Dòng vốn ngàn tỷ “chia lại” thị trường hàng không
Có ít nhất 3 thương hiệu hàng không nội địa gia nhập thị trường trong thời gian tới sẽ giúp ngành này trở nên nhộn nhịp hơn. Nhưng với đặc thù kinh doanh của ngành hàng không, việc thu xếp và nâng quy mô vốn vẫn là bài toán sống còn với các hãng mới nếu muốn duy trì cuộc chơi.
Xếp vốn chờ bay
Số liệu thống kê của Cục Hàng không cho thấy thị trường đã tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ. Theo đó, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt tăng 14% và 7,6% so với cùng kỳ, còn tính chung tổng lượng khách tăng 9,6%.
Dù vậy, thị trường hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá cao, dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Con số này cao gấp đôi so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, không chỉ vận tải hành khách mà còn cả vận tải logistic. Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) đánh giá, Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Dù thị trường tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu năm nay nhưng số lượng hãng hàng không mới đang "xếp hàng" chờ bay lại tăng thêm nhanh chóng. Nếu như đầu năm nay chỉ có Bamboo Airways thì giờ đây có thêm ít nhất 3 thương hiệu khác đang rục rịch "nhảy" vào thị trường này.
Gần đây nhất, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) công bố hoàn tất phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu để chuẩn bị vốn cho dự án hàng không đang được rầm rộ triển khai. Các nhà đầu tư tham gia mua là tổ chức trong nước, với lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu, sau đó tăng lên 11%.
Viettravel đồng thời cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch huy động vốn “dài hơi” hơn khi chính thức niêm yết trên sàn UPCoM hôm 27-9. Cổ phiếu Viettravel có mức giá chào sàn 40.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa công ty đạt mức hơn 500 tỉ đồng.
Niêm yết trên sàn sẽ giúp cho các công ty huy động vốn dễ dàng hơn. Hiện nay, ngoài Vietnam Airlines hay Vietjet Air đều đã niêm yết trực tiếp, còn có tập đoàn FLC (công mẹ của Bamboo Airways) và Vingroup (công ty mẹ của Vinpearl Air).
Mới đây, hãng tin Bloomberg cho biết Bamboo Airways kỳ vọng gọi vốn được khoảng 100 triệu đô la từ thương vụ IPO dự kiến diễn ra vào năm tới, với tham vọng mở rộng thị trường Việt Nam. Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 700 tỉ đồng lên 1.300 tỉ đồng, tăng quy mô khai thác từ 10 lên 30 chiếc.
Trong khi đó, Vinpearl Air vẫn chưa có chi tiết về kế hoạch hoạt động, nhưng số vốn điều lệ đăng ký dự kiến là 1.300 tỉ đồng. Năng lực gọi vốn của công ty mẹ Vingroup đã được chứng minh hiệu quả trong quá khứ. Mới đây tập đoàn đưa ra kế hoạch sẽ bảo lãnh khoản vay từ trái phiếu có mệnh giá tối đa là 5.000 tỉ đồng cho dự án VinFast, đồng thời có kế hoạch phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá 750 triệu đô la cho các dự án mới của tập đoàn.
Trái với những hãng bay trên, hãng hàng không “Cánh Diều” (Kite Air) của ông Trần Trọng Kiên lại kín tiếng hơn vì tập đoàn Thiên Minh vẫn chưa niêm yết. Trước đó, ông Kiên tính liên doanh với hãng hàng không giá rẻ Air Asia nhưng không thành công. Dự kiến số vốn điều lệ đăng ký của hãng bay này là 1.000 tỉ đồng, do chính Tập đoàn Thiên Minh và ông chủ của hãng hàng không Hải Âu góp vào để chờ bay.
Theo quy định, mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không có quy mô khai thác 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỉ đồng, nếu quy mô từ 11 - 30 máy bay thì số vốn cần 1.000 tỉ đồng. Số máy bay tăng lên thì vốn điều lệ cũng cần phải tăng theo tương ứng, trong khi đó hãng bay nào cũng đưa ra kế hoạch tham vọng mở rộng đội bay. Vậy nên, dòng vốn chảy vào hàng không sẽ ngày càng nhiều hơn.
Nhưng đó mới chỉ là vốn điều lệ, đặc thù của ngành hàng không là rủi ro cao và cần vốn nhiều để hoạt động. Bên cạnh các phương án huy động vốn thường thấy như vay thương mại hay các nguồn vốn hỗ trợ từ các định chế tài chính, phát hành trái phiếu, hãng hàng không còn có thể sử dụng nghiệp vụ Sale & Lease back (bán và thuê lại). Nghiệp vụ tài chính này được xem là "chìa khóa" tối ưu cho sự phát triển mau chóng trong thời gian qua của Vietjet Air. Nói vậy để thấy rằng, trong cuộc chơi hàng không thì khả năng thu xếp vốn và kiểm soát chi phí sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhiều thách thức cho tham vọng của các "tay chơi" mới
Ngành hàng không là ngành có nhiều rào cản gia nhập từ trước đến nay, nhưng hàng loạt đơn xin thành lập hãng hàng không cho thấy các ông chủ tập đoàn kinh tế vẫn đánh giá cao sự tăng trưởng của thị trường, và đều tỏ ra tự tin với tham vọng lớn của mình.
Chẳng hạn như nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, rất tự tin với chiến lược mở rộng Vietjet Air ra thị trường quốc tế. Hiện Vietjet Air đang nhanh chóng mở rộng các đường bay quốc tế và doanh thu phụ trợ ngoài mảng vận tải.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết Bamboo Airways kỳ vọng chiếm 30% thị phần nội địa vào năm 2020. Trước đó nữa, thông điệp cố gắng trở thành hãng hàng không đầu tiên mở đường bay đến Mỹ của ông chủ tập đoàn FLC cũng gây nhiều tranh cãi vì “không tưởng”.
Dù được dự báo là rất khó khăn nhưng những "tay chơi" mới cũng thể hiện rõ sự tự tin. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel nhiều lần chia sẻ với báo giới, rằng Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không là một bước đi hợp lý và có tính toán rõ ràng. Không chỉ vì vé máy bay chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá tour, mà còn là do Vietravel thường xuyên phải thuê chuyến bay thẳng (charter) để phục vụ cho du khách của mình, số lượng hàng năm lên tới 300-400 chuyến.
Dù vậy, tham gia thị trường hàng không là một thách thức rất lớn đối với một công ty du lịch có tổng tài sản 1.654 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 219 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20,8 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 2-2019. Như vây, để đảm bảo khả năng vận hành trơn tru, Vietravel sẽ cần phải nhanh chóng phình to hơn về quy mô tài sản.
Thị trường hàng không Việt phát triển nóng với nhiều tham vọng nhưng cũng có quá nhiều thách thức. Không chỉ cạnh tranh nóng trên từng chặng bay mà còn chịu áp lực về việc quá tải hạ tầng và vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực.
Báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt mới đây cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp của Vietjet Air và Vietnam Airlines đã giảm lần lượt 28 điểm phần trăm và 93 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá nhiên liệu máy bay bình quân giảm 5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các hãng hàng không tăng trưởng ngày càng “nóng” thì thì nhiều nhà đầu tư tư nhân bắt đầu mở rộng đầu tư sang các dịch vụ khác, từ hoạt động logistic cho đến quy hoạch và phát triển hạ tầng sân bay. Dòng vốn chảy vào lĩnh vực hàng không do đó được kỳ vọng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030, mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách.
Tổng thị trường năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách.
Tổng thị trường 6 tháng đầu năm đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018. Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%.
Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).
Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 cảng hàng không. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) khai thác 9 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.
Tính đến cuối tháng 6, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỉ lệ sở hữu đạt 27,4% (54 máy bay sở hữu).
Dũng Nguyễn
Nguồn The Saigon Times