự do này.
Theo số liệu từ Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018, tỷ lệ doanh nghiệp có nghiên cứu sâu về Hiệp định EVFTA chỉ chiến 1,55%, đa phần các doanh nghiệp chỉ mới nghe qua nhưng chưa tìm hiểu gì hoặc thậm chí chưa có thời gian lướt qua văn bản (chiếm 65,29%).
“Đây là một tín hiệu đáng lo ngại nếu chúng ta mong muốn tận dụng tối đa và có hiệu quả hiệp định này trong thời gian tới đây. Như vậy, để hội nhập thật hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị hành trang thật kỹ về năng lực và chú ý đến những vấn đề mang tính rủi ro” ông Phong nói tại diễn đàn.
Thông tin về cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (số liệu năm 2018). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang có xu hướng suy giảm vì trong 11 tháng của năm 2019 xuất khẩu đạt 38,38 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,26% so với cùng kỳ 2018.
Khi EVFTA được ký kết, cơ hội cho hàng Việt Nam xuất sang EU gồm nông sản, các sản phẩm công nghiệp như da giày, dệt may, máy vi tính, sản phẩm nhựa; hàng thủy sản.
Tuy nhiên, bà Hiền lưu ý các doanh nghiệp rằng, EU đưa ra các tiêu chí rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Phía EU cũng đặt các tiêu chuẩn an toàn rất cao thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, dán nhãn, nhãn sinh thái đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường EU.
Bà Hiền khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU. Để xuất khẩu được hàng vào EU thì doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng thương hiệu.
Đối với các nhà sản xuất Việt Nam, bà Hiền cho rằng cần tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua việc phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến hiện đại hơn. Doanh nghiệp cần tăng cường khả năng tự bảo vệ bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu quá trình sản xuất để đưa ra giá cả cạnh tranh.
Ở góc độ pháp lý, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, đối chiếu với quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có thể thấy, trọng tài thương mại đang là phương thức được khuyến khích áp dụng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Chính phủ và nhà đầu tư hay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong quá trình giao thương.
Nhờ vào quy trình thủ tục có yếu tố hội nhập cao, đơn giản và nhanh chóng, trọng tài thương mại đã và đang trở thành xu thế hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi gặp phải những khó khăn, mâu thuẫn trong ký kết hợp đồng; đảm bảo việc tiếp cận thị trường EU an toàn và hiệu quả hơn.
Về phía các doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có sự chuẩn bị tất cả các điều kiện theo yêu cầu của EU để được cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường...
Ông Hòe cho biết, tháng 6-2019 khi hiệp định được ký kết, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản ở mức 2 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng do thực thi chậm mục tiêu này không đạt được, năm 2020 hiệp hội vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đạt 2 tỉ đô la Mỹ chiếm 20 % tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản.
Lê Anh
Nguồn The Saigon Times