CMO quan trọng đến đâu?
Giám đốc tiếp thị (Chief Marketing Officer – CMO) là một chức danh được nhắc đến ngày càng nhiều trong những năm gần đây.
Với sự xuất hiện của các kênh truyền thông và phân phối mới, các công ty đang nhận ra tiềm năng to lớn của các hoạt động tiếp thị trong việc định hướng cho các chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Thế nhưng, thời gian phục vụ trung bình của một CMO ở một công ty chỉ là 23 tháng so với bốn, năm năm của các giám đốc tài chính (CFO) và không phải công ty nào cũng có các giám đốc tiếp thị cấp cao.
Câu hỏi đặt ra là liệu các công ty có thật sự cần một CMO không, hay vai trò của CMO đã được thổi phồng như một trào lưu trong những năm gần đây?
Khi hoạt động kinh doanh phát triển, tiếp thị cũng trở thành một lĩnh vực mang tính chiến lược và tác động đến toàn bộ tổ chức.
Để hiểu rõ hơn khách hàng của mình, tổng giám đốc điều hành và hội đồng quản trị cần có một người đóng vai trò là người đại diện cho khách hàng để liên tục cập nhật cho họ những thông tin liên quan đến khách hàng. Ngoài ra, về lâu dài, các công ty cũng cần một CMO để thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
1. Gắn kết các hoạt động marketing với chiến lược kinh doanh chung của doanh nghiệp
Sự xuất hiện của các công nghệ mới, các kênh phân phối mạnh và quyền lực của người tiêu dùng ngày càng lớn đã làm cho thị trường cạnh tranh gay gắt hơn. Hoạt động marketing cũng vì vậy mà ngày càng trở nên quan trọng.
Ngày nay, marketing không còn chỉ giới hạn trong khuôn khổ của 4P (Product: sản phẩm; Price: giá cả; Place: phân phối; Promotion: quảng bá).
Các nhà làm tiếp thị với hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường và khách hàng cần phải đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xây dựng chiến lược công ty.
Họ phải xác định thị trường, phân khúc thị trường, đề ra các phương thức thâm nhập, các hình thức hợp tác nên áp dụng.
Để chuyển tải những thông tin này, tốt nhất là có một người đại diện cho các hoạt động marketing để có thể nói cùng một “ngôn ngữ” với hội đồng quản trị và CEO.
2. Kết nối hội đồng quản trị với khách hàng
Cho dù doanh nghiệp có sáng tạo đến mấy và có một đội ngũ nhân viên tài năng đến đâu đi nữa thì cũng khó có thể thành công nếu không giữ được liên hệ được với khách hàng.
Các giám đốc cấp cao phải thường xuyên đánh giá lại các quyết định chiến lược của họ dựa trên phản hồi của khách hàng.
Các CMO đóng một vai trò quan trọng trong việc cập nhật cho ban giám đốc những xu hướng tiêu dùng mới nhất và phân tích xem các nguồn lực của doanh nghiệp đã được phân bổ hợp lý để đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng hay chưa.
3. Tạo ra một tổ chức lấy khách hàng làm trọng tâm
Ngày nay, khách hàng có quá nhiều chọn lựa và việc duy trì lòng trung thành của khách hàng cũng như lợi thế cạnh tranh bền vững đang trở thành một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp.
Sự khác biệt giữa những doanh nghiệp thành công trong việc đạt được những mục tiêu đã đề ra nằm ở khả năng định hướng hoạt động của doanh nghiệp.
Các công ty lấy khách hàng làm trọng tâm luôn thiết kế cơ cấu tổ chức và các quy trình, hệ thống làm việc với quan niệm khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Những vấn đề này còn liên quan đến văn hóa, tổ chức và các chính sách của doanh nghiệp. CMO chính là người có thể tạo ra ảnh hưởng lên ban giám đốc trong việc thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng một tổ chức thật sự chú trọng đến khách hàng.
Mặc dù CMO đóng một vai trò quan trọng như vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ủng hộ việc duy trì vị trí này.
Thách thức của các CMO cũng là những thách thức vốn dĩ của hoạt động marketing: làm thế nào để lượng hóa kết quả của các hoạt động tiếp thị và đánh giá đầy đủ hiệu quả của hoạt động này.
Sự xuất hiện của các kênh truyền thông mới đã giúp các CMO phần nào chứng minh được kết quả của những đồng vốn đầu tư cho marketing.
Tuy nhiên, bản thân các CMO cũng phải không ngừng học hỏi để tìm hiểu các đặc thù của từng lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động, cũng như các yêu cầu, nhiệm vụ của từng bộ phận chức năng để có thể nói cùng một “ngôn ngữ” với CEO và ban giám đốc.
Trong tương lai, CMO vẫn là cầu nối quan trọng giữa hội đồng quản trị, các giám đốc cấp cao với khách hàng. Các doanh nghiệp cần phải xem đây là một vị trí trọng yếu và có một số quyền lực nhất định.
Ngoài ra, họ cũng phải xây dựng cơ cấu tổ chức sao cho các CMO có thể tham gia vào việc định hướng tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp bằng cách kết nối các bộ phận chức năng với nhau một cách chặt chẽ.
Nhất Nguyên
Nguồn Doanh Nhân Plus