TPHCM: hơn 19.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết
Sở Công Thương TPHCM vừa ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn thành phố.
Tăng hơn 602 tỉ đồng so với Tết năm ngoái
Theo kế hoạch, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027,3 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019 (18.424,8 tỉ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỉ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (từ 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.224,5 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỉ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6-17,3% so kế hoạch thành phố giao và tăng 21-28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20-53,2% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...
Tổng nguồn vốn các ngân hàng tham gia chương trình đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện bình ổn thị trường là 19.650 tỉ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9%-10%/năm).
Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ ba nguồn chính là: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chiếm 30-40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60-70% thị phần và các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.
Theo Sở Công thương TPHCM, năm nay thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 là 79 doanh nghiệp. Gồm 38 doanh nghiệp tham gia chương trình lương thực, thực phẩm, 11 doanh nghiệp mùa khai giảng, 4 doanh nghiệp sữa, 14 doanh nghiệp dược, 12 tổ chức tín dụng.
Chương trình bình ổn thị trường cũng như Tết năm nay ngoài đơn vị chủ lực về phân phối, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thì có một số đơn vị lần đầu tham gia như C.P. Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Bình Minh (thịt gia cầm), Anh Hoàng Thy (thịt gia súc), Vinamit (rau củ quả tươi, trái cây sấy)…
Sức tiêu thụ dự báo tăng
Theo Sở Công Thương TPHCM, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tết tại TPHCM sẽ tăng.
Cụ thể, các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường.
Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 19.000 tấn.
Đối với mặt hàng hoa, dự kiến thị trường tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó 4 chợ chuyên doanh hoa lớn (chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 02 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức) cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Về giá cả các mặt hàng dịp Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết. Ngoài ra các doanh nghiệp thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Trong tháng cận Tết các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại đối với nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Các hệ thống phân phối Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5-49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Hiện nay các doanh nghiệp đã và đang trong giai đoạn chuẩn bị, hoàn tất quá trình sản xuất lượng hàng hóa chuẩn bị cho Tết.
Theo số liệu từ Sở Công Thương TPHCM Hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TPHCM đến nay có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.657 cửa hàng tiện lợi. Về mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, tính đến nay tổng số điểm bán là 10.983 điểm bán.
Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công Thương TPHCM vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể:
- Từ ngày 20 - 27/12 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 7h đến 23h đêm.
- Từ ngày 28 – 29/12 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm.
- Ngày 30 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa.
- Khai trương năm mới: 8 giờ sáng mồng 2 Tết Nguyên đán.
- Từ mùng 2 – mùng 5 Tết Nguyên đán: mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
- Mùng 6 Tết Nguyên đán: hoạt động kinh doanh bình thường.
Vũ Yến
Nguồn The Saigon Times