Hấp lực thị trường dầu ăn
Với quy mô 30.000 tỷ đồng và tăng đều mỗi năm cộng với mức tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn thấp, thị trường dầu ăn Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Thị trường lớn
Bà Teresa Kok - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia trong chuyến làm việc tại Việt Nam hồi tuần trước cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dầu cọ. Hiện Việt Nam có nhu cầu sử dụng dầu ăn lên tới 1,5 triệu tấn, song sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40%, còn lại phải nhập khẩu.
“Việt Nam là điểm đến thứ 8 đối với dầu cọ của Malaysia trị giá 8,24 tỷ USD trong năm 2018. Gần 1 triệu tấn dầu và chất béo đã được nhập khẩu vào Việt Nam năm 2018 để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong số dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam vừa qua, 56% là từ Malaysia”, bà Teresa Kok cho biết.
Theo ông Datuk Dr Kaluana Sundram - Giám đốc Điều hành Ủy ban Dầu cọ Malaysia, có nhiều yếu tố để ngành dầu ăn Việt Nam phát triển do kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, dân số đông.
Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của thị trường nên cuối năm 2015, Kido đã bán mảng bánh kẹo để “chuyên tâm” cho ngành thực phẩm mà một trong những ngành hàng quan trọng là dầu ăn. Kido bước vào thị trường dầu ăn bằng việc mua cổ phần của Công ty CP Dầu thực vật Tường An. Cũng trong năm 2015, Kido hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) - một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn trên thế giới và Tập đoàn Indonesia Trans Logistics (ITL) để có được nguồn cung dầu cọ nguyên liệu. Trước đó, Kido cũng đã sở hữu 24% vốn của Tổng công ty Công nghiệp và Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Sự tăng trưởng tốt của ngành hàng này khiến lãnh đạo Kido quyết định tăng sở hữu cổ phần tại Tường An lên 65% vào cuối năm 2016 và tiếp tục nâng sở hữu lên 51% tại Vocarimex vào giữa năm 2017.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, người Việt Nam sẽ tiêu thụ dầu ăn bình quân 16,2-17,4kg/người/năm và đến năm 2025 sẽ là 18,6-19,9kg/người/năm. Mặt khác, xu hướng của người tiêu dùng đang dần chuyển từ dầu gốc động vật sang các dầu ăn từ thực vật có lợi cho sức khỏe.
Không chỉ có Kido, các doanh nghiệp trong nước cũng tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra, thương hiệu Ranee. Hay như Tập đoàn Daso chuyên về logistics cũng gia nhập thị trường với các sản phẩm dầu ăn thương hiệu Ogold, Bình An...
Dẫn số liệu cho thấy sự tăng trưởng của thị trường dầu ăn Việt Nam thời gian qua, bà Teresa Kok cho biết, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 453.260 tấn dầu cọ và trong 6 tháng đầu năm 2019 đã nhập 242.700 tấn từ Malaysia, tăng gần 23.200 tấn so với cùng kỳ 2018.
Thu hút doanh nghiệp FDI
Hiện ngành dầu ăn có sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, dầu cọ chiếm 70%, dầu đậu nành chiếm 23%, còn lại là các loại dầu thực vật khác.
Với quy mô lên đến 30.000 tỷ đồng/năm, nhiều năm qua, thị trường dầu ăn vẫn luôn thu hút các doanh nghiệp FDI. Trong đó, Sime Darby Plantation - một tập đoàn kinh doanh đa ngành của Malaysia đã thâm nhập thị trường dầu ăn Việt Nam từ rất sớm thông qua liên doanh với Vocarimex để thành lập Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Tập đoàn Wilmar (Singapore) - một trong những tập đoàn dầu cọ cũng như dầu ăn lớn nhất thế giới cũng đã liên doanh với Vocarimex thành lập Công ty Dầu thực vật Cái Lân. Tập đoàn Musim Mas (Singapore) đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 70 triệu USD.
Cùng với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, thông qua công ty phân phối ICOF Vietnam, Musim Mas mang đến cho thị trường Việt Nam các loại dầu ăn cao cấp. Ngay từ lúc đặt chân vào Việt Nam năm 2017, đại diện doanh nghiệp Singapore này đặt niềm tin rất lớn vào sự phát triển thương hiệu tại Việt Nam vì thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Các doanh nghiệp nước ngoài còn thâm nhập thị trường bằng việc đưa sản phẩm về phân phối tại Việt Nam. Từ năm 2011, khi thuế nhập khẩu dầu ăn từ các nước ASEAN xuống còn 0%, hàng loạt nhãn hiệu dầu thực vật từ các nước trong khu vực như Sailing Boat (Malaysia), Omely (Indoneisa), Cooking (Thái Lan) đã hiện diện tại Việt Nam.
Hiện ngành dầu ăn có sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, dầu cọ chiếm 70%, dầu đậu nành chiếm 23%, còn lại là các loại dầu thực vật khác.
Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn