Thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế - Vẫn khó!
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế hướng đến mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh đã được triển khai và nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian và các bệnh viện (BV). Thế nhưng, việc ứng dụng vẫn còn khó khi có đến 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử.
Tiếp cận hệ sinh thái mới
Ngày 10/10/2019, Ví MoMo và BV Đại học Y Dược TP.HCM đã ký kết hợp tác thúc đẩy việc đưa tiện ích thanh toán điện tử vào hệ thống thanh toán của BV. Trên ứng dụng của Ví điện tử MoMo, người bệnh và người nhà của người bệnh có thể thanh toán viện phí nội trú của BV Đại học Y Dược TP.HCM. TS. Thái Hoài Nam - Phó giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, BV hướng đến xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh bằng việc kết hợp giữa trí tuệ con người và công nghệ. Việc hợp tác với Ví MoMo sẽ giúp đẩy mạnh phương phức thanh toán không dùng tiền mặt, người dân có thêm một kênh lựa chọn thanh toán viện phí khi khám bệnh tại BV. Đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% tổng số viện phí thanh toán (với khoảng 8.500 người khám, chữa bệnh mỗi ngày) tại BV bằng cách nhập mã hồ sơ trên biên nhận.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết, từ trung tuần tháng 6/2019, người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh trước ngày khám và thanh toán tại BV Da liễu (TP.HCM) hoặc thanh toán viện phí tại BV Nhi Đồng 1, BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) bằng cách quét mã QR Code thông qua Ví điện tử MoMo. “Hai mươi hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam đã liên kết trực tiếp với Ví điện tử MoMo sẽ giúp các BV tiết kiệm thời gian khi không phải kết nối với từng ngân hàng riêng lẻ để triển khai dịch vụ. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng không phải xem ngân hàng mà họ đang sử dụng có thể thanh toán tại BV họ muốn khám, chữa bệnh hay chưa”, ông Diệp cho biết.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến "Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong y tế" mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho rằng, cùng với bệnh án điện tử, thanh toán phí, viện phí không dùng tiền mặt là nội dung quan trọng được Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai. Với BV, thanh toán phí, viện phí không dùng tiền mặt sẽ đơn giản hóa thủ tục cho người dân, giảm chi phí nhân lực, kiểm đếm, in ấn đơn - phiếu, tích hợp với hệ thống thông tin BV, hồ sơ bệnh án điện tử rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh. “Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế là một cấu thành quan trọng hướng đến xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh. Trong đó, chú trọng phát triển và ứng dụng những công nghệ hiện đại vào điều hành, quản trị cũng như các dịch vụ hỗ trợ người bệnh. Mục tiêu của Bộ Y tế là phải thực hiện “ba không”: không tiền mặt, không giấy và không xếp hàng chờ đợi”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến nhấn mạnh.
Nhưng nhiều khó khăn
Theo báo cáo của PWC - hãng kiểm toán hàng đầu thế giới, tỷ lệ người Việt Nam thanh toán di động qua các ứng dụng thanh toán như MoMo, ZaloPay tăng gấp đôi, từ 37% vào năm 2018 lên 61% năm 2019.
Trong lĩnh vực y tế, hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Có nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ POS, ATM, điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử hoặc quét mã QR Code để thanh toán. Theo PGS-TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đến nay, có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng mã QR Code tại BV và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, có 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử, chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa...
Mặc dù đã nhận được sự hưởng ứng của các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian, nhưng việc thanh toán không tiền mặt trong khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, có 50% dân số chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử, chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa... Bên cạnh đó, người dân cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích thanh toán không dùng tiền mặt của BV nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp. Đã vậy, việc kết nối giữa các phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin BV còn gặp nhiều khó khăn. Phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và BV chưa có các cơ chế chi trả phí giao dịch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, thanh toán điện tử trong y tế là lĩnh vực tương đối phức tạp vì liên quan đến việc kết nối kỹ thuật, quy trình thủ tục cũng như có nhiều đơn vị liên quan. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai thanh toán dịch vụ công tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, MoMo đã xây dựng ba giải pháp giúp triển khai nhanh việc thanh toán điện tử trong BV, gồm tích hợp trên website hoặc app của BV, quét mã QR Code và thanh toán trên ứng dụng Ví điện tử MoMo.
Để tăng cường thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán nghiên cứu để cung ứng các sản phẩm, giải pháp phù hợp với hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện đặc thù của ngành y tế. Trong đó, phải xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập hệ thống, phần mềm trao đổi dữ liệu thông tin nhanh chóng thuận tiện với các BV, đồng thời cải tiến quy trình nghiệp vụ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại song song với việc triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mãi khuyến khích thay đổi hành vi, thói quen của khách hàng.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn