Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Điện thoại thương hiệu nội địa chỉ chiếm hơn 1% số sản phẩm đã bán ra tại Việt Nam trong quý vừa qua. "Nút nghẽn cổ chai" của các thương hiệu smartphone Việt đang nằm ở đâu, dù thị trường không hề thiếu vắng những doanh nghiệp trong nước?

Những chiếc điện thoại Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) mang ý nghĩa kinh tế nhất định. Tuy nhiên quốc gia phụ thuộc vào việc gia công trong suốt 30 năm nay đang tiến lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị hàng điện tử.

Các trường công đang tăng cường cho học sinh theo học các môn khoa học. Samsung đã đầu tư 17,3 tỉ USD vào các nhà máy tại Việt Nam, và những cử nhân làm việc cho các công ty công nghệ nước ngoài như vậy sẽ ngày một tường tận hơn về quy trình sản xuất điện thoại thông minh.

Các công ty Việt Nam đã cho ra mắt một loạt các dòng điện thoại tự sản xuất, hầu hết trong số đó là các mẫu sử dụng hệ điều hành Android giá rẻ. QPhone và BPhone là những tên tuổi tiên phong, tiếp theo đó là Vsmart của Vingroup với giá bán khoảng 100 USD.

Vấn đề ở đây là hầu hết người Việt không mua điện thoại Made in Vietnam, vì cùng số tiền đó, họ có thể mua được sản phẩm của những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng hơn.

Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Samsung đang nắm giữ 42,8% thị phần smartphone Việt, theo sau đó là Oppo (23,2%) và Xiaomi (6,5%). Ảnh: 2016 Bloomberg Finance.

Các thương hiệu nước ngoài có vị thế cao hơn tên tuổi nội địa, Maxfield Brown, cộng sự cấp cao của công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira nhận định. "Xu hướng mua hàng điện tử của người tiêu dùng Việt Nam hiện tại là các sản phẩm quốc tế, và tôi dự đoán khi mức chi tăng, điều này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra," ông nói. Mức lương của người Việt tuy tăng nhưng hiện vẫn đang ở mức thấp, khoảng 171 USD/tháng.

Bkav là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên sản xuất điện thoại thông minh năm 2017. Mẫu Bphone và Bphone 2 không nhận được đánh giá tích cực. Các sản phẩm này bán được tổng cộng khoảng 12.000 chiếc. Bản thân CEO Nguyễn Tử Quảng thừa nhận thua lỗ, nhưng vẫn giữ tầm nhìn công ty trở thành "Apple hay Samsung của Việt Nam".

Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Bkav là công ty công nghệ Việt Nam đầu tiên sản xuất điện thoại thông minh.

Trong khi đó chiếc Bphone 3 có giá 314 USD ra mắt vào năm ngoái nhận được lời khen của các chuyên gia về tốc độ xử lý và khả năng chống nước, VietNamNet Bridge cho biết.

Tuy nhiên những cửa hàng tọa lạc tại trung tâm TP.HCM lại không hề trưng bày mẫu Bphone nào vào đầu tháng 11.2019. Các cửa hàng này cũng không biết người mua có thể mua sản phẩm ở đâu. Các thương hiệu nước ngoài như Oppo, Samsung hay Sony lại chiếm ưu thế trong những cửa hàng điện tử tại trung tâm thành phố.

Điện thoại thương hiệu nội địa chỉ chiếm hơn 1% số lượng sản phẩm đã bán ra tại Việt Nam trong quý vừa qua, Thanh Võ, chuyên gia thị trường cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC cho biết. Con số từng đạt tới 5% trong 15 tháng trước. Trong khi đó Samsung đang nắm giữ 42,8% thị phần smartphone Việt, theo sau đó là Oppo (23,2%) và Xiaomi (6,5%), theo chuyên gia của IDC.

Vingroup đang hướng tới mục tiêu đảo lộn những con số trên. Từ năm 2017, công ty đã bán được khoảng 300.000 chiếc điện thoại Vsmart tại 5.200 cửa hàng. Nhà máy hiện tại có thể sản xuất 25 triệu sản phẩm mỗi năm và Vingroup cũng đang cho xây dựng nhà máy mới để có thể tăng con số lên 100 triệu, phòng quan hệ nhà đầu tư của Vingroup cho biết trong báo cáo và tuyên bố một số điện thoại có thể đem bán cho thị trường nước ngoài.

Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Tháng 7.2019, Vsmart đã ký hợp đồng với BQ của Tây Ban Nha để bán 4 mẫu điện thoại của mình vào tháng 12 năm nay.

Tháng 7.2019, Vsmart đã ký hợp đồng với BQ của Tây Ban Nha để bán 4 mẫu điện thoại của mình vào tháng 12 năm nay. Chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng, phòng quan hệ nhà đầu tư của Vingroup nhấn mạnh. "Vsmart sẽ đi theo chiến lược trải rộng các dòng sản phẩm trên nhiều phân khúc thị trường, tập trung vào chất lượng sản phẩm vượt trội so với đối thủ trong cùng phân khúc," bộ phận này cho biết.

Vingroup, với người đứng đầu là tỉ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã đạt được doanh thu 122.000 tỉ đồng và 6.200 tỉ lợi nhuận trong năm 2018.

"Vingroup là một công ty thú vị," Mike Lynch, giám đốc quản lý công ty cổ phần chứng khoán SSI nhận định. "Nếu họ muốn làm gì, họ sẽ làm thực sự." Lynch cho rằng điện thoại của Vsmart dựa trên những mẫu thiết kế có tính tham khảo của Trung Quốc và sản xuất ngay tại Việt Nam. "Tôi sẽ không ghét bỏ việc mua một chiếc điện thoại của họ," giám đốc SSI nói.

Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?

Xu hướng chuộng smartphone nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc 20 năm trước. Ảnh: 2018 Bloomberg Finance.

Những chuyên gia phân tích tại Việt Nam cho rằng xu hướng chuộng smartphone nước ngoài tại Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc 20 năm trước. Họ ưu tiên thực phẩm, rượu và hàng điện tử nước ngoài trước, Maxfield Brown chỉ ra, nhưng sau đó lại quay trở về với các thương hiệu trong nước.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua sản phẩm nước ngoài mà họ tin là có chất lượng cao và không phải hàng giả, tạp chí Thương mại điện tử thực tiễn cho biết. Nhưng một khi chất lượng được đảm bảo, người dùng Trung Quốc có thể thể hiện lòng yêu nước bằng việc mua sản phẩm nội địa. Những thương hiệu smartphone Trung Quốc như Huawei, Oppo và Xiaomi đang làm ăn rất thuận lợi tại thị trường quê nhà.

"Tôi có thể nhìn thấy điều tương tự đang diễn ra tại Việt Nam," Brown nói. "Tôi kỳ vọng xu hướng quay về với hàng nội địa, khi người tiêu dùng bắt đầu thể hiện tình cảm với quê nhà."

Những thương hiệu nước ngoài cũng đang bán sản phẩm với giá đủ thấp để những khách hàng chú trọng giá sản phẩm tại Việt Nam mua hàng. "Khách hàng quan tâm tới giá hơn là xuất xứ của thương hiệu," Thanh Võ nói. "Điều này có nghĩa nếu doanh nghiệp có thể mang lại sản phẩm chất lượng tốt với giá rẻ nhất, sản phẩm của họ sẽ được chọn mua." Người mua đang nhìn vào chất lượng của pin, camera, màn hình và hệ điều hành, Thanh Võ bổ sung.

Ralph Jennings
Nguồn Forbes Việt Nam