Đông Nam Á chờ đón cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến

Chi tiêu mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á được dựa báo sẽ tăng trưởng bùng nổ theo cấp số nhân trong những năm tới đặc biệt là các mặt hàng chăm sóc cá nhân và thời trang, khi lượng người tiêu dùng trên các kênh thương mại điện tử tăng mạnh.

Một báo cáo mới, do công ty tư vấn quản lý Bain & Company và công ty mạng xã hội Facebook công bố hôm 18-10, dự báo chi tiêu trung bình của người tiêu dùng thuộc cộng đồng trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tăng lên mức 390 đô la Mỹ/năm vào năm 2025, cao gấp ba lần so với mức 125 đô la vào năm 2018.

Báo cáo cũng nhận định đến năm 2025, lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực này sẽ tăng lên 310 triệu người, tăng 60 triệu người so với năm 2018. 70-80% mức tăng trưởng mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á đến từ tầng lớp trung lưu mới nổi.

Đông Nam Á chờ đón cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến

Theo báo cáo Bain & Company và Facebook, 70-80% mức tăng trưởng mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á trong giai đoạn 2019-2025 đến từ tầng lớp trung lưu mới nổi. Ảnh: Inside Retail

Báo cáo trên dựa vào kết quả khảo sát ý kiến với 12.965 người mua sắm trực tuyến ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và việt Nam cũng như các cuộc phỏng vấn với 30 giám đốc điều hành và nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực.

Praneeth Yendamuri, đối tác quản lý ở Bain & Company, cho hay hiện nay tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử so với hoạt động bán lẻ nói chung tại Đông Nam Á chỉ là 3%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 23% tại Trung Quốc.

Ông nói: “Nếu nhìn vào Trung Quốc, nơi doanh thu thương mại điện tử chiếm 23% doanh thu bán lẻ tổng thể, chúng tôi thấy rằng thương mại điện tử Đông Nam Á có cơ hội tăng trưởng theo cấp số nhân”.

“Hầu hết tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đến từ ngành hàng thời trang, chăm sóc cá nhân và sắc đẹp. Những ngành hàng này dự kiến tăng trưởng 25% mỗi năm”, Yendamuri nhận định.

Tổng giá trị của ngành hàng áo quần, giày dép và phụ kiện ở Đông Nam Á vào khoảng 47 tỉ đô la mỗi năm nhưng tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử mới chỉ 9%. Trong khi đó, hạng mục sản phẩm chăm sóc cá nhân và sắc đẹp ở khu vực này có trị giá 15 tỉ đô la mỗi năm nhưng tỷ lệ thâm nhập mua sắm trực tuyến cũng chỉ mới ở mức 7%.

Hầu hết tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đến từ ngành hàng thời trang, chăm sóc cá nhân và sắc đẹp. Những ngành hàng này dự kiến tăng trưởng 25% mỗi năm.

Song Yendamuri lưu ý ngành hàng thực phẩm mới là ẩn số có thể tạo ra bất ngờ. Tại Đông Nam Á, giá trị của ngành hàng này đạt 350 tỉ đô la mỗi năm nhưng chủ yếu phụ thuộc vào các hoạt động mua sắm trực tiếp (thông qua siêu thị, cửa hàng, chợ...). Tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử đối với ngành hàng thực phẩm đang ở mức rất thấp 0,3%.

Báo cáo của Bain & Company và Facebook phát hiện ra rằng phần lớn người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á (67%) không biết chính xác những gì họ muốn mua trước khi lên mạng mua sắm. Hơn 50% cho hay họ nắm bắt thông tin về các sản phẩm mới và các thương hiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Những người tham gia trả lời cuộc khảo sát cho biết họ thích mua sắm ở nhiều nền tảng thương mại điện tử và nhiều thương hiệu. Chỉ tính riêng tại Singapore, có đến 75% người được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng mua sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau khi mua sắm trực tuyến. Tỷ lệ này ở Philippines và Malaysia lần lượt là 72% và 70%.

Theo báo cáo, trước khi ra một quyết định mua sắm trực tuyến, trung bình mỗi người tiêu dùng sành sỏi công nghệ ở Đông Nam Á lướt xem 3,8 nền tảng thương mại điện tử.

Sandhya Devanathan, Giám đốc quốc gia của Facebook tại Singapore, nói: “Không ai mua sắm cùng một cách giống nhau ở hai lần mua sắm trực tuyến”.

Các đối thủ thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á không có mức chênh lệch quá lớn về thị phần giống như ở Mỹ và Trung Quốc, nơi công ty thương mại điện tử số một có thị phần lớn gấp lần lượt 6,5 lần và 4 lần so với đối thủ xếp ở vị trí thứ hai tại nước của họ.

Đông Nam Á chờ đón cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến

Devanathan nói: “Điều này có nghĩa là tất cả công ty thương mại điện tử, kể cả những công ty tập trung vào một số ngành hàng chuyên biệt, cũng có cơ hội lớn để cạnh tranh trên phạm vi lớn hơn ở Đông Nam Á”.

Báo cáo cho biết các chương trình khách hàng thân thiết là công cụ rất hữu ích đối với các nền tảng thương mại điện tử. Theo báo cáo, những người tham gia chương trình khách hàng thân thiết có xác suất quảng bá sản phẩm ở tất cả hạng mục cao hơn 45% so với những người mua sắm không phải là khách hàng thân thiết. Họ cũng có tuần suất mua hàng hóa trực tuyến ở tất cả hạng mục cao hơn 25% so với những khách hàng thông thường.

Khách hàng mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á thích trải nghiệm mua sắm đa kênh. Hơn 80% người trả lời khảo sát trong báo cáo nghiên cứu của Bain & Company và Facebook nói rằng người mua sắm trong khu vực thích so sánh giá cả ở các nền tảng trực tuyến và cửa hàng trực tiếp trước khi ra một quyết định mua sắm.

Một điểm đáng lưu ý nữa là 33% người mua sắm ở Đông Nam Á nói rằng họ thích xem sản phẩm ở các cửa hàng trực tiếp trước khi tiến hành mua trực tuyến.

Khánh Lan (Theo Business Times)
Nguồn The Saigon Times