Bách Hoá Xanh tiến sát ngưỡng 10% doanh thu của Thế Giới Di Động
Tính riêng quý III, trung bình mỗi ngày chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh mở thêm hai cửa hàng mới, đưa chuỗi này vượt mục tiêu 700 cửa hàng đặt ra hồi đầu năm, đồng thời nâng tỷ trọng doanh thu mảng bán lẻ thực phẩm lên 9,3% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động (MWG).
Báo cáo kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm của công ty diễn giải, tốc độ mở chuỗi Bách Hoá Xanh tăng trong quý III nhưng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng giảm trong tháng 9 vì tính mùa vụ, khiến nguồn cung sản phẩm và sức mua giảm.
Tháng 9 vừa rồi ghi nhận sự sụt giảm doanh thu bình quân/cửa hàng của chuỗi này, từ 1,5 tỉ đồng trong tháng 8 giảm còn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ chuỗi bán lẻ thực phẩm này trong tổng doanh thu đang tăng nhanh nhờ tăng số cửa hàng mới.
Tính đến 30.9, Bách Hóa Xanh có 788 cửa hàng, vượt mục tiêu của cả năm đề ra là 700 cửa hàng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chuỗi này đã mở thêm gần 500 cửa hàng mới.
Doanh thu toàn chuỗi Bách Hóa Xanh chín tháng đạt 7.138 tỉ đồng, đóng góp 9,3% vào doanh thu của tổng công ty. Mức doanh thu này cũng đã tăng gần gấp đôi tổng doanh thu của năm 2018.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất chín tháng đầu năm của MWG đạt 76.763 tỉ đồng (khoảng 3,3 tỉ USD) và lợi nhuận sau thuế 2.976 tỉ đồng (khoảng 130 triệu USD), tăng trưởng lần lượt 17% và 36% so với cùng kỳ 2018.
Ông Trần Kinh Doanh, người điều hành Bách Hóa Xanh đã bày tỏ tham vọng trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây: mục tiêu đến cuối 2020 doanh thu của Bách Hóa Xanh sẽ vượt Thế Giới Di Động, đến cuối 2021 vượt Điện Máy Xanh và cuối 2022, doanh thu Bách Hóa Xanh bằng tổng hai chuỗi này cộng lại.
"Nếu Bách Hóa Xanh đạt đến doanh thu 3 tỉ USD thì vẫn là con số rất nhỏ trong tổng thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng có quy mô ước 100 tỉ USD đến 2025. Thị trường mà Bách Hóa Xanh đang vận hành có quy mô lớn hơn nhiều lần thị trường điện thoại và điện máy trong khi tiềm năng tăng trưởng cũng cao hơn nhiều," ông Doanh nói với Forbes Việt Nam.
Trong số 788 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại thời điểm 30.9, có 380 cửa hàng tại các tỉnh, chiếm 48%. Cũng trong quý III, chuỗi đã hoàn tất hợp đồng thuê mặt bằng tại Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận để tiếp tục chiến lược mở rộng ra các tỉnh.
Phân tích từ công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng chỉ ra, chiến lược mở rộng quy mô chuỗi ra các tỉnh của Bách Hoá Xanh sẽ tối ưu hóa được hệ thống kho vận phân phối giữa các địa phương. "Bách Hóa Xanh sẽ là chìa khoá tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động trong trung và dài hạn," HSC nhận định.
Bách Hoá Xanh hiện đứng thứ hai về số cửa hàng trong các chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng. Dẫn đầu thị trường là Vinmart+ với 2.290 cửa hàng tính đến tháng 9, cách xa các chuỗi tiếp theo, Co.opFoods và Satra Food - hai chuỗi bán lẻ thuộc Saigon Co.op và Satra, với số lượng hơn 400 và 226 cửa hàng đến thời điểm hiện tại.
Đứng thứ hai về mạng lưới nhưng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của Bách Hoá Xanh dẫn đầu, ước tính khoảng 1,3 tỉ đồng/tháng, theo MBS. Tiếp sau là Co.op Foods có doanh thu mỗi cửa hàng trung bình khoảng 1 tỉ đồng/tháng và Vinmart+ xấp xỉ một nửa của Bách Hóa Xanh.
Lũy kế chín tháng, MWG hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Do tốc độ mở cửa hàng nhanh, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.8 cửa hàng mới trên toàn chuỗi ra đời nên chi phí bán hàng trong quý III của công ty mẹ cũng tăng.
Lợi nhuận ròng quý III tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đó biên lợi nhuận ròng chín tháng vẫn duy trì ở mức 3.9 dù chi phí bán hàng tăng.
Biên lợi nhuận gộp lũy kế 9 tháng của MWG được cải thiện đáng kể, lên 18,4% so với mức 17,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III đạt 19,7% - là mức cao nhất từ trước đến nay và tăng so với mức 17,7% của quý III.2018 nhờ sự đóng góp tích cực của ngành hàng điện lạnh, gia dụng và dụng cụ nhà ở.
Linh Chi
Nguồn Forbes Việt Nam