Cuộc đua giao nhận hàng: Công nghệ là yếu tố bứt phá
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong nước đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện nay vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử, đặt ra yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa trên thị trường.
Thương mại điện tử dẫn dắt logistics phát triển
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, ngành logistics Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng 16%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI (Logistics Performance Index – chỉ số đánh giá kết quả hoạt động logistics) trong năm vừa qua.
Nếu như năm 2016, Việt Nam có chỉ số LPI là 2,98, xếp hạng 64/160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN, thì năm 2018 chỉ số này tăng 25 bậc. Theo đó, Việt Nam vượt lên ở vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể là 3,27, cao nhất trong 6 lần xếp hạng, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường logistics Việt Nam cũng không ngừng tăng cùng với tăng trưởng nhanh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua, đạt khoảng 40-42 tỉ đô la Mỹ/năm. Trong đó, thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics.
Thống kê của Công ty Armstrong & Associates (Mỹ) cho thấy, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2-7,5% tổng doanh thu logistics thế giới.
Với sự tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mục tiêu 13 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Những con số nói trên đã phần nào phác họa bức tranh tương lai của thương mại điện tử Việt Nam, nhưng để có thể phát triển như tiềm năng là một thách thức lớn, bởi hệ thống hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa cho các giao dịch trực tuyến còn yếu kém, chưa đồng bộ. Có thể nói, dù đã có sự tiến bộ về chỉ số LPI, dịch vụ logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều "nút thắt cổ chai", cản bước thương mại điện tử phát triển. Do đó, để thương mại điện tử có mức đóng góp ngày càng tăng cho nền kinh tế, không thể thiếu được vai trò của chuỗi cung ứng và logistics trong thương mại điện tử.
TS. Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) tại một hội thào gần đây về logistics, đã đánh giá doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics.
Doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối.
Ngoài ra, điểm yếu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước là chi phí dịch vụ còn chưa có tính cạnh tranh tốt, chất lượng một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.
"Nguyên nhân chính là do hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quốc tế", ông Minh phân tích.
Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Đó là con số phản ánh mức chi phí logistics ở Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Về chi phí vận tải, hiện nay, trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, chiếm 59%. Chi phí này đang chiếm 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặc dù giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, tuy nhiên đến 90% đơn hàng hẹn thanh toán sau khi nhận hàng, hay tỷ lệ giao hàng không thành công khá cao, khoảng 8-10%. Điều này không chỉ tăng chi phí cho người bán hàng, mà khiến những doanh nghiệp logistics nảy sinh nhiều chi phí, từ chi phí lưu trữ hàng hóa, chi phí con người đến nhiều quy trình xử lý phức tạp phía sau để hoàn đơn.
Công nghệ - chìa khóa cho sự đột phá
Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt, khi "người khổng lồ" DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với "tuyên ngôn" giao hàng trong vòng 2 giờ.
Đánh giá Giao Hàng Nhanh (GHN) là đối tác tin cậy và lớn, có dịch vụ với chất lượng ổn định, đảm bảo yêu cầu về tốc độ giao hàng và thời gian, Tiki đã chọn GHN là một trong những đơn vị vận chuyển cho mình bởi theo sàn thương mại điện tử này, chính công nghệ đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho GHN.
Trong quí 3 này, Giao Hàng Nhanh vừa đưa vào hoạt động hệ thống phân loại hoàn toàn tự động, có khả năng phân loại 30.000 đơn hàng/giờ tại kho GHN ở Long Biên, Hà Nội. Nếu trước đây, khi phân loại thủ công với quy mô lớn, GHN có thể phải mất 3 giờ để phân hàng, thì bây giờ chỉ cần 30 phút cho cùng lượng hàng tương tự. “Đây là tốc độ giao hàng vượt trội tương đương với tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển nhất về thương mại điện tử như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Lương Duy Hoài, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành GHN, cho biết.
Doanh nghiệp cũng có kế hoạch đưa vào hoạt động hệ thống thứ 2 tại TPHCM vào tháng 11 sắp tới. Đây là một trong nhiều khoản đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ và vận hành giúp GHN luôn giao hàng nhanh và ổn định.
Cũng cùng thời điểm, Công ty Cổ phần Công nghiệp BW (BW Industrial), đơn vị có quỹ đất công nghiệp lên đến 230 ha tại Việt Nam, công bố hợp tác chiến lược cùng lúc với Shopee và BEST Inc. Đại diện BW Industrial tiết lộ, kho hàng tại TPHCM là đơn hàng thứ 3 của Shopee và là kho tự động đầu tiên của BEST Inc. tại Việt Nam. Đáng chú ý BEST Inc. là nhà cung cấp dịch vụ logistics thông minh tại Trung Quốc, vừa được Alibaba mua lại, mỗi ngày xử lý hơn 20 triệu đơn hàng chuyển phát và dự kiến cuối năm nay vượt 30 triệu đơn hàng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm qua.
Sự rốt ráo của cả GHN, BEST và Shopee trong việc tìm kiếm và nâng cấp kho hàng cho thấy cuộc cạnh tranh diễn ra quyết liệt hơn trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Thị trường này được Euromonitor dự báo sẽ tăng trưởng 32% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022. Bên cạnh đó, khoảng 30% dân số được dự đoán sẽ chuyển qua mua sắm trực tuyến vào năm 2020.
Các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần nhằm tối ưu hiệu suất và chi phí. Chẳng hạn, Tiki đã hợp tác với UniDepot, một công ty chuyên cung cấp kho bãi và dịch vụ hậu cần, để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong tương lai. Trong khi đó, Lazada mở các kho giao nhận tại TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh. LEL Express đã đưa trung tâm phân loại hàng hóa thứ 2 ở Hà Nội đi vào hoạt động với công suất khoảng 10.000 sản phẩm/giờ.
Có thể nói, bên cạnh cuộc chạy đua về khuyến mãi, cuộc chiến hậu cần về kho bãi, giao nhận cũng trở nên quyết liệt hơn khi tất cả các sàn đều muốn gia tăng trải nghiệm của khách hàng. “Muốn giao hàng được trong 2 giờ, Tiki buộc phải có hàng trong kho mới xử lý kịp. Trong giao nhận, vận chuyển chiếm phần lớn thời gian do vậy thời gian xử lý đơn hàng phải rút ngắn lại,” ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Tiki, khẳng định việc mở rộng năng lực kho vận là mục tiêu để Tiki chiếm ưu thế trong thị trường thương mại điện tử.
Bên cạnh việc tối ưu thời gian giao nhận, đầu tư vào kho bãi, logistics hiện đại còn là cách các công ty thương mại điện tử tối ưu chi phí nhân lực. Ông C.K. Tong, Tổng Giám đốc BW Industrial, cho biết, 2 kho BW Industrial cung cấp cho đối tác có tổng diện tích 5 ha tại TPHCM. “Với 2 sản phẩm nhà kho của Shopee và BEST Inc., BW kỳ vọng tạo ra khái niệm mới về kho vận thông minh tích hợp các yếu tố địa điểm, thiết kế và tự động”, ông C.K. Tong cho biết. Từ nhu cầu này, BW Industrial đang hoàn thiện nền tảng bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần có thể đáp ứng được các tập đoàn đa quốc gia, 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 hay logistics theo hợp đồng) và các công ty thương mại điện tử như Shopee.
Ông Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết, các giải pháp hậu cầu kho vận tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho khách hàng nhỏ lẻ còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống kho bãi. Trong đó, hệ thống kho vận là tiền đề cho việc mở rộng quy mô và phát triển của Shopee khi thương mại điện tử đang phát triển nhanh, đặc biệt nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm. Với kho hàng mới thuê từ BW Industrial, Shopee tăng số lượng kho lên con số 3 tính trên cả nước.
Kho hậu cần hiện đại sẽ giúp các công ty thương mại điện tử giải quyết bài toán về thời gian giao hàng. Không chỉ Lazada Việt Nam, Tiki cũng có bước chuẩn bị khá kỹ khi đưa ra dịch vụ giao hàng 2 giờ. Trước đó, Shopee Việt Nam đưa ra dịch vụ giao hàng 4 giờ thử nghiệm đối với người bán và mua hàng ở một số quận thuộc TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho rằng xét về năng lực cung ứng, các công ty chuyên nghiệp ước tính phục vụ được chỉ 30% khối lượng đơn hàng. “Ngoại trừ các công ty lớn, các công ty nhỏ đa phần sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ. Đó là điều bất hợp lý trong thương mại điện tử. Đầu tư hậu cần kho vận là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong thương mại điện tử”, ông Dũng nhận định.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm qua. VECOM ghi nhận một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62-200%.
Nguyên Minh
Nguồn The Saigon Times