Chỉ 1% sản phẩm may mặc thực sự bền vững

Chỉ 1% sản phẩm may mặc thực sự bền vững

Đây là con số hết sức khiêm tốn, dù số lượng các mặt hàng thời trang bền vững đã tăng lên gấp năm lần trong hai năm qua, theo nghiên cứu McKinsey công bố tháng 10.2019.

Khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết, không có gì ngạc nhiên khi “bền vững” đã và đang trở thành điệp khúc quen thuộc của ngành thời trang. Tuy nhiên, sự quan tâm và hành động thực sự của các hãng lại là câu chuyện khác.

“Các công ty may mặc vẫn còn chặng đường dài để tới mục tiêu đáp ứng được nhu cầu về sự bền vững trong thời trang” báo cáo “Những đặc điểm cần có mới nhất trong ngành thời trang: Tìm nguồn cung ứng bền vững có quy mô lớn” nhận định.

Dù phải đối mặt với các rào cản như chi phí và khan hiếm vật liệu bền vững, hơn một nửa thương hiệu trong ngành bày tỏ mong muốn ít nhất một nửa tổng sản phẩm của họ được sản xuất từ các vật liệu bền vững vào năm 2025, theo khảo sát thực hiện với 64 giám đốc điều hành các hãng thời trang có tổng trị giá 100 tỉ USD của McKinsey.

Hơn 80% trong số họ cũng kỳ vọng sẽ giảm thiểu số lượng quần áo mẫu vào năm 2025 nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường.

Khi giám đốc doanh nghiệp được hỏi về kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung nhằm thích ứng với những thay đổi vĩ mô, tính bền vững và minh bạch vẫn là trọng tâm chọn lựa, dù ngành thời trang đang chìm trong bóng tối của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Điều này có thể giải thích bởi nhu cầu của các phân khúc khách hàng thế hệ Millennials và thế hệ Z: lượng tìm kiếm trực tuyến cho từ khóa "thời trang bền vững" đã tăng gấp ba lần từ năm 2016 tới 2019, McKinsey cho biết.

Chỉ 1% sản phẩm may mặc thực sự bền vững

Hơn một nửa thương hiệu trong ngành bày tỏ mong muốn ít nhất 1/2 tổng sản phẩm của họ được sản xuất từ các vật liệu bền vững vào năm 2025, tuy vậy định nghĩa và tiêu chuẩn chung cho thời trang bền vững vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ảnh: Picture Alliance/Getty Images.

Xu hướng này cũng lý giải cho cái chết của những hãng thời trang nhanh dành cho giới trẻ, tiêu biểu như Forever 21. "Đặc tính của Forever 21 đã không còn phù hợp trong một cộng đồng khách hàng chú trọng phát triển bền vững," Janine Stichter, chuyên gia phân tích của Jefferies&Co nhận định tại hội nghị Thượng đỉnh báo chí nguồn tại New York tháng 10 vừa qua.

Hội nghị cũng xoay quanh câu hỏi: như thế nào là một sản phẩm thời trang bền vững. "Chúng ta vẫn chưa có định nghĩa chung," Marissa Pagnani McGowan, phó chủ tịch cấp cao của PVH Corp, công ty mẹ của các hãng thời trang Calvin Klein và Tommy Hilfiger cho biết. "Chúng ta đang không ngừng vật lộn tìm ra cách thức giao tiếp với khách hàng."

Báo cáo của McKinsey cũng cho rằng ngành công nghiệp thời trang vẫn đang thiếu những bộ tiêu chuẩn chung. Bên cạnh đó đối mặt với những vấn đề khác như sản xuất quá mức và thất bại trong việc xác định xu hướng và sản phẩm mà khách hàng mong đợi, dẫn tới một loạt những sản phẩm tồn kho tại bãi chôn rác.

"Chúng ta phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho dư thừa trước khi nghĩ tới phát triển bền vững," John Thorbeck, chủ tịch công ty Tư vấn Chainge Capital nhận định và bổ sung: "Ngành công nghiệp này hiện đang thiếu tính hiệu quả nghiêm trọng. Việc chuyển trọng tâm từ hàng tồn kho sang phát triển bền vững mà không tìm ra giải pháp cho cả hai thì chỉ là sự giả tạo," ông nói.

Andria Chen
Nguồn Forbes Việt Nam