Phó Tổng giám đốc Masan: Nếu không chuyển đổi số, 3 năm tới Masan sẽ không thể cạnh tranh về dịch vụ
Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách CNTT tập đoàn Masan, nếu không có chuyển đổi số, trong 3 năm tới, mặc dù vẫn có thể duy trì khả năng sản xuất hàng hóa của mình, nhưng Masan sẽ không thể cạnh tranh về dịch vụ.
Chia sẻ nêu trên được Phó Tổng giám đốc phụ trách CNTT tập đoàn Masan Nguyễn Anh Nguyên đưa ra trong phiên thảo luận công nghệ chủ đề “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức” vừa được FPT Software tổ chức, với với sự tham gia của lãnh đạo FPT và các tập đoàn lớn như Masan, Deloitte, Bayer, Outsystem.
Phiên thảo luận công nghệ về Chuyển đổi số này là một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập FPT Software - Hành trình truyền nguồn cảm hứng công nghệ với sứ mệnh “Mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu”.
Theo báo cáo của International Data Coperation (IDC) tháng 11/2018, ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD, và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (Digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty, tập đoàn công nghệ tham gia thành công vào lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT một lần nữa nhấn mạnh đây là cơ hội lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn khi tham gia Chuyển đổi số.
Định vị là công ty cung cấp giải pháp công nghệ, FPT Software đã đặt “Chuyển đổi số” làm mũi nhọn với trọng tâm phát triển các dịch vụ chuyển đổi số toàn diện, dựa trên nền tảng các công nghệ cốt lõi như AI, Big Data, Blockchain… Đồng thời, tùy vào đặc thù lĩnh vực và nhu cầu của các doanh nghiệp, FPT Software còn tham gia tư vấn quá trình đào tạo nhân sự, phát triển hệ thống… để giúp các doanh nghiệp chóng thực hiện thành công chuyển đổi số.
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Pankaj K Rathi, Giám đốc điều hành phụ trách thị trường Việt Nam của tập đoàn Deloitte nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng, một doanh nghiệp có khả năng đẩy mạnh tăng trưởng, giảm thiểu chi phí và dành thời gian để thúc đẩy đổi mới kỹ thuật là một doanh nghiệp biết tận dụng CNTT. Về cơ bản, công nghệ chính là lĩnh vực có sức ảnh hưởng đến vị thế và khả năng cạnh tranh của các tập đoàn Nhật Bản”.
Cho rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với công nghệ sẽ là nền tảng cho sự đổi mới kỹ thuật, đại diện lãnh đạo tập đoàn Deloitte bày tỏ sự mong đợi được chứng kiến các tập đoàn Nhật Bản sử dụng chuyển đổi số để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Theo ông Andre Kraide Monteiro, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Pakistan của Bayer, một vài thế kỷ trước, chúng ta cần phải tự sản xuất lương thực của mình. Còn ngày nay, chúng ta có công nghệ để làm những việc này thay mình.
“Bất kể bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào, bạn đều cần tới lương thực, tới nông nghiệp. Chúng tôi đang hướng tới việc sử dụng khoa học và công nghệ để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho những người nông dân, cho xã hội. Vài năm nữa thôi, khi bạn đi qua những cánh đồng, bạn sẽ thấy những máy bay không người lái bay lượn, phun thuốc, gieo giống, và thu thập dữ liệu nông nghiệp”, ông Andre Kraide Monteiro chia sẻ.
Với Masan, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách CNTT của tập đoàn này cho biết, nếu không có chuyển đổi số, trong 3 năm tới, Masan vẫn có thể duy trì khả năng sản xuất hàng hóa của mình. Tuy nhiên, Masan sẽ không thể cạnh tranh về dịch vụ, đặc biệt là với sự phát triển không ngừng của Amazon, Alibaba, Tencent và nhiều công ty khác.
“Những “ông lớn” này không những có thể lấn át về khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà thậm chí có thể đánh bại các công ty khác. Hãy tin tôi, thời gian để chuyển đổi số diễn ra có thể tính theo ngày. Hãy dám thử và hãy để các doanh nghiệp công nghệ giúp công ty của bạn”, ông Nguyễn Anh Nguyên nêu quan điểm.
Từ thực tế triển khai hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đối số trong thời gian qua, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất FPT gặp phải khi làm việc với nội bộ công ty và đối tác bên ngoài là làm thế nào để xác định rõ hiệu quả của một chương trình chuyển đổi số.
Theo ông Hoàng Việt Anh, phương pháp luận về chuyển đổi số của FPT rất đơn giản, dựa trên 3 điểm chính. Trước tiên là cần “nghĩ lớn”, chuyển đổi số phải đồng hành cùng doanh nghiệp nên bất kể mục tiêu của một doanh nghiệp là gì, chuyển đổi số phải hướng đến cùng mục tiêu đó.
Điểm quan trọng thứ hai là “bắt đầu thông minh”. Để doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu của mình, có rất nhiều đầu việc nhỏ mà doanh nghiệp phải hoàn thành. Vì thế, doanh nghiệp cần phải biết đâu là công việc có sức ảnh hưởng lớn nhất, cấp thiết nhất và phù hợp nhất và bắt đầu với công việc đó.
Và điểm cuối cùng cần quan tâm là “khả năng nhân rộng”. Ngay khi dự án thử nghiệm thành công, doanh nghiệp cần tìm các để nhân rộng nó nhanh nhất, ở cả cấp lãnh đạo và trong toàn công ty.
“Đúc kết lại, nghĩ lớn – bắt đầu thông minh – nhân rộng chính là triết lý của chúng tôi trong việc xác định sự thành công và hiệu quả của một chương trình chuyển đổi số”, ông Hoàng Việt Anh nói.
Vị Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT cũng lưu ý thêm, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là về công nghệ. Nó là sự kết hợp của các yếu tố doanh nghiệp, công nghệ và con người. Thực chất, FPT đã đúc kết kinh nghiệm hoạt động của mình thành phương pháp luận riêng của công ty về chuyển đổi số. Phương pháp luận này có tên là “Digital Kaizen”.
Vân Anh
Nguồn ICT News