Uniqlo sử dụng robot để tự động hóa công việc ở nhà kho

Uniqlo sử dụng robot để tự động hóa công việc ở nhà kho

Hãng thời trang nhanh Uniqlo (Nhật Bản) đang thúc đẩy hợp tác với các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực robot để tự động hóa các tác vụ cuối cùng tại các nhà kho của hãng này.

Hôm 13-11, Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, cho biết công ty đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn cầu với hai startup phát triển robot Mujin (Nhật Bản) và Exotec Solutions (Pháp). Theo ông Tadashi Yanai, Giám đốc điều hành Fast Retailing, cho biết với các thỏa thuận này, Fast Retailing nhắm đến mục tiêu tự động hóa hoàn toàn các công việc ở hệ thống nhà kho của Uniqlo trong vòng 3- 5 năm tới.

Đây là bước đi mới nhất trong dự án cải tổ chuỗi cung ứng với số vốn đầu tư 100 tỉ yên (917 triệu đô la Mỹ) được Fast Retailing thông báo năm ngoái.

Hiện nay, Uniqlo đã có bước tiến dài hướng đến mục tiêu đó. Hồi tháng 10-2018, Uniqlo tuyên bố hợp tác với công ty sản xuất thiết bị xử lý vật liệu Daifuku để giúp tự động hóa các công việc ở nhà kho khổng lồ của Uniqlo ở quận Ariake, Tokyo. Kể từ đó, số lao động làm việc ở nhà kho này giảm đến 90%. Thêm vào đó, nhờ vận hàng bằng robot, nhà kho này có thể hoạt động 24 giờ mỗi ngày.

Hệ thống robot của Daifuku được thiết kế để vận chuyển các sản phẩm áo quần được các xe tải chở đến nhà kho của Uniqlo. Hệ thống này sẽ đọc các nhãn gắn ở các sản phẩm để xác nhận số lưu kho và các thông tin khác. Sau đó, hệ thống sẽ gói các sản phẩm và đặt chúng vào thùng carton và đưa lên trên một băng chuyền chạy đến nơi lưu trữ.

Uniqlo sử dụng robot để tự động hóa công việc ở nhà kho

Nhà kho của Uniqlo ở quận Ariake, Tokyo, được vận hành chủ yếu bằng hệ thống robot. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuy nhiên, vẫn còn một vài công đoạn ở nhà kho Ariake cần bàn tay của con người, đó là chọn lựa và đóng gói các sản phẩm áo quần để giao cho các cửa hàng và khách hàng.

Ông Issei Takino, Giám đốc điều hành Mujin, cho biết để tự động hóa công đoạn này, công ty Mujin sẽ cung cấp các robot điều khiển được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có khả năng “tự suy nghĩ và di chuyển”.

Trong khi đó, đối tác thứ 2 là công ty Exotec Solutions, được thành lập vào năm 2015, đang sản xuất các robot nhỏ có thể trèo cao 10 mét và lấy các sản phẩm từ các giá đỡ. Exotec Solutions đã bán robot này cho nhiều công ty bán lẻ và thương mại điện tử của Pháp bao gồm Carrefour và Cdiscount. Exotec Solutions đặt mục tiêu nâng gấp đôi công suất sản xuất robot lên 1.000 đơn vị vào năm sau.

Fast Retailing là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Inditex (Tây Ban Nha) là công ty mẹ của Zara. Fast Retailing sản xuất 1,3 tỉ sản phẩm áo quần mỗi năm và bán chúng ở 3.500 cửa hàng ở 26 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Nổi tiếng nhờ các dòng sản phẩm thời trang giá vừa túi tiền, thương hiệu Uniqlo của Fast Retailing vẫn phát triển ổn định bất chấp sức tiêu dùng yếu ớt kéo dài ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua.

Gần đây, Uniqlo đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Thương hiệu này là một trong 15 thương hiệu đạt doanh số hơn 1 tỉ nhân dân tệ (143 triệu đô la) trong ngày hội mua sắm giảm giá lễ Độc thân do Alibaba tổ chức vào ngày 11-11 vừa qua.

Tuy nhiên, Uniqlo đang vấp phải những vấn đề về tính hiệu quả bao gồm hàng tồn kho thừa mứa một phần là do thời gian giao hàng lâu cũng như nhiều sản phẩm bị ế. Do đó, các hệ thống robot của Mujin và Exotec Solutions hứa hẹn giúp Uniqlo đẩy nhanh thời gian giao hàng, giúp giảm chi phí lưu kho.

Việc xây dựng một chuỗi cung ứng linh động và có khả năng thích ứng nhanh trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với Fast Retailing khi công ty này tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh và nỗ lực đáp ứng nhu cầu đang tăng lên từ nhiều thị trường.

Lê Linh
Nguồn The Saigon Times