Nissan đấu Honda: Giá rẻ cho Việt Nam
Thật ngẫu nhiên, các mẫu xe du lịch có giá 540-600 triệu đồng (đã có VAT) đã đồng loạt ra mắt thị trường Việt Nam trong những ngày đầu tháng 6 này. Đặc biệt, cả 2 đại gia Nhật là Nissan và Honda cùng chọn ngày 11/6 để trình làng dòng xe sedan giá rẻ là Nissan Sunny và Honda City.
Honda gọi, Nissan đáp lời
Không chỉ xuất xưởng chiếc Nissan Sunny đầu tiên được lắp ráp trong nước, Tập đoàn Tan Chong (Malaysia), đơn vị nhượng quyền thương hiệu Nissan tại Việt Nam, còn khánh thành nhà máy lắp ráp xe Nissan có vốn đầu tư 40 triệu USD tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Tan Chong đặt ở nước ngoài sau 2 nhà máy tại Malaysia.
Nissan chỉ chuyển giao công nghệ nhưng không góp vốn vào dự án này. Vì sao Nissan quyết định bắt tay với Tan Chong thay vì một đối tác trong nước để lắp ráp xe tại Việt Nam?
Xét về mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Nissan và Tan Chong thì đây là một quyết định có cơ sở vì đối tác Malaysia này là nhà phân phối độc quyền của Nissan trong hơn 50 năm qua tại Malaysia và Singapore. Họ hiện cũng là nhà phân phối độc quyền cho Nissan tại khu vực Đông Dương.
Tháng 11/2011, Tan Chong chính thức trở thành đối tác liên doanh trị giá 10 triệu USD của Nissan tại Việt Nam sau khi mua lại 74% vốn của Kjaer Group A/S (Đan Mạch).
Sau đó, đối tác Malaysia này tiếp tục rót thêm 40 triệu USD nữa để đầu tư nhà máy lắp ráp xe Nissan tại Đà Nẵng có năng lực sản xuất khoảng 6.500 chiếc/năm và dự kiến đạt mức công suất tối đa là 30.000 chiếc/năm sau 5 năm đi vào hoạt động.
Sản lượng ôtô của Việt Nam sẽ đạt mức gấp đôi trong vòng 5 năm tới
Cùng ngày 11/6, Honda Việt Nam cũng giới thiệu dòng xe Honda City. Đến nay, Honda City đã có mặt tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Ông Masayuki Igarashi, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, cho hay dòng xe City được lắp ráp bằng linh kiện nhập khẩu từ Nhật, Thái Lan và một số nước khác. Mục tiêu của Honda là sẽ đạt mức tiêu thụ khoảng 1.000 xe ngay trong năm 2013.
Chưa hết, cũng trong tháng 6 này, nhà phân phối Hyundai Thành Công đã xác nhận sẽ bắt đầu nhập khẩu và phân phối mẫu xe giá rẻ Hyundai Elantra 2013 tại Việt Nam.
Phân khúc tiềm năng
Cả Nissan và Tan Chong đều quyết định chờ đến ngày 17/6 mới công bố giá bán 3 mẫu xe Nissan Sunny (1 phiên bản số tự động và 2 phiên bản số sàn). Một nguồn tin cho biết, loại số sàn sẽ có giá trên 540 triệu đồng và khoảng trên 620 triệu đồng cho số tự động (đã có VAT).
“Với mục tiêu lâu dài là nắm thị phần trước khi tính tới chuyện lãi, Nissan đã trợ giá 10% cho Sunny”, ông Ang Bon Beng, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Dương của Tập đoàn Tan Chong (Malaysia), nói. Chiến lược phân phối của Nissan Sunny trước mắt sẽ tập trung vào hệ thống 12 đại lý trong cả nước.
Trong khi đó, phản hồi chung của một số khách hàng tại buổi ra mắt Nissan Sunny và Honda City cho thấy, mẫu xe Honda City có phần nhỉnh hơn về trang bị và khả năng vận hành so với Nissan Sunny.
Tuy nhiên, với giá công bố lần lượt là 540 triệu đồng và 580 triệu đồng (đã có VAT) cho phiên bản số sàn và số tự động, Honda City muốn chứng minh khả năng tranh chấp thị phần trong phân khúc giá rẻ tại Việt Nam với Nissan Sunny là khá lớn.
Theo báo cáo quý IV/2012 của Business Monitor International (Anh), số hộ gia đình Việt Nam tại 3 thành phố phát triển nhất gồm TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội có mức thu nhập trung bình khoảng 1.000 USD/tháng chiếm khoảng 5% dân số địa phương. Đây chính là đối tượng khách hàng tiềm năng mà các mẫu ôtô giá rẻ đang nhắm tới.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam dự báo cả năm nay, sản lượng toàn thị trường sẽ đạt khoảng 103.000 xe, tăng khoảng 3% so với mức dự báo. Dự kiến, các mẫu xe giá rẻ sẽ có mức đóng góp đáng kể cho sản lượng xe tiêu thụ trong năm nay.
Ông Tomohiro Maruno, Giám đốc bán hàng mảng ôtô của Honda Việt Nam cho biết thời điểm kinh tế khó khăn là cơ hội để khai thác lượng khách hàng có mức thu nhập khá tại Việt Nam, vốn không thể tiếp cận các mẫu xe có giá trên 1 tỉ đồng. “Ngay trong ngày ra mắt, chúng tôi đã ký được hơn 200 hợp đồng mua Honda City với khách hàng trong cả nước”, ông nói.
Chỉ còn khoảng 5 năm nữa, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước ASEAN, khi cam kết AFTA quy định mức thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam sẽ giảm xuống mức từ 0-5% vào năm 2018. Lúc đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có lợi thế hơn nhiều so với xe sản xuất trong nước.
Khi đặt vấn đề này với chủ đầu tư nhà máy sản xuất Nissan Sunny tại Đà Nẵng, ông Ang thuộc Tập đoàn Tan Chong khẳng định, ngoài thuế nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam sẽ có các giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, góp phần tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Lạc quan hơn, ông Takayuki Kimura, Chủ tịch Nissan khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn cho biết: “Sản lượng ôtô của Việt Nam sẽ đạt mức gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Đó là lý do chúng tôi đã mở trung tâm R&D với hơn 2.000 kỹ sư tại Hà Nội từ năm 2010 để phục vụ mục tiêu phát triển toàn cầu của Nissan”.