Giải bài toán nâng cao sức cạnh tranh của ngành "công nghiệp không khói"
Mặc dù liên tục tăng trưởng, xếp hạng về năng lực cạnh tranh đã tăng 4 bậc năm 2019, tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn bị đánh giá thiếu bền vững, sức cạnh tranh thấp bởi các chỉ số môi trường, hạ tầng.
Theo bà Trần Bảo Trân, Giám đốc khu vực châu Á Diễn đàn du lịch toàn cầu, xu hướng hiện nay, khách ưu tiên chọn chuyến đi tuân thủ các vấn đề môi trường thông qua chương trình tour. Trong đó, họ quan tâm đến các cơ sở lưu trú thực hiện tiêu chí Go Green, các khu du lịch vui chơi giải trí có hành động bảo vệ môi trường sinh thái.
Điều đáng nói, hiện nay chỉ số môi trường bền vững của du lịch Việt Nam bị đánh giá thấp nhất (121/140), dù đã được nâng hạng so với năm 2017.
"Cần thiết nhất là tuân thủ về các giá trị môi trường bền vững để làm nền tảng. Nhằm cải thiện tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường trong quá trình khai thác và vận hành, Chính phủ cần có chương trình hành động và truyền thông cụ thể từ chính sách của quốc gia về môi trường trong du lịch", Giám đốc khu vực châu Á Diễn đàn du lịch toàn cầu nhấn mạnh.
Thực tế ghi nhận, dù liên tục đạt được những thành tựu quan trọng và là một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp trực tiếp vào GDP của cả nước ước đạt 8,39% năm 2018. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt năm 2019 đã tăng 4 bậc, từ vị trí 67/136 năm 2017 lên 63/140 năm 2019. Đáng chú ý, tốc độ bứt phá của Việt Nam tăng 15 bậc, chỉ số yêu cầu visa tăng 63 bậc và khả năng cạnh tranh về giá tăng 13 bậc. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là tăng trưởng chưa bền vững.
Cụ thể, không chỉ với chỉ số môi trường vừa kể trên, một số chỉ số như mức độ ưu tiên trong lĩnh vực du lịch, hạ tầng dịch vụ du lịch…của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp, thiếu tính cạnh tranh theo báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch - lữ hành của WEF 2019.
Do đó, để cải thiện chỉ số cạnh tranh ở những nhóm có mức thấp kể trên, đại diện của Diễn đàn du lịch toàn cầu cho rằng, phải phối hợp nguồn tài chính từ các ngành có liên quan đến du lịch như môi trường, giáo dục, giao thông, công nghệ... Mỗi chương trình hành động sau đó đều phải được đánh giá tính hiệu quả tương ứng với tiêu chí của các tổ chức du lịch toàn cầu để chọn lọc lại, sao cho phù hợp.
Với chỉ số về hạ tầng dịch vụ du lịch, từng địa phương cần phân tích rõ thị trường để thu hút đầu tư cơ sở lưu trú theo xu hướng du lịch hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Việt Nam cần tập trung triển khai các giải pháp như cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ, nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, cải thiện năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa.
Đồng thời, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin để thúc đẩy các hoạt động du lịch.
Trong khi đó, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) lại nhấn mạnh tới yêu cầu cải thiện năng lực cạnh tranh giữa các điểm đến ở Việt Nam.
Theo đó, cần thành lập Tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần,xây dựng quy hoạch du lịch điểm đến. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá và xúc tiến và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.
“Từ đó, điểm đến là nơi người dân cộng đồng sinh sống và khách du lịch tham quan. Khi điểm đến làm tăng sự hài lòng của khách du lịch, thu hút khách chi tiêu cao hơn và ở lâu hơn, khách quay trở lại nhiều hơn, khi đó du lịch Việt Nam sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.
Thy Hằng
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp