Sự thất thế của khách sạn độc lập trước sức ép của các chuỗi lớn
Các khách sạn vận hành độc lập trên thế giới đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn từ các chuỗi khách sạn khổng lồ và dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb.
Buộc phải liên kết với thương hiệu lớn
Các khách sạn độc lập vì với những nét riêng biệt tự nhiên mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo mà ngày càng có nhiều du khách đang tìm kiếm. Tuy nhiên thực tế hiện nay, các khách sạn này đang phải chật vật cạnh tranh với nhiều công ty điều hành các chuỗi khách sạn khổng lồ, có ngân sách dồi dào cùng lực lượng chủ nhà trọ đông đảo đang cho thuê phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb.
Kết quả là các khách sạn độc lập phải xếp hàng xin gia nhập vào các chuỗi khách sạn lớn hoặc buộc phải đóng cửa.
Cách đây 30 năm, 2/3 khách sạn trên thế giới hoạt động độc lập, theo Công ty dữ liệu khách sạn STR. Ngày nay, chưa đến 40% khách sạn trên thế giới được vận hành và sở hữu độc lập.
Chuỗi khách sạn Accor (Pháp) có 3.600 khách sạn và 14 thương hiệu khách sạn vào năm 2013. Thông qua các vụ đầu tư và thâu tóm các công ty lưu trú khác, giờ đây chuỗi khách sạn này nắm giữ gần 5.000 khách sạn dưới 39 thương hiệu.
Tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels Group (IHG) của Anh cũng là một trong những chuỗi khách sạn đi đầu trong làn sóng thâu tóm này. Năm 2015, IHG thâu tóm công ty khách sạn Kimpton với giá 430 triệu đô la Mỹ.
Năm 2016, chuỗi khách sạn Marriott International (Mỹ) bỏ ra 13,6 tỉ đô la để thâu tóm Starwood Hotels & Resorts, tập đoàn sở hữu thương hiệu khách sạn danh tiếng Sheraton.
Ngoài ra, nhiều khách sạn độc lập chấp nhận liên kết với các chuỗi khách sạn lớn để được tiếp cận các nguồn lực tiếp thị và lượng khách đặt chỗ khổng lồ của họ.
Chẳng hạn, thương hiệu khách sạn Autograph Collection của Marriott International đang quản lý hơn 175 khách sạn độc lập cao cấp trên toàn thế giới bao gồm Emery Hotel ở Minneapolis (Mỹ) và Publica Isrotel ở Tel Aviv (Israel).
Gần 90 khách sạn độc lập cao cấp khác đang trong quá trình xin gia nhập Autograph Collection. Những thương hiệu như Autograph Collection còn được gọi là “thương hiệu mềm” của các chuỗi khách sạn lớn.
Những thương hiệu như Autograph Collection còn được gọi là “thương hiệu mềm” của các chuỗi khách sạn lớn.
Ting Phonsanam, người sáng lập Công ty Momentum Hospitality Management, cho biết các chuỗi khách sạn đang mở rộng các thương hiệu mềm để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm kiếm những nơi lưu trú độc đáo và có dấu ấn lịch sử. Momentum Hospitality Management đang hỗ trợ nhiều khách sạn độc lập củng cố hình ảnh thương hiệu, xây dựng các kế hoạch tu tạo hoặc chuẩn bị các cơ sở vật chất để có thể gia nhập một thương hiệu mềm.
Theo Phonsanam, các khách sạn độc lập tham gia một thương hiệu mềm vẫn có thể giữ lại phần lớn bản sắc vốn có.
Phí tham gia thương hiệu mềm dao động từ mức 5-10% doanh thu của các khách sạn độc lập. Đổi lại, các thành viên của thương hiệu mềm sẽ được hỗ trợ về hoạt động tiếp thị, có thể tận dụng phần mềm quản lý, quyền lực mặc cả khi mua hàng và dịch vụ của các chuỗi khách sạn lớn.
Chi phí gia nhập một thương hiệu mềm có thể trở nên đắt đỏ nếu các khách sạn độc lập được yêu cầu phải tiến hành tu tạo lớn hoặc thay đổi về hoạt động như là điều kiện để liên kết với một chuỗi khách sạn.
Áp lực cạnh tranh từ Airbnb và các hãng đặt phòng trực tuyến
Ngoài ra, các khách sạn độc lập cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb. Khi Airbnb gia tăng lượng phòng cho thuê để thu hút các vị khách muốn tiết kiệm, giá thuê phòng của các khách sạn độc lập sẽ bị kéo xuống.
Các khách sạn độc lập chịu chi phí cao hơn các chuỗi khách sạn lớn khi sử dụng dịch vụ từ các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Expedia, Booking.com hay Agoda. Thông thường, các khách sạn độc lập phải trả phí hoa hồng từ 15-30% khi du khách sử dụng các nền tảng trực tuyến đó để đặt phòng.
Trong khi đó, các chuỗi khách sạn lớn như Marriott International sử dụng quyền lực mặc cả của họ để đàm phán các mức phí thấp hơn.
Các khách sạn độc lập cũng phụ thuộc các công ty đặt phòng trực tuyến nhiều hơn so với các thương hiệu khách sạn lớn.
Một điều đáng lo ngại nữa là các khách sạn độc lập đang vấp phải sự cạnh tranh từ các hãng đặt phòng trực tuyến. Các hãng này đôi khi mua các từ khóa bao gồm tên của một số khách sạn để quảng cáo trên Google và hướng các du khách tiềm năng về nền tảng của họ thay vì trang web của các khách sạn độc lập.
Expedia giải thích việc mua những từ khóa như vậy sẽ giúp ích cho các khách sạn vì các trải nghiệm tìm kiếm khách sạn có liên quan đến các thương hiệu của Expedia sẽ giúp tăng uy tín hơn cho các khách sạn này và khách có khả năng cao sẽ đặt phòng của họ.
Các trang đánh giá khách sạn như Trip Advisor có thể giúp ích cho các khách sạn độc lập. Đọc những lời nhận xét và hình ảnh từ Trip Advisor sẽ giúp du khách cảm thấy an tâm hơn khi đặt phòng ở một khách sạn mà chưa từng lưu trú hay biết đến.
Các khách sạn độc lập đã thiết lập được danh tiếng vững chắc trên thị trường thường sẽ khước từ những lời mời liên kết từ các chuỗi khách sạn.
Bà Barbara Malone, chủ khách sạn Hotel Sorrento có 110 tuổi đời ở TP. Seattle, Mỹ, cho rằng bí quyết thành công của khách sạn này là trung thành với bản sắc bấy lâu nay với tư cách là nhà xây dựng cộng đồng, chẳng hạn thường xuyên tổ chức các sự kiện âm nhạc, văn chương.
Tuy vậy, bà thừa nhận ngày nay, vận hành một khách sạn độc lập đang trở nên thách thức hơn. Bà nói: “Các thương hiệu lớn có thể tiếp cận các khách hàng doanh nghiệp nhờ danh mục khách sạn lớn và có nhiều mức giá. Điều này khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt”. Ngoài ra, Hotel Sorrento cũng phải cạnh tranh với các chủ cho thuê phòng trọ trên nền tảng Airbnb.
Chánh Tài (Theo New York Times)
Nguồn The Saigon Times