Chủ tịch NextTech: Từ bỏ cái cũ để cái mới sáng tạo có “đất sống”
Ngày làm việc của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group – một tập đoàn về công nghệ của Việt Nam, thường bắt đầu bằng một cuộc họp ngắn lúc 8 giờ sáng ngay tại không gian mở trong khu vườn của công ty (số 18 Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), và kết thúc lúc 8 giờ tối bằng lời chào tạm biệt với các cộng sự nơi phòng giải trí.
Theo ông, với đặc thù công việc thiên về đổi mới sáng tạo, NextTech xây dựng văn phòng làm việc theo xu hướng ấn tượng và phá cách, không gian văn phòng ấn tượng với nhiều tiện ích giúp các thành viên của công ty thỏa trí sáng tạo. Ở NextTech, sáng tạo không chỉ là yêu cầu mà còn là nhu cầu của tất cả mọi thành viên.
Khi tóm tắt về hành trình gần 20 năm phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình nhận xét chính tư duy khác biệt, sáng tạo đã giúp NextTech trụ vững trên thị trường công nghệ đầy biến động và thách thức này, trở thành một hệ sinh thái công nghệ đa dịch vụ dành riêng cho doanh nghiệp nội địa.
Cuộc đua khởi nghiệp gian nan và khốc liệt
Năm 2001, chàng sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu sự nghiệp bằng 2 triệu đồng với suy nghĩ nếu thành công sẽ có sự nghiệp riêng, còn nếu thất bại sẽ có thêm bài học kinh nghiệm và từ đó dễ xin việc hơn.
PeaceSoft là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ trên nền tảng Internet thuộc thế hệ đầu tiên tại Việt Nam. Xuất phát từ “ba không” (không vốn, không trụ sở, không nhân viên), nhưng nhà sáng lập của PeaceSoft – Nguyễn Hòa Bình lại có nhiều cơ hội vì thị trường lúc bấy giờ có ít đối thủ cạnh tranh.
Sau 7 năm đầu tập trung vào hoạt động viết phần mềm theo yêu cầu khách hàng, nhận thấy mảng gia công chưa thực sự mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho doanh nghiệp, nhà sáng lập PeaceSoft quyết định thay đổi chiến lược. Ông chuyển đổi mô hình kinh doanh gia công phần mềm, vốn được giới công nghệ đùa là “ráo mồ hôi hết tiền” sang giao dịch thương mại điện tử, mô hình dịch vụ mới mẻ tại Việt Nam cách đây hơn 15 năm và được ví von là “đi ngủ tiền cũng về”.
Tham khảo thành công của các sàn giao dịch trực tuyến (được xem như các ngôi chợ trực tuyến khổng lồ) như eBay, Alibaba, năm 2004 Nguyễn Hòa Bình bắt đầu xây dựng dự án Chợ Điện Tử và nhận được đầu tư của Quỹ IDG Venture của Mỹ. Tiếng tăm của PeaceSoft nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới. Lúc đó eBay sau khi thất bại ở Trung Quốc đã quay sang Đông Nam Á và chọn PeaceSoft để làm đối tác kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Cả hai bên đã cùng nhau mở sàn giao dịch thương mại điện tử eBay.vn, do chọn đúng điểm rơi là người tiêu dùng trong nước đang quan tâm và ưa chuộng việc mua sắm các mặt hàng ngoại nhập trên mạng nên eBay.vn vào thời điểm ban đầu có lượng khách hàng đông đảo.
Thừa thắng xông lên, PeaceSoft phát triển thêm cổng thanh toán Ngân Lượng làm hệ thống hỗ trợ thanh toán cho Chợ Điện Tử và eBay.vn, công ty bước vào giai đoạn cực thịnh.
Thế nhưng, ngay sau đó, lần lượt Rocket Internet (sở hữu sàn thương mại điện tử Lazada) đến từ Đức, Shopee của Singapore và nhiều doanh nghiệp dày vốn đầu tư khác nhảy vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, rồi Alibaba mua lại Lazada để bành trướng hoạt động tại Đông Nam Á. Khi cuộc cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, năm 2014, eBay từ bỏ thị trường Đông Nam Á, không tiếp tục đồng hành cùng PeaceSoft. Thời điểm đó, không còn đối tác đồng hành, cạn vốn đầu tư nên Chợ Điện Tử và eBay.vn rơi vào tình cảnh “chợ chiều”.
Nhà sáng lập Nguyễn Hòa Bình đã đứng trước sự lựa chọn mang tính sinh-tử: từ bỏ và đặt dấu chấm hết cho 10 năm thành quả với hàng trăm nhân viên đồng hành; hoặc thay đổi tất cả hoạt động của doanh nghiệp mình theo hướng “bỏ đi cái cũ, xây dựng cái mới theo hướng sáng tạo hơn, đột phá hơn”.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu các số liệu thống kê, ông Bình nhận thấy chỉ khoảng 2% lưu lượng bán lẻ tại Việt Nam được thực hiện hoàn toàn trên kênh trực tuyến, còn lại người tiêu dùng vẫn mua hàng theo cách thức truyền thống, ví dụ tìm kiếm, đặt hàng hóa trên mạng nhưng lại ghé mua tại cửa hàng hoặc thanh toán hàng theo hình thức COD (Cash On Delivery – trả tiền mặt khi nhận hàng).
Nhận thức rằng tiềm lực tài chính của PeaceSoft yếu hơn đối thủ nước ngoài hàng chục-trăm lần trong cuộc chơi thương mại điện tử nhưng có cơ hội hỗ trợ hơn 98% giao dịch của người bán và người mua trong môi trường truyền thống được cải thiện thông qua việc điện tử hóa, ông Bình đã quyết định chọn “cánh cửa hy vọng” mới.
Đổi mới sáng tạo là nhu cầu cấp thiết
Cuộc chuyển hướng từ thương mại điện tử sang điện tử hóa hoạt động thương mại không chỉ đơn thuần là quyết định thành lập NextTech Group là công ty mẹ của PeaceSoft, mà còn là sự nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn thông qua việc liên tục đưa ra các giải pháp công nghệ giúp cho các doanh nghiệp nội địa truyền thống có thể tối ưu hóa hoạt động, cải thiện hoạt động kinh doanh, có thêm khách hàng…
“Các doanh nghiệp cần luôn phải đổi mới sáng tạo mới có thể tồn tại. Phải lấy nỗi sợ hãi bị đào thải để làm động lực sáng tạo. Bởi xã hội luôn có sự đào thải nên nỗi sợ hãi này luôn thường trực và đây cũng là động lực cho sự đổi mới. Bởi khi sáng tạo một cách chủ động sẽ tốt hơn là bị đẩy vào tình thế bị động”, ông Bình nhận định.
Ông cũng chia sẻ rằng quyết định thay đổi, đổi mới phải được đưa ra khi doanh nghiệp vẫn còn đang ở trong giai đoạn hung thịnh bởi khi đó nhân viên còn đang có khí thế, nguồn lực dồi dào dễ thúc đẩy cái mới, cái sáng tạo. Và khi thị trường gặp khó khan, doanh nghiệp chủ động nghĩ ra và đi theo một phương hướng hoạt động kinh doanh mới dựa trên việc “tiêu diệt” mô hình cũ của mình thì doanh nghiệp đó sẽ có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển, thay vì bị “tiêu diệt” hoàn toàn bởi đối thủ.
Từ đây, doanh nghiệp manh nha xây dựng hệ sinh thái đa dịch vụ NextTech. Đầu năm 2016, công ty tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn để không dừng lại ở thị trường thương mại điện tử mà tham gia vào cuộc chơi lớn hơn là điện tử hóa thương mại với tổng doanh số bán lẻ lên đến 110 tỉ đô la Mỹ/năm.
Tận dụng ưu thế của cổng thanh toán Ngân Lượng, cổng vận chuyển Ship Chung, NextTech tiếp tục cho ra mắt dịch vụ thanh toán thẻ trên di động mPOS.vn, cổng TMĐT xuyên biên giới WeShop.com.vn, nền tảng hậu cần kho vận BoxMe.vn, ví điện tử di động Vi Mô, học viện công nghệ cho trẻ em Teky và nhiều dịch vụ khác… đồng thời, mở rộng hoạt động ra các thị trường mới như Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Cuộc chuyển hướng sang điện tử hóa các mô hình thương mại truyền thống đã giúp NextTech kiếm được dòng tiền ngay, xuất phát từ sự thay đổi tư duy của người đứng đầu là đầu tư và tạo nguồn thu ngay lập tức chứ không phải như trước đây là đốt tiền đầu tư và hy vọng có doanh thu trong tương lai.
Hiện nay NextTech Group có 2.000 nhân viên đang làm việc tại 7 quốc gia trong 3 lĩnh vực điện tử hóa thương mại, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử và giáo dục. Tổng sản lượng giao dịch trong năm 2019 của tập đoàn ước đạt gần 3 tỉ đô la Mỹ.
Xây dựng hệ sinh thái với gần 20 dự án/sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau, ông Bình cho biết doanh nghiệp phải kiên quyết với tôn chỉ: các dự án chỉ được lỗ trong 2 năm đầu tiên, sau đó tối thiểu thu phải đủ bù chi, nếu không sẽ phải đóng cửa. Mỗi dự án thất bại phải chấp nhận bị đào thải để thay thế bằng dự án mới.
“Hiện tỷ lệ thành công các dự án kinh doanh của NextTech là 60%. Tỷ lệ này là sự đột phá bởi theo số liệu thống kê mặt bằng chung ở Việt Nam thì tỷ lệ các dự án startup thành công thường dưới 10%. Càng là tân binh thì tỷ lệ bị tiêu diệt trên “chiến trường” càng cao hơn”, ông Bình chia sẻ.
Trong số các dự án kinh doanh của tập đoàn, mPOS là sản phẩm ông Bình quan tâm và tâm đắc nhiều hơn cả. Bởi trong khi phần lớn các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua hệ thống thiết bị chấp nhận thẻ (POS) sử dụng đường truyền Internet cố định có dây thì dịch vụ thanh toán của mPOS lại thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) gắn vào điện thoại thông minh có kết nối Internet di động 3G, 4G.
Tính tiện ích của dịch vụ, sự gọn nhẹ và cơ động của thiết bị đã giúp mPOS thu hút được gần 50.000 người sử dụng (cá nhân, tổ chức) trên cả nước trong hơn 2 năm qua, một con số không thấp khi hệ thống thiết bị POS hiện mới có 250.000 người sử dụng.
Sự tiện ích của dịch vụ còn đến từ việc giải pháp này có thể chạy trên một ứng dụng (app) và có nhiều tính năng như vay tiền, thanh toán bằng mã QRcode (mã vạch ma trận), thanh toán hóa đơn điện, nước cho người tiêu dùng… Ông Bình cho rằng, mPOS có được khách hàng là bởi tập đoàn này đã chọn thị trường ngách và đi đúng hướng.
"Tri kỷ" của những nhà khởi nghiệp - Con đường nuôi dưỡng sự sáng tạo
Nếu quan tâm đến Shark Tank Việt Nam, một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khá đình đám trên sóng truyền hình, hẳn bạn sẽ nhận ra vị Chủ tịch của NextTech trong vai trò hoàn toàn mới: shark Bình – nhà đầu tư cho các startup.
Phát biểu lần đầu tại Shark Tank Việt Nam, từ hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp công nghệ, ông Bình chia sẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hiện đang là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung cạnh tranh và hội nhập với thế giới. Bởi hầu hết các startup kỳ lân đạt giá trị hàng tỉ đô la hiện nay trên thế giới đều đến từ lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng rất khốc liệt này.
Ông ước tính mỗi năm trên thế giới có đến 50 triệu dự án startup ra đời, còn Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% trong số này sẽ thất bại và phải giải thể, vì không tìm ra “long mạch” – được hiểu là một phương thức kinh doanh đặc thù mang lại khả năng sinh lời và tăng quy mô cho doanh nghiệp, cũng như thiếu một hệ sinh thái làm bệ phóng.
Chính vì vậy, NextTech đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100.vc quy mô 10 triệu đô la lai ghép từ 3 mô hình Venture Builder - Ecosystem - Venture Capital. NextTech sẽ dùng 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp và hệ sinh thái rộng lớn để tư vấn, huấn luyện đồng thời hỗ trợ thực chiến mọi mặt cho các startup Việt.
Mục tiêu của Next100 là cung cấp chương trình huấn luyện và đầu tư cho hàng trăm startup công nghệ hoặc startup truyền thống ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, thông qua việc đào tạo hỗ trợ các nhà sáng lập startup vượt qua các khó khăn bước đầu để né tránh thất bại và vươn tới thành công với thời gian và chi phí tối ưu nhất.
Vị doanh nhân sở hữu bằng thạc sĩ về tin học đô thị của trường Đại học thành phố Osaka và hơn 30 giải thưởng uy tín về kinh doanh công nghệ, đã nhắn nhủ rằng: “Hai giá trị cốt lõi nhất của NextTech là con người làm chủ và sáng tạo ra công nghệ, để công nghệ phục vụ đời sống con người. Vì vậy mối quan hệ hợp tác với Shark Tank mùa 3 nhằm huấn luyện đào tạo các startup Việt gia tăng cơ hội thành công là phù hợp với chiến lược đầu tư vào con người của NextTech, và là một cam kết xã hội đóng góp xây dựng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”.
Đồng thời, ông Bình cho rằng bản thân thấu cảm sự cô đơn và thiếu thốn trong giai đoạn khởi nghiệp, nên ông định vị mình như một người bạn “tri kỷ” của các startup Việt, với mong muốn đồng hành với các nhà sáng lập vượt qua khó khăn trên con đường đi đến thành công, với thời gian và chi phí tối ưu nhất.
Đã từng là startup may mắn khởi nghiệp thành công từ con số 0 nên NextTech mong muốn mang đến các kinh nghiệm và nguồn lực góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực. Ông Bình nói thêm rằng năng lực của một doanh nghiệp không bao giờ so sánh được với sức mạnh của số đông nhiều doanh nghiệp. Đầu tư cho khởi nghiệp cũng là cách huy động sức sáng tạo của số đông.
Hiện nay, NextTech được đánh giá là môi trường sáng tạo ươm mầm ý tưởng. Tại đây, những nhà khởi nghiệp công nghệ tụ họp, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái bền vững.
“Việc cho ra mắt quỹ đầu tư không phải vì NextTech cạn ý tưởng vì mỗi năm tập đoàn liên tục cho ra các dự án mới. Chính việc tạo ra các startup mới hằng năm và đầu tư vào các startup trong xã hội cũng là một cách thức đổi mới sáng tạo để tiếp tục tồn tại và phát triển”, ông Bình nhấn mạnh, và kỳ vọng bất cứ cá nhân, tập thể nào muốn khởi nghiệp dễ dàng hơn, đơn giản hơn thì hãy đến “hội quân” với NextTech.
* Nội dung: Vân Ly
Trình bày: Thư Linh
Hình ảnh: Tuấn Hải
Vân Ly
Nguồn The Saigon Times