Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 12 tỷ lên 247 tỷ USD
Việt Nam xếp hạng thứ 42 trong bảng xếp hạng, tăng 12 tỷ USD năm 2019.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố báo cáo đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 tăng 12 tỷ USD và Mục tiêu của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030.
Thương hiệu quốc gia là Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam.
Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Theo thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.
"Trong giai đoạn ba năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value)", Bộ Công Thương nhận định.
Tuy vậy, trong thời gian qua Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, nguồn lực, nhận thức về ý nghĩa và vai trò của thương hiệu.
Trong giai đoạn mới, để tăng cường hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và để giải quyết dứt điểm những hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành và địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đặc biệt, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm.
Cụ thể, chương trình sẽ sát cánh cùng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.
Mục tiêu đặt ra là 1.000 sản phẩm phải đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Ngoài ra, Bộ còn đặt mục tiêu 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bạch Huệ
Nguồn VN Economy