Thị trường thời trang ở các nước phát triển đã bão hòa?
Người tiêu dùng ở các nước phát triển đang sở hữu quá nhiều áo quần đến nỗi giờ đây khi mua thêm một món đồ mới, họ không còn cảm thấy vui thú nhiều nữa. Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường thời trang đã chạm đỉnh và đang suy thoái.
Người tiêu dùng đã chạm đỉnh hạnh phúc
Người tiêu dùng đã mua áo quần với số lượng lớn chưa từng thấy trong 20 năm qua khi các hãng thời trang như H&M, Zara và các nhà bán lẻ thời trang giá rẻ bao gồm Primark và Walmart giảm giá bán giữa lúc hoạt động sản xuất hàng may mặc chuyển dịch sang châu Á, nơi có lực lượng nhân công giá rẻ khổng lồ.
Theo dữ liệu từ hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Kantar, hiện nay trung bình mỗi người tiêu dùng Mỹ đang mua 65 món trang phục mỗi năm, tăng so với con số 40-50 vào thập niên 1990 nhưng thấp hơn so với con số 70 vào năm 2005. Tương tự, người tiêu dùng Anh đang mua 50 món trang phục mỗi năm, thấp hơn so với con số 52 cách đây ba năm.
Giá áo quần ở Mỹ giảm 0,8% mỗi năm từ năm năm 2001, trong khi đó, giá áo quần ở Anh giảm 13 năm liên tục cho đến năm 2010. Doanh số áo quần ở Anh đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1998 và doanh số áo quần ở Mỹ tăng gần 50% kể từ năm 2001. Song hiện nay, doanh số áo quần ở các nước phát triển đang tăng trưởng trì trệ hoặc đang suy giảm.
Báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley công bố hôm 11-10 cho rằng khi doanh số quần áo bắt đầu bão hòa hoặc bắt đầu suy giảm và giá bán trung bình tiếp tục suy giảm thì giá trị doanh thu áo quần cũng sẽ giảm.
“Vậy nên, theo lập luận của chúng tôi, các thị trường thời trang ở nhiều nước phát triển có lẽ bắt đầu tiến vào đợt suy giảm mang tính cấu trúc dài hạn”, các nhà phân tích của Morgan Stanley viết.
Sự nhận thức đang tăng lên của người tiêu dùng về tác động tiêu cực của ngành công nghiệp dệt may đối với môi trường chỉ là một trong những nguyên nhân khiến doanh số áo quần bắt đầu suy giảm.
Ba nhà phân tích Geoff Ruddell, Kimberly Greenberger và Maki Shinozaki của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng một nguyên nhân lớn khác là người tiêu dùng ở các nước phát triển đã “chạm đỉnh hạnh phúc” khi mua sắm áo quần vì áo quần đang trở nên quá rẻ, cho phép người tiêu dùng có thể mua với số lượng lớn.
Nhận định này căn cứ vào Định luật tính thỏa dụng biên giảm dần (Law of Diminishing Marginal Utility) của nhà kinh tế người Áo Carl Menger. Định luật này nói rằng khi người tiêu dùng tiêu thụ một lượng hàng hóa hay dịch vụ càng lớn thì ích lợi hay mức thỏa mãn thu được từ mỗi đơn vị tăng thêm sẽ suy giảm.
“Nói một cách đơn giản, người tiêu dùng thích chi tiêu thêm tiền cho việc khác chẳng hạn như đi ăn tiệm, hơn là mua bộ trang phục thứ 60 trong mỗi năm”, báo cáo của Morgan Stanley nhận định.
Khi người tiêu dùng tiêu thụ một lượng hàng hóa hay dịch vụ càng lớn thì ích lợi hay mức thỏa mãn thu được từ mỗi đơn vị tăng thêm sẽ suy giảm.
Xu hướng giảm sẽ kéo dài
Theo báo cáo, cách duy nhất để thị trường thời trang ở các nước phát triển có thể tăng trưởng là áo quần phải đắt đỏ hơn nhưng viễn cảnh này khó có thể xảy ra.
Báo cáo nhận định xu hướng áo quần giảm giá sẽ còn kéo dài khi hoạt động sản xuất hàng may mặc tiếp tục chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước có nhân công giá rẻ trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam và Bangladesh.
Báo cáo cho rằng sự trỗi dậy của tự động hóa trong ngành công nghiệp may mặc, tức các robot có khả năng thực hiện các tác vụ trong sản xuất áo thun bao gồm cắt, may và kiểm tra chất lượng sản phẩm, cũng có thể kéo giá cả hàng may mặc tiếp tục giảm xuống.
Trong 3-4 năm vừa qua, các nhà bán lẻ thời trang mới bắt đầu nhận thấy các điều kiện kinh doanh đang trở nên quá khó khăn. Báo cáo nhận định cổ phiếu của các hãng bán lẻ thời trang hàng đầu như H&M, Inditex, Gap, Macy’s, Kohl’s, American Eagle và Abercombie & Fitch đang được định giá quá mức.
“Trong nhiều năm qua, người tiêu dùng đã tận dụng các mức giá rẻ để mua hàng thời trang với số lượng lớn. Nhưng các kỳ vọng người tiêu dùng sẽ mua áo quần với số lượng lớn hơn nhờ giá giảm thấp ở mức chưa từng thấy là điều không bao giờ có thể duy trì trong dài hạn”, báo cáo kết luận.
Khánh Lan (Theo CNBC, Financial Review)
Nguồn The Saigon Times