Đâu là trợ lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá trong kỷ nguyên số?
Việt Nam có khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Con số này được công bố hàng năm và hầu như không có sự thay đổi tích cực nào.
Doanh nghiệp nhỏ mãi vẫn nhỏ, số lượng doanh nghiệp từ quy mô nhỏ phát triển đến quy mô vừa vẫn rất ít. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tăng trưởng tốt hơn khi tận dụng được sức mạnh của công nghệ.
Bước đi tắt bằng công nghệ
Chia sẻ tại hội thảo “Các trợ lực để doanh nghiệp SMEs ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” được Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty Kizuna tổ chức sáng ngày 3-10 tại TPHCM, ông Đỗ Khắc Cương, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft cho biết theo nghiên cứu chuyển đổi số khu vực châu Á Thái Bình Dương do Microsoft phối hợp cùng IDC thực hiện, chuyển đổi số sẽ đóng góp hơn một nghìn tỉ đô vào GDP của khu vực vào năm 2021. Không chỉ vậy, chuyển đổi số còn là một cuộc đua, mà trong đó, các doanh nghiệp tiên phong dẫn đầu chuyển đổi số sẽ đạt được gấp đôi các lợi ích so với những doanh nghiệp theo sau, xét về 5 khía cạnh chính là: biên lợi nhuận, năng suất, yêu thích từ khách hàng, chi phí, các sản phẩm, dịch vụ số mới.
Các doanh nghiệp lớn có điều kiện để mua công nghệ/xây dựng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp, nhưng ngày nay các SMEs vẫn có thể sử dụng được công nghệ thông tin thông qua hình thức thuê bao, điện toán trên đám mây.
“Để có thể trở thành các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải thiết lập một văn hoá số, xây dựng hệ sinh thái thông tin dữ liệu, chuyển đổi từ những chiến dịch nhỏ, đồng thời phát triển những kỹ năng cần thiết cho nhân viên và chính doanh nghiệp của mình. Nhìn lại các công ty kỳ lân trên thế giới đều thay đổi quy mô nhanh chóng sau khi tận dụng tối ưu sức mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số”, ông Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó về mặt bằng sản xuất, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Chuyên gia phát triển dự án Khu công nghiệp - Phó Tổng giám đốc Kizuna cho rằng hiện tại bên cạnh mô hình khu công nghiệp truyền thống, vốn rất khó để SMEs tiếp cận, các công ty bất động sản khu công nghiệp cũng nên nghiên cứu mô hình khu công nghiệp kiểu mới, cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lựợng tái tạo.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cũng có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với với quy mô nhỏ, các khu nhà xưởng cao tầng, đi kèm các dịch vụ có sẵn...và cần đồng hành cùng khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp SMEs, vốn gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí.
Bài toán vốn vẫn là điểm yếu cố hữu
Bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu Insight Asia cho rằng trong số các SMEs gặp khó một phần lớn là doanh nghiệp ngành sản xuất. Những rào cản về chính nội lực của họ (vốn, kinh nghiệm quản trị...), và ngoại lực (môi trường, chính sách...) đang là lý do khiến các SMEs không thể phát triển mạnh trong thời gian qua.
Theo khảo sát của Insight Asia với các SMEs/start-up thuộc 4 lĩnh vực F&B, công nghiệp hỗ trợ, may mặc thời trang và hoá mỹ phẩm, có 62% số người tham gia cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn (chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc…). Trong khi khó khăn về nguồn khách hàng đứng thứ hai với 60%, khó khăn về nhà xưởng là 55%, và 45% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ gặp khó về pháp lý.
Dù vậy, về vấn đề pháp lý, hầu hết các doanh nghiệp SMEs đều nghĩ họ không gặp vấn đề pháp lý ban đầu và đang hài lòng với cách giải quyết các vấn đề pháp lý hiện tại. Bởi lẽ họ chưa nhận ra có cách giải quyết tốt hơn, ít tốn kém hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Các doanh nghiệp này cũng chưa hình dung các vấn đề pháp lý tiếp theo trong quá trình hoạt động sản xuất sau này.
Ông Trần Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á cho rằng phía doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nhưng nhìn lại thì các doanh nghiệp hầu như chưa sẵn sàng và không có chiến lược liên quan vấn đề vay vốn dù họ có chiến lược sản xuất, có chiến lược về khách hàng.
"Đơn cử, nếu ngân hàng hỏi đến phương án vay vốn, một số doanh nghiệp không trình bày được, một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích. Có doanh nghiệp cho biết vay vốn là để mua lô đất bên cạnh cơ sở sản xuất kinh doanh của mình để chờ tăng giá bán. Phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp bị động, họ thấy lĩnh vực nào đang thuận lợi họ sẽ dùng vốn vào chỗ đó ngay", ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn trong tất cả các phương án kinh doanh, các ngân hàng đều yêu cầu doanh nghiệp có tối thiểu 20% nguồn vốn kinh doanh là vốn tự có nhưng để đảm bảo doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động có lời và an toàn doanh nghiệp nên có ít nhất 40% vốn tự có, số còn lại mới nên vay từ các nguồn.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI TPHCM), cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện đã lý giải tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ.
Cuộc điều tra cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động (như nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai), gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các doanh nghiệp lại càng lớn.
Những điểm yếu của doanh nghiệp SMEs cùng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới được dự đoán khiến các doanh nghiệp này sẽ còn gặp khó trong tương lai, khi SMEs không có nhiều thông tin về hội nhập.
Số doanh nghiệp không biết hoặc không biết gì sâu về hiệp định TPP/CPTPP chiếm tới 74% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, và lần lượt là 72%, 65% và 50% đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và lớn.
Khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhận thấy những cơ hội thị trường là tệ hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này của các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ là 6%.
Nhiều con số khác theo ông Liêm là khá buồn đối với doanh nghiệp, như 56% doanh nghiệp siêu nhỏ, 52% doanh nghiệp nhỏ và 45% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết "thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh", con số này ở các doanh nghiệp quy mô lớn là 44%. Nghĩa là những chi phí không chính thức đã được các doanh nghiệp nhỏ và vừa xem như lẽ đương nhiên phải bỏ ra, để đảm bảo lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.
Để có thể thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SMEs Việt Nam trong thời gian tới, ông Liêm cho rằng những chính sách và pháp luật có liên quan tới doanh nghiệp SMEs cần thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp SMEs đang gặp phải hiện nay.
Đồng thời các chính sách phải thật thiết thực, gần gũi với doanh nghiệp nhỏ, cụ thể như hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp. Thêm vào đó việc cải thiện môi trường kinh doanh là cần thiết, giúp doanh nghiệp xóa bỏ các loại chi phí không chính thức mà họ đang phải gánh chịu như hiện nay, giảm bớt các cuộc thanh kiểm tra không cần thiết với doanh nghiệp SMEs.
Tuấn Bình - Việt Dũng
Nguồn The Saigon Times